Theo dõi trên

Mùa mưa lũ và vấn đề đảm bảo an toàn hồ chứa

30/10/2017, 08:30

BT- Hiện toàn tỉnh đang bước vào cao điểm mùa mưa bão 2017. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều địa phương đã và đang phải gánh chịu những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi… do mưa lũ gây ra. Một trong những vấn đề đáng lo ngại và quan tâm chính là việc đảm bảo an toàn hồ chứa, xả lũ tại các công trình thủy lợi trên địa bàn.

                
Xả lũ hồ Sông Quao.

  Hiện toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, tổng năng lực tưới thiết kế 70.360 ha. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Thuận đang quản lý 16 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2017 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mùa mưa đến sớm, lượng mưa tập trung vào tháng 9, tháng 10 với tần suất mưa lớn, gây lũ lụt nhiều nơi trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ chứa đã điều tiết nước qua tràn, lượng nước qua tràn nhiều hơn so cùng kỳ. Đặc biệt  từ ngày 11 - 14/10 và từ  ngày 20 - 23/10/2017, có mưa lớn kéo dài trên địa bàn toàn tỉnh, gây ngập úng khoảng 3.030 ha cây trái hoa màu; sạt lở, hư hỏng một số công trình thủy lợi với thiệt hại khoảng 12,47 tỷ đồng.

Đánh giá về an toàn hồ chứa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty KTCTTL) Nguyễn Anh Khoa cho biết: Trong 16 hồ có 7 hồ chứa bảo đảm an toàn như các hồ Lòng Sông, Phan Dũng (đập bê tông); hồ đã được đầu tư nâng cấp như các hồ Đu Đủ, Núi Đất và 2 hồ đầu tư sau này là Sông Móng và Sông Khán... Phần lớn các hồ còn lại đã qua sử dụng nhiều năm, hiện công trình xuống cấp, chưa được đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đơn vị quản lý và chính quyền địa phương nơi có hồ thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ trong vận hành, điều tiết hồ chứa gồm: Lòng Sông, Phan Dũng, Cà Giây, Sông Quao, Đu Đủ và Sông Móng.

Trước mùa mưa lũ, Công ty KTCTTL Bình Thuận đã phối hợp các địa phương, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi. Từ đó, công ty tiến hành sửa chữa những hư hỏng cấp bách, đặc biệt là các công trình đầu mối và các thiết bị vận hành tràn để đảm bảo hoạt động bình thường với mọi điều kiện thời tiết; lập phương án phòng chống lụt bão các hồ chứa. Mặt khác, trang bị dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm ứng phó kịp thời khi mưa lũ xảy ra. Bố trí đủ cán bộ có nghiệp vụ và duy trì chế độ trực 24/24 giờ; theo dõi diễn biến của thời tiết; tăng cường công tác kiểm tra quan trắc công trình để kịp thời điều tiết nước hợp lý nhằm khắc phục những tình huống nguy hiểm, bất thường xảy ra. Cùng với đó là tổ chức vận hành công trình và tích nước công trình theo quy trình được duyệt, kiểm tra tình hình ngập lụt phía hạ lưu các hồ chứa để điều tiết nước qua tràn hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại cho vùng hạ du.

Theo ông Khoa, khó khăn hiện nay trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập là phần lớn các công trình xây dựng từ lâu nên xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư nâng cấp. Ngoài ra, hầu hết các công trình hồ chứa đều không có trạm đo mưa đầu nguồn và hệ thống cảnh báo lũ hạ du, gây khó khăn và thiếu chủ động trong dự báo và cảnh báo lũ. Hơn nữa, đa số các trục tiêu thoát lũ bị cây cối che phủ, bồi lấp, bị xâm lấn làm hẹp dòng chảy, giảm khả năng tiêu thoát lũ của công trình.  

    
    Ông Khoa   nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố   bất lợi đến công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi; tuy   nhiên đến thời điểm hiện nay, các công trình thủy lợi vẫn bảo đảm an   toàn, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của bà con nông dân”.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa mưa lũ và vấn đề đảm bảo an toàn hồ chứa