Theo dõi trên

Ngọc giữa biển xanh

28/06/2018, 10:27 - Lượt đọc: 6

Bài 2: Ngọc giữa biển xanh 

Hướng đi mới - Du lịch ẩm thực

BT- Nói đến kinh tế Phú Quý là nói đến khai thác thủy sản, đó là điều hiển nhiên khi mà năng lực tàu cá của toàn huyện đến nay hiện có gần 1.400 chiếc, với trên 244 nghìn CV, trong đó tàu cá có công suất từ 90CV trở lên 515 chiếc. Sản lượng khai khác hàng năm gần 30 nghìn tấn, chiếm 1/6 sản lượng của tỉnh. Phú Quý không chỉ nổi tiếng về đánh bắt thủy sản xa bờ mà còn được biết đến với dịch vụ “hậu cần hải sản” với những chiếc tàu thu mua, chế biến hải sản ngay trên biển. Đây là địa phương đầu tiên của cả nước xuất hiện mô hình này và phát triển mạnh, hiệu quả cao với số lượng tàu thuyền tham gia hàng trăm chiếc.

                
Ảnh: Đ.H

Tuy nhiên điều chúng tôi muốn đề cập một ngành kinh tế có thể là mũi nhọn của Phú Quý trong tương lai đó là du lịch biển đảo. Phú Quý có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Triều Dương, bãi Nhỏ - gành Hang, chùa Linh Quang, vạn An Thạnh, dinh mộ Thầy Nại Mũi Long Vỹ, Ngọn hải đăng - núi Cấm, chùa Linh Sơn - núi Cao Cát, cột cờ Phú Quý… là những địa điểm không thể bỏ qua nếu ai đã một lần đến Phú Quý. Có một loại hình du lịch mới phát triển thu hút nhiều du khách đó là du lịch ẩm thực. Thật là thích thú khi bạn đến Lạch Dù, những chiếc thuyền nhỏ xinh xinh sẽ đưa bạn lên các nhà bè lộng gió vừa ngắm biển, tìm hiểu cách nuôi cá bè của ngư dân và thưởng thức những món hải sản tươi ngon như cua huỳnh đế, tôm đỏ, ốc mặt trăng, ốc đá, ốc nhảy, cá mú đỏ, cá chẻm… vừa được bắt lên từ biển mà ở đất liền khó nơi nào có được. Hôm chúng tôi đến không phải là ngày nghỉ thứ bảy hay chủ nhật nhưng trên bè của Nguyễn Sáng rất đông khách từ Phan Thiết ra, có cả khách Sài Gòn ra, Hà Nội vào. Sáng cho biết trước đây đầu tư một số bè nuôi hải sản, sau này kết hợp với kinh doanh ăn uống. Những ngày ít khoảng 30 - 40 khách, ngày nhiều có  70 - 80 khách, doanh thu mỗi ngày có khi trên chục triệu đồng. Sáng cũng cho biết thêm, vốn đầu tư 2 nhà bè của mình chỉ khoảng tỷ đồng, nên nhìn còn “đơn giản”. Tôi nghĩ, nếu người dân ở đây đầu tư một cách bài bản, quy mô hơn, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách và đây sẽ là hướng ưu tiên trong phát triển kinh tế của Phú Quý là du lịch ẩm thực sản phẩm biển, khó nơi nào có thể sánh được.

 Từng bước giải quyết nguồn nước

Nói đến cái khó của Phú Quý ai cũng nghĩ là: Nước.  Nhiều người nói Phú Quý bốn bề là nước nhưng vẫn thiếu nước. Đặc điểm của Phú Quý không có hệ thống sông suối, không có công trình thủy lợi do đặc điểm địa hình của đảo có độ dốc từ tâm đảo đổ ra biển, không có lưu vực hứng nước mưa nên lượng nước mưa phần lớn chảy ra biển, trong khi nguồn nước để cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên đảo đều từ nguồn khai thác nước dưới đất. Cả đảo Phú Quý có 2 nhà máy nước sinh hoạt là Ngũ Phụng và Long Hải, lúc bình thường, 2 nhà máy vận hành 1.500 m3/ngày đêm, nhưng do hụt nguồn nước ngầm, công suất cấp nước sinh hoạt bị sụt giảm mạnh. Gần một nửa giếng khoan cung cấp nước thô cho cụm Nhà máy nước Phú Quý đã bị nhiễm mặn, không thể sử dụng dẫn đến công suất cấp nước chỉ khoảng  680 m3/ngày đêm. Do đó, các khu vực xa nhà máy gần như không có nước dùng. Nguồn nước được lấy từ các giếng ở vùng trũng cũng không đủ phân phối cho các khu vực hạn nặng... Một người dân cho biết, mỗi hộ dân chỉ được cấp 0,8m³/ ngày đêm; nhiều hộ phải “đổ nước”  70.000 đồng/m³ nhưng vẫn không đủ.

Rõ ràng việc giải quyết nước ngọt cho huyện đảo đang là vấn đề cấp bách. Bí thư Huyện ủy Trần Tới cho biết, với sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương, huyện đang triển khai xây dựng 2 hồ chứa nước phía Bắc đảo với dung tích khoảng 50.000 m³, hiện đã hoàn thành xong 1 hồ. Đây là nguồn cung cấp nước thô rất quan trọng cho các nhà máy nước. Bước tiếp theo đó là Nhà nước hoặc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng thêm nhà máy nước để sử dụng nguồn nước từ các hồ này, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân huyện đảo, nhất là những vùng đang thiếu nước nghiêm trọng như Long Hải.

Với diện tích chỉ 17 km2,  nhưng dân số khoảng 28.000 người, mật độ dân số gấp 10 lần đất liền, cùng với sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch trong tương lai thì nước là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của huyện đảo. Trong điều kiện nguồn nước ngầm cạn kiệt và nhiễm mặn, thì việc xây dựng các hồ chứa nước là một trong những giải pháp tối ưu, đồng thời về lâu dài cần vận động nhân dân trồng nhiều cây xanh để giữ nguồn nước ngầm, xây thêm các bể chứa nước gia đình…

Với các giải pháp nêu trên, hy vọng vấn đề khó của Phú Quý “là nước” sẽ từng bước được giải quyết, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và phát triển dịch vụ du lịch, để Phú Quý luôn xứng đáng với thương hiệu “Ngọc giữa biển xanh”.  

  Lê Văn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngọc giữa biển xanh