Theo dõi trên

Người con lưu lạc của La Gàn

18/01/2019, 09:24 - Lượt đọc: 54

BT- Trong sự kiện văn học tầm quốc tế có rất nhiều đại biểu người ngoại quốc là Liên hoan thơ châu Á- Thái Bình Dương lần thứ nhất (The first Asia- Pacipic Poetry festival), tôi tình cờ gặp người con lưu lạc của vùng đất nắng gió La Gàn thuộc Tuy Phong, Bình Thuận. Tôi biết đến tên ông trước đó trong những cố gắng tìm hiểu về văn thơ tỉnh nhà qua các thời kỳ nhưng cũng không khỏi bất ngờ khi gặp ông ở đây, vì có lẽ ông là đại biểu người Việt được mời duy nhất không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh, tên thật Nguyễn Huỳnh Điệp, sinh năm 1942 tại làng La Gàn, là tác giả tập thơ nổi tiếng “Trong cơn thao thức”, là dịch giả của hơn 27 tựa sách dịch tiếng Việt và tiếng Anh, thuộc nhiều thể loại. Ngoài ra, ông còn là người biên soạn cuốn “Từ điển cụm từ Việt Anh” (Nhà xuất bản Trẻ giữ bản quyền, 2005).

                
      
Nhà tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Cát    Bay do thân nhân các nạn nhân tự xây năm 2000. Ảnh: Phương Nam

 Làng Cát Bay và ký ức đỏ

Ngay trong đêm thứ nhất của cuộc liên hoan, ông và nhà thơ Lâm Quang Mỹ (Ba Lan) có đến thăm tôi. Chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật thâu đêm, những câu chuyện sôi nổi về đời sống văn học trong nước và thế giới xen lẫn với những chuyện về nhân tình thế thái và không khí lặng đi khi tôi nhắc đến quê hương La Gàn của ông. Mắt ông rất buồn và giọng chùng xuống khi kể về cuộc tàn sát người dân vô tội La Gàn của quân Pháp, ông là nhân chứng sống của câu chuyện lịch sử bi thương này.

Ông kể: “…Vào năm đó, tôi được 7 tuổi, một lần quân Pháp kéo tới làng. Tất cả đàn ông trong làng đều chạy thoát. Chúng lùa dân làng còn lại vào trong khuôn viên ngôi chùa ở đầu làng để nghe chúng “hiểu thị,” tức tuyên truyền kêu gọi người làng tố giác Việt Minh. Đột ngột chúng chỉa súng xả đạn vào phụ nữ và trẻ con trong khuôn viên chùa. Tiếng kêu khóc kinh hoàng tuyệt vọng bị át trong tiếng súng nổ chát chúa. Người ngã ra chết chồng lên nhau. Những người ở bên trong chùa hoảng hốt chạy tuôn ra ngõ sau thoát thân. Tôi kịp thấy người chết như trong một cơn ác mộng. Mẹ tôi nắm tay tôi lôi chạy dưới làn đạn chíu chíu trên đầu, rồi mẹ ấn tôi vào phía sau lu nước lớn cạnh một bức tường. Mẹ tôi nằm khum người che cho tôi.  Sau khi tiếng súng xa dần và im hẳn, bốn bề yên ắng, mẹ tôi hớt hải nắm tay tôi chạy theo con đường duy nhất ở giữa làng để về nhà. Cả làng im phăng phắc. Đường làng vắng hoe, hai bên đường lác đác có người nằm chết trên vũng máu. Quang cảnh thật ghê rợn. Tưởng chừng trong làng không còn ai sống sót. Sau khi tàn sát người trong chùa, bọn giặc đi dọc đường tìm giết những người còn lại trong nhà hoặc chúng gặp trên đường đi. Có người chết nằm thẳng, chết như ngủ, kẻ nằm còng queo, có người nằm khum như đang vái lạy mà vẫn bị bắn chết. Xác vương vãi. Máu chảy lên láng. Hình ảnh tôi nhớ nhất là một bà cụ nằm chết trên thềm nhà “dì Tư mẹ con Khanh,” gần nhà tôi, với cái rổ táo đổ tràn ra đất. Bà cụ bị bọn giặc giết khi ngồi bán mấy trái táo trong rổ. Mẹ nắm tay tôi kéo chạy về nhà mình gần đó, vẫn ngoái lại nhìn mấy trái táo lăn lóc dưới đất bên cạnh máu me…”.

