Theo dõi trên

Ngọc giữa biển xanh

27/06/2018, 08:40

Bài 1: Hạ tầng ngày càng hoàn thiện 

BT- Những ngày trung tuần tháng 6, biển không còn êm như “tháng 3 bà già đi biển” nhưng trên chuyến tàu trung tốc Hưng Phát  26 từ Phan Thiết đi Phú Quý vẫn đông nghẹt người. Tôi và chục đồng nghiệp của một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương được Công ty Điện lực Bình Thuận “mời thăm” Phú Quý để tìm hiểu về sự trỗi dậy của vùng đất được mệnh danh là  “Ngọc giữa biển xanh”.

Giao thương nhộn nhịp

Khi được biết, đã hơn 10 năm tôi chưa ra lại Phú Quý, ai cũng tỏ ra ngạc nhiên về sự chậm trễ này và đều nói Phú Quý bây giờ khác lắm, ra Phú Quý rồi anh sẽ thấy. Có lẽ đúng vậy. Cái khác bắt đầu từ khi tôi bước chân lên tàu Hưng Phát 26. Tàu rộng rãi, thoáng mát có cả giường nằm, máy lạnh và điều đáng nói nhất là sự bảo đảm an toàn và tốc độ di chuyển nhanh. Nhớ trước đây khi tôi đi vào dịp “sóng yên biển lặng” nhưng cũng phải mất hơn 6 tiếng mới đến đảo. Nhưng trong chuyến đi này mặc dù bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng cấp 5 - 6 nhưng cũng chỉ 3 tiếng rưỡi chúng tôi đã có mặt tại “đảo ngọc”. Việc đưa tàu trung tốc Hưng Phát 26, với 60 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa vào hoạt động có một ý nghĩa rất lớn đối với Phú Quý ở chỗ vừa bảo đảm an toàn, vừa rút ngắn thời gian đi lại, đưa Phú Quý gần với đất liền, thuận lợi cho giao thương buôn bán, du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Phú Quý phát triển trong những năm qua.

Nói về giao thông đường thủy Phú Quý, ngoài tàu Hưng Phát 26, còn có tàu Bình Thuận 16, Bình Thuận 18 phục vụ đi lại cho hành khách và vận chuyển hàng hóa. Ấn tượng mà tôi bắt gặp ở Cảng Phú Quý là cùng với tàu Hưng Phát còn có những tàu rất lớn như tàu Dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu Hoàng Phúc 27 và nhiều tàu chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng khác. Mới đây nhất, vào ngày 21/6, tàu cao tốc Superdong tuyến Phan Thiết - Phú Quý với trị giá 2 triệu USD đã chính thức khai trương. Rút ngắn thời gian chạy tàu xuống còn 2 tiếng rưỡi, càng tạo điều kiện thuận hơn trong việc giao thương giữa đảo với đất liền. Có thể nói với việc phát triển khá nhanh đội tàu vận chuyển hành khách, hàng hóa đã tạo cho Phú Quý một vị thế vững vàng, một tâm lý an toàn, thoải mái, đồng thời cũng góp phần tạo ra cảnh quan vừa có tính truyền thống, vừa hiện đại của một huyện đảo giữa biển khơi.

Đó là dưới biển, còn trên đất liền hệ thống giao thông cũng có sự phát triển vượt bậc. Dạo một vòng quanh đảo, mọi người có thể nhận thấy hầu hết các tuyến đường đều trải nhựa rộng rãi, thông thoáng; nhiều tuyến đường ngang đảo thẳng tắp như Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Ngô Quyền… Một số tuyến đường mới mang dáng dấp hiện đại như đường Võ Văn Kiệt mới được mở sau này với 4 làn xe, ở giữa là dải phân cách cây xanh được trau chuốt, hai bên đường là những dãy nhà san sát cùng trường học, nhà thờ, chùa chiền được xây dựng mới khang trang kiên cố với những kiểu kiến trúc khác nhau trông phong phú và ấn tượng.

 Đổi thay bắt đầu từ điện

Ai đã từng đến Phú Quý cách đây dăm bảy năm về trước, thì bây giờ mới thấy sự tiến bộ rõ nét về phát triển điện năng ở Phú Quý. Anh Thanh, Giám đốc Điện lực Phú Quý cho biết giai đoạn khó khăn nhất của Phú Quý là những năm 1999 - 2002, lúc bấy giờ chỉ có 6 máy phát diesel 500KW, công suất tiêu thụ lớn nhất  (Pmax) chỉ đạt 0,7KW, vận hành 5 giờ/ngày, vào ban đêm (18h30 - 23h30) chủ yếu phục vụ ánh sáng sinh hoạt cho dân, với khoảng 1/4 số hộ có điện. Những năm tiếp theo công suất và thời gian phát điện cũng được nâng dần lên 12 giờ/ngày, rồi 16 giờ/ngày. Tuy nhiên, giá bán điện cao hơn trong đất liền từ 2 đến 5 lần khiến người dân và doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, hàng chục doanh nghiệp chế biến thủy sản phải chuyển cơ sở sản xuất vào trong đất liền và thu hẹp sản xuất tại đảo.

Bước ngoặt “mang tính lịch sử” đem lại niềm vui lớn lao cho người dân xứ đảo là vào tháng 6/2014 ngành điện lực thực hiện giá bán điện bằng với đất liền và nâng thời gian sử dụng điện lên 24 giờ/ngày. Ông Nguyễn Tấn Lân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết: Để đảm bảo cung cấp đủ điện, cùng với việc đưa 3 tuabin gió  (công suất 6 MW, số tiền đầu tư trên 330 tỷ đồng) đi vào hoạt động, ngành điện đã đầu tư 36,47 tỷ đồng để nâng cấp nguồn và lưới điện, trong đó lắp đặt thêm 2 máy diesel 1.000 kW. Từ 1/4 hộ có điện những năm trước, đến nay số hộ có điện đạt 100% (6.640/6.640 hộ).

Trong những ngày chúng tôi đến đảo, Điện lực Phú Quý đang khẩn trương thi công thực hiện dự án DPL3 (vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới) gồm 3 dự án thành phần: Cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện trung hạ thế (110,9 tỷ đồng); mở rộng nguồn diesel (nhà máy diesel 5 MW, vốn 157,584 tỷ đồng) và xây dựng hệ thống thông tin liên lạc với hơn 2,44 tỷ đồng. Đi trên các tuyến đường chính của Phú Quý vào ban đêm thấy đâu đâu cũng có ánh sáng chiếu rọi trên những trụ điện ngay hàng thẳng lối, những đèn trang trí đủ màu trông thật đẹp mắt. Do điện cung cấp chủ yếu từ nguồn Diesel, trong lúc giá bán điện chỉ bằng đất liền, nên hàng năm ngành điện phải bù lỗ trên dưới 60 tỷ đồng. Tuy có “thiệt thòi” cho ngành điện, nhưng cái được cho Phú Quý là rất to lớn. Từ đó khẳng định với sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành điện lực đã góp phần cho Phú Quý có sự thay đổi lớn lao về mọi mặt, như một lãnh đạo địa phương có lần khẳng định: “Đây là bước ngoặt mang tính lịch sử, là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước về phát triển biển đảo của quốc gia”.

Lê Văn

 Bài 2: Ngọc giữa biển xanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngọc giữa biển xanh