Theo dõi trên

Ngày mới ở Trà Cụ

25/05/2018, 11:01

BT- Đã ít hơn những phận người lam lũ, căn nhà xiêu vẹo, bụi mù trên những tuyến đường như hình ảnh khi chúng tôi đến khu phố thuần đồng bào dân tộc thiểu số Trà Cụ (thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh) cách đây ít năm. Thay vào đó là hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống nhân dân đã có những đổi thay căn bản, những nếp nhà với mảng tường vôi trắng đang dần hiện hữu ở nơi này…

                
Người dân khu phố Trà Cụ đang chăm sóc hoa    trên các tuyến đường.

Khi chính sách đi vào cuộc sống

Cách trung tâm thị trấn Lạc Tánh hơn 3 km, con đường bê tông dẫn về thôn Trà Cụ khá rộng rãi với những hàng cây thẳng tắp được trồng hai bên đường. Đón chúng tôi ngay đầu thôn, Trưởng khu phố Trà Cụ Nguyễn Văn Dũng hồ hởi: “Khu phố đang phát động người dân thu gom rác thải, chăm và trồng thêm các loại hoa hai bên đường. Mùa mưa này lên Trà Cụ chắc chắn sẽ thấy các tuyến đường đa sắc màu, đẹp mắt hơn”.   

Ai từng chứng kiến cuộc sống của đồng bào Rai, Ro, K’ho ở vùng đất “phố núi” Tánh Linh cách đây chừng 7 năm mới thấy những đổi thay hôm nay là bước tiến quan trọng, khẳng định hiệu quả các chính sách trong cuộc sống, mà cụ thể là Nghị quyết 62 năm 2016 của Đảng ủy thị trấn về đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe và thay đổi lối sống cho nhân dân. Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Tánh Nguyễn Như Hùng cho biết, cách trung tâm thị trấn không xa nhưng trước đây Trà Cụ vẫn còn kém phát triển. Toàn thôn có 252 hộ/1.068 khẩu, nhưng đa số bà con còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; môi trường nông thôn nhếch nhác, tình trạng trâu bò nuôi nhốt xung quang nhà, phóng uế bừa bãi gây mất mỹ quan, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.

Hành trình thay áo mới cho Trà Cụ quả thật là một kỳ tích. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bê tông hóa 5 tuyến đường và đưa nước sạch về từng hộ gia đình thì cán bộ các đoàn thể thị trấn phải xuống “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho gần 250 hộ trong thôn dọn vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng; vệ sinh môi trường, phát quang cỏ dại, trồng và chăm sóc cây xanh; làm chuồng trại cho gia súc ở rẫy, vận động mọi người đi họp để được hướng dẫn cách làm kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh… “Ở thôn còn nhiều người lười lắm, chỉ tụ tập ăn nhậu, không chịu tham gia họp hành, tập huấn, tôi phải trực tiếp đến nhà nói chuyện, bày cách làm ăn và giảm bớt tiêu xài”, ông Dũng cho biết. “Nói có sách, mách có chứng”, ông Dũng gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh ở gia đình để thuyết phục người dân. Hơn 50 tuổi ông tham gia sản xuất 2,2 ha điều, 3 sào ruộng, nuôi 20 con dê, thu nhập 80 triệu đồng/năm.

 Ngày mới

6 giờ sáng, tiếng bước chân, tiếng xe đi lại trên các tuyến đường trong thôn Trà Cụ đã rầm rập. Người đưa con ra lớp, người tranh thủ đi phiên chợ sớm, kẻ tay cuốc ra đồng, tay giỏ lên rẫy hái điều, chăm sóc hoa màu, đàn gia súc. Sớm mai ở vùng đồng bào tất bật, sôi động chẳng kém đô thị.  

                
Dọn vệ sinh xung quanh nhà để đẩy lùi dịch    bệnh.

Hái nắm lá vối trước nhà chế nước đãi khách, ông Dũng hóm hỉnh: “Trên này đang có phong trào uống nước lá vối thay trà. Nghe đâu lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, điều trị tiểu đường, chống oxy hóa, đào thải chất độc... đồng bào tin đây là lá sạch vì chính tay họ vun trồng”. Nhấp chén trà lá vối, vị ngọt cứ lưu mãi ở cổ khi nghe ông Dũng thông tin ở Trà Cụ tổng đàn bò 95 con, trâu 102 con, dê hơn 300 con, bình quân mỗi hộ có 1 ha để trồng điều, lúa, trồng bắp. Đàn ông đi rẫy, phụ nữ biết quán xuyến việc nhà, nhiều người còn đăng ký học và may gia công cho Xí nghiệp may Việt Đức đặt tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện, bà con làm việc liền tay. Cần kiến thức UBND thị trấn Lạc Tánh sẽ mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, cần vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo sẽ được hỗ trợ vốn, vì thế toàn khu phố chỉ còn 61 hộ nghèo.

Có nhiều tấm gương vượt lên làm giàu tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Hùng Hiếu, dân tộc K’ho. Khởi nghiệp chỉ có 6 sào ruộng cha mẹ cho để trồng bắp, lúa, nhưng vợ chồng anh làm ăn chăm chỉ, cần cù chịu khó học hỏi, ai thuê cái gì cũng làm nên mới ngoài 40 tuổi anh đã xây được nhà to, mua được máy tuốt, máy xới, máy gặt đập liên hợp. Hay anh Mang Thức cũng đang sở hữu một xe máy kéo, máy bung phục vụ khắp các cánh đồng trong huyện.

Điều đáng mừng nữa là những tập tục lạc hậu, rườm rà trong lễ tang, lễ cưới ở Trà Cụ đã được loại bỏ, đảm bảo tiết kiệm, văn minh nhưng vẫn trang trọng; không còn hộ sinh con thứ 3. Nhiều nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống được các cấp chính quyền và đồng bào dân tộc nơi đây gìn giữ và phát huy. Mỗi tuần một lần, hội viên, phụ nữ lại lao động dọn vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, đường làng và khơi thông mương nước, chăm sóc tuyến đường hoa. Chị Điệp cho biết: “Trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ, tôi và các con được khám, tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ. Qua tuyên truyền chúng tôi hiểu rằng sinh ít con vừa có điều kiện lo cho các con ăn học đầy đủ, vừa có thời gian để phát triển kinh tế gia đình. So với thời của bà, mẹ tôi, giờ tôi đã biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, khi ốm đau phải đến Trung tâm y tế”.

Hiện khu phố Trà Cụ còn 6 hộ chưa có nhà ở ổn định, 11 hộ mới tách khẩu chưa có đất sản xuất, mấy năm nay khu phố không phát triển được đảng viên mới, còn gần 30% hộ dân chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn… đó là những trở ngại trên con đường tiến đến xây dựng khu phố văn minh. Nhưng nhận diện rõ những khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của các cấp và sự chủ động, tích cực của bà con, tin rằng khu phố thuần đồng bào dân tộc thiểu số này sẽ phát triển theo kịp vùng xuôi.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày mới ở Trà Cụ