Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Nước sạch và thủy lợi

23/03/2020, 10:25

Nhiều hộ dân chưa tiếp cận hệ thống nước máy

BT- Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn toàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh là 92.258 người/97.424 người đạt 94,69%; tuy nhiên trong đó 36,66 % (35.719 người) khu vực này dùng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn quốc gia. Số còn lại bà con dùng nước sạch từ giếng đào, khoan, bể, lu chứa, nước mưa lắng lọc lại. Gặp hạn hán kéo dài trong mùa khô này, không ít người dân vùng nông thôn, miền núi “rơi” vào tình trạng thiếu nước cục bộ… Như ở xã Hàm Cường, hệ thống nước sạch chủ yếu cung cấp cho người dân sinh sống hai bên quốc lộ 1A qua địa bàn và khu vực không quá xa đường ống dẫn nước. Người dân ở các khu vực vùng sâu, xa xây bể chứa nước mưa để dùng; nước giếng đào, giếng khoan nhiều nơi nhiễm phèn, vôi, họ phải lắng lọc mới sử dụng được… Gặp mùa khô hạn kéo dài như năm nay, khá nhiều người dân khu vực vùng sâu xa này không khỏi thiếu nước sạch sinh hoạt… Hiện tại, hệ thống nước sạch từ khu vực Hàm Kiệm qua Hàm Cường lên Hàm Minh cũng vậy chưa cung cấp cho nhiều hộ dân. Ông Trần Định ở thôn Minh Thành (Hàm Minh) cho biết: “Nhà tôi ở ven đường bê tông trong thôn nhưng mấy năm nay chưa tiếp cận được với hệ thống nước máy của xã. Nhà đang dùng giếng đào lấy nước sinh hoạt”.

Cùng với đó, trong mùa khô hạn kéo dài năm nay, khá nhiều công trình cấp nước Hàm Thạnh, Thuận Nam, Tân Thuận (Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư), nguồn giếng khoan cũng bị cạn kiệt, hồ thủy lợi Tân Lập tích nước thấp. Bởi thế, không ít địa phương cũng thiếu cục bộ nước sạch như địa bàn xã Tân Lập, Tân Thuận, thị trấn Thuận Nam, xã vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh… Báo cáo của UBND huyện Hàm Thuận Nam về lĩnh vực nước sạch chỉ rõ: “Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94,69% còn thấp so với bình quân chung toàn tỉnh là 97,78%”.

Đầu tư hồ thủy lợi vừa cấp nước sinh hoạt

Đối với địa bàn trọng điểm về cung cấp nguồn nước sạch này, ông Nguyễn Văn Hiến, cho biết thêm: “Hiện nay các công trình hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam chủ yếu lấy nguồn nước từ các hồ thủy lợi như (Sông Móng, Đu Đủ, Tân Lập…); hệ thống dẫn nguồn cho các nhà máy nước xử lý, cung cấp cho nhân dân vẫn còn hạn chế, còn nhiều hộ dân chưa tiếp cận được hệ thống nước sạch. Do vậy, Hàm Thuận Nam kiến nghị Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hồ thủy lợi cho sản xuất và nước sinh hoạt, nâng cấp các hồ hiện có, đồng thời mở rộng hệ thống kênh mương cung cấp nguồn cho các nhà máy nước… Có được như vậy, các hệ thống nước (Thuận Nam, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Minh, Tân Thuận…) mới đủ khả năng kết nối, cơ bản phục vụ nguồn nước sạch cho hơn 100.000 dân của huyện”. Mới đây, đoàn khảo sát của Trung ương về chương trình tín dụng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đã có buổi làm việc với UBND huyện Hàm Thuận Nam, các ý kiến đại biểu trong đoàn thống nhất đề xuất của huyện để kiến nghị với Chính phủ. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, trưởng đoàn cho rằng: “Quốc hội vừa thống nhất thông qua vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi hồ Ka Pét trên địa bàn Hàm Thuận Nam phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt. Cùng với đó, dự án thủy lợi hồ La Ngà 3 đang được Trung ương thẩm định để đầu tư sẽ mở ra nguồn cung cấp nước nước sinh hoạt cho các huyện phía Nam Bình Thuận, trong đó có Hàm Thuận Nam”. Đây là những triển vọng cho huyện ở vùng khô hạn này.

Đến nay Hàm Thuận Nam có hơn 18.000 lượt hộ được vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 187,7 tỷ đồng, triển khai xây lắp hàng ngàn hệ thống nước sạch. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở huyện này đạt 94,69%.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Nước sạch và thủy lợi