Tôi, người viết bài này, tra cứu lại các tài liệu cũ thì thấy có ghi: Ngày 20/2/1951, đúng ngày rằm tháng giêng năm Tân Mão, một trung đoàn lính Âu - Phi do một quan ba Pháp chỉ huy tham gia cuộc hành quân mang tên Sang et feu (Máu và lửa) đã bất ngờ đổ bộ vào làng Cát Bay. Đúng như tên gọi của cuộc hành quân, lính Pháp đã giết người, đốt nhà vô cùng dã man. Phần lớn nạn nhân đều là phụ nữ, trẻ em và thường dân vô tội. Cuộc thảm sát Cát Bay diễn ra vào sáng sớm, lúc hầu hết người trong làng Cát Bay đang ăn cơm sáng chuẩn bị đi làm. Cuốn Lịch sử Tuy Phong 1930 - 1954 do Đảng bộ huyện Tuy Phong in năm 1983, trang 241 có viết: “…Chúng đã giết hại 178 người, làm bị thương hơn 50 người, nhà nào cũng có người chết, bị thương; đốt hơn 200 nóc nhà, giết hàng trăm trâu bò. Sau đó, chúng dồn số dân còn sống sót ở các thôn Gộp và Long Thanh về Long Hương. Sách Bình Thạnh - Truyền thống cách mạng và văn hóa in năm 1996 (trang 75) nêu: “250 đồng bào yêu nước đã bị sát hại”. Trước đó, vào năm 1947 cũng có một trận thảm sát thật man rợ tại chùa Hội Phước Thiện cũng thuộc xã này.

Khi cùng với đoàn làm phim “Ký sự biển đảo” đi dọc biển Bình Thuận, chúng tôi có ghé đây tìm hiểu nên cũng xin nói thêm về làng La Gàn, (tên gọi khác của xã Bình Thạnh). Đây là một làng chài nhỏ cách thị trấn Liên Hương chừng 7- 8 km tính theo đường chim bay về phía Nam của huyện Tuy Phong. Phía Đông La Gàn giáp bờ biển, phía Nam giáp xã Chí Công (Duồng), phía Tây cách quốc lộ 1 từ 5 - 6 km, gồm động cát và rừng chồi thấp. Mũi La Gàn nằm lấn ra ngoài biển tạo thành vòng cung nên là nơi rất thuận tiện cho ghe thuyền núp tránh bão hay chờ gió để ra khơi.

Vào thập niên 40 của thế kỷ XX, La Gàn rất trù phú và có phong cách của một làng văn hiến cổ xưa. Đầu làng có chùa và cuối làng có đình và miếu (trên gành đá ở biển sau làng còn có chùa Hang, tức Cổ Thạch Tự). Người trong làng có hai nghề: Đánh cá và làm vườn. Vườn của làng cũng nằm ven biển, kéo dài từ đầu làng cho đến gần Trại Lưới, trước năm 1975 chỉ trồng trầu cau là chính.

Hầu hết các ngôi nhà trong làng trước kia cột kèo rui mè đều được chạm trổ công phu, vách ngăn bằng ván lụa tức ván gỗ bào mỏng, có chạm trổ. Nhà nào cũng có sân rộng, tường thành bao bọc. Trên cổng nhà thường có khảm tên hiệu chữ Hán bằng mảnh chén kiểu. Nhà ông ngoại của nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh còn có hiệu Nhật Quang Đường. Đến cuối những năm 50, làng trở thành khu phế tích tan hoang mà vẫn còn vài cổng nhà sừng sững với cánh cổng bằng gỗ lim rộng cả mét. (Cánh cổng không có bản lề mà có ngõng trên cắm vào một xà gỗ loại danh mộc, ngõng dưới cắm vào lỗ khoét trong đá xanh, rất bề thế).

Lễ hội “Nghinh Ông” của dân làng được tổ chức xuân thu nhị kỳ tại đây. Trong ngày lễ hội, trống kèn ầm ĩ, cờ xí áo mão rực rỡ và có cả biểu diễn hò bả trạo. Tôi đã thu âm lại được toàn bộ bài hò bả trạo dài của một nghệ nhân già.

Lại nói về cuộc tấn công của giặc Pháp ở Cát Bay - La Gàn, nó kinh hoàng đến nổi người sống chạy đi hết mà không kịp và không dám trở về an táng người chết mà phần lớn bị giặc giết và ném thây vào những căn nhà bị chúng đốt. Những con chó vô chủ ở đó đã ăn xác người chết và về sau chúng tụ họp thành bầy chó đói rất hung hãn, tấn công những người lẻ loi đi ngang qua khu vực đó.

Nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh kể tiếp: …Bị giặc càn đến đốt nhà ở Gò Xanh, mẹ tôi đưa các con chạy vào Long Hương.  Cậu Ba tôi đưa gia đình rút vào chiến khu Lê Hồng Phong. Sau khi bố tôi, Xã đội trưởng xã Kháng chiến Bình Thạnh, bị giặc sát hại vào năm 1951, mẹ tôi với 4 đứa con trên tay, đã gởi tôi vào chiến khu sống với gia đình cậu mợ. Từ đó từng bước tôi đi xa dần làng La Gàn. Cho đến nay… đã gần 70 năm… Kể đến đây, ông im lặng một lúc lâu đoạn trầm giọng đọc câu thơ của Hạ Tri Chương: Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi… (Xa nhà từ nhỏ, đến già mới trở về…). 

Vịn câu thơ mà đứng dậy

Thời gian sau này, tôi và nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh thường liên lạc, trò chuyện với nhau. Tôi quý ông bởi cái tình đồng hương, cùng  người Bình Thuận và kính trọng xem ông là tấm gương lao động chữ nghĩa không biết mệt mỏi. Tôi được biết, tuy hiện nay đã 77 tuổi nhưng ông vẫn đang biên soạn từ điển phiên dịch Việt - Anh, khi bản thảo được khoảng 2.000 trang A4 thì máy tính bị hư ổ cứng, bản thảo mất sạch, ông phải bắt tay làm lại từ đầu, đến khi viết bài này, qua điện thoại, ông cho tôi biết đã được 1.427 trang, 844.151 chữ. Trong một bài báo, cô Nguyễn Thị Kim Anh, vợ ông, cho biết ông rất say mê làm việc và tâm sự: “Vì công việc của dịch giả là… dịch thật… có nhiều việc tôi không làm được nhưng khi anh đang dịch thì tôi không dám “nhờ” ảnh giúp. Dù vậy lúc nào anh cũng rất nhiệt tình”.

Được biết cơ duyên mà anh trở thành dịch giả lại càng phục anh hơn. Vào năm 1997, trong khi anh đang có lớp dạy tiếng Anh cho người lớn ở Bảo Lộc, Tuần báo tiếng Anh The Saigon Times Weekly ở thành phố Hồ Chí Minh đề nghị anh dịch bài cho họ. Mỗi tuần ban biên tập gởi cho anh những bài viết cắt trong các báo tiếng Việt, anh sẽ dịch ra tiếng Anh và gởi lại cho tòa soạn. Tình cờ công việc này đưa anh vào lãnh vực dịch thuật, bắt đầu từ năm 2000, sau khi anh chuyển gia đình về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay anh có được 27 tựa sách dịch tiếng Việt và tiếng Anh, thuộc nhiều thể loại, đã in (trong đó có một số tập thơ), và 4 tác phẩm khác sắp in.

Tôi yêu thơ Thiếu Khanh vì chất giọng hào sảng và chân thật của ông, có nhiều đoạn thơ tôi thuộc từ lúc nào không hay. Càng thấm thơ ông tôi càng hiểu ra tại sao một con người trải qua biết bao thăng trầm khổ nạn mà vẫn đứng vững kiêu hãnh đến giờ này. Những câu thơ của ông, tiếng lòng của ông, niềm tin của ông vào cuộc sống, vào tình yêu chính là thứ mà ông vịn vào đó để đứng dậy sau những mất mát, đớn đau.

Chẳng hạn, trong bài Mười năm, một bài thơ chất chứa nhiều nỗi niềm và thấm đẫm tình yêu quê hương, có đoạn ông viết:

…Mười năm - hay tiếp trăm năm nữa

Nghe tiếng chim lòng vẫn xốn xang

Dẫu tu nghìn năm chùa Cổ Thạch

Anh cũng không sao đến niết bàn…

Đối với tôi, nghệ thuật, văn chương không có cũ mới, miễn hay. Một đời thơ có bài thơ hay đã là quá tài. Một bài thơ có một câu hay đã là quá mừng. Câu thơ có một chữ hay cũng đã chứa trong đó bao trằn trọc đau rát của người thơ. Theo tôi, cho tới giờ này, thơ Thiếu Khanh có rất nhiều câu, nhiều bài sống với thời gian tuy số lượng bài thơ của anh mà tôi được biết cũng rất khiêm tốn, mà lạ lùng những câu, những bài này đều gắn với La Gàn - Bình Thạnh. Vậy mới thấy tình quê hương không dễ phôi pha.

Cảm ơn The first Asia- Pacipic Poetry festival, đã cho tôi gặp được nhà thơ, dịch giả Thiếu Khanh, người con lưu lạc nhưng rất xuất sắc của La Gàn!

Ghi chép : Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người con lưu lạc của La Gàn