Theo dõi trên

Nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý đối tượng nghiện ma túy và vi phạm trật tự an toàn xã hội

09/06/2017, 15:16

 BTO- Hiện nay tình hình vi phạm pháp luật trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội và tệ nạn ma túy đang rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Trong 3 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.194 vụ tội phạm hình sự và 2.163 vụ với 2.376 đối tượng vi phạm trật tự an toàn xã hội chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Về người nghiện ma túy, hiện có 2.170 đối tượng có hồ sơ quản lý, trong đó có khoảng 70% là dưới 30 tuổi, phần lớn không chịu lao động, không có việc làm ổn định. Để có tiền sử dụng ma túy các đối tượng này đã gây ra nhiều vụ trộm, cướp, đâm chém, giết người… gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở địa phương.

Đối tượng vi phạm nhiều với hàng nghìn trường hợp như đã nêu trên, nhưng việc quản lý, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc rất ít (trong 3 năm chỉ đưa được 11 trường hợp nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện, 5 trường hợp vào trường giáo dưỡng, 4 trường hợp vào cơ sở giáo dục bắt buộc).

Nguyên nhân dẫn đến tội phạm, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp do mặt trái của mạng xã hội cùng với đó là đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, một số thanh thiếu niên chỉ biết hưởng thụ, đua đòi, lười lao động dẫn đến vi phạm pháp luật. Mặt khác do một số quy định pháp luật có những thay đổi và bất cập làm khó khăn hơn trong công tác quản lý, xử lý như Bộ Luật hình sự sửa đổi không quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nên hạn chế tính răn đe.

 Một số văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác lập lập hồ sơ có những quy định bất cập, khó áp dụng hoặc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như việc đưa đối tượng nghiện đi xác định tình trạng nghiện chưa rõ ràng, cụ thể ai trả tiền xác định tình trạng nghiện, đưa đối tượng đi bằng phương tiện gì, nếu xảy ra vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm…

Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào trường giao dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có đầy đủ ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan, qua nhiều thủ tục và không cho phép được tạm giữ hành chính các đối tượng trong thời gian xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính. Vì vậy trong giai đoạn này nhiều đối tượng bỏ trốn, không hợp tác gây kho khăn cho quá trình xử lý vì không có chế tài ràng buộc…

 Trước những bất cập nêu trên, các ngành chức năng cần tham mưu và kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 11/CP theo hướng: Trường hợp đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy, có nơi cư trú ổn định thì nên xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như người đủ 18 tuổi trở lên; còn không có nơi cư trú ổn định thì nên áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc hoặc đưa vào trường giáo dưỡng để quản lý giáo dục. Đồng thời có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về quy trình đưa đối tượng đi xác định tình trạng nghiện.

Pháp lệnh số 09/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/1/2014 quy định về trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho việc lập hồ sơ.

Nghị định 221/CP của Chính phủ quy định tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định phải đảm bảo các điều kiện vật chất, nhân sự, kinh phí hỗ trợ trực tiếp… Đây là quy định khó khả thi trên thực tế, làm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã không thể hoàn thành các thủ tục, đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu…

 Trên đây là những bất cập trong các quy định của pháp luật, quy phạm pháp luật, các hướng dẫn thi hành từ các cơ quan trung ương cần sớm sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho địa phương, các cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm trật tự an toàn xã hội và người nghiện ma túy.

T. NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý đối tượng nghiện ma túy và vi phạm trật tự an toàn xã hội