Theo dõi trên

Nhìn lại 5 năm phòng ngừa cháy lớn trên địa bàn tỉnh

29/01/2019, 10:28 - Lượt đọc: 52

 BT- Bằng nhiều giải pháp chủ động và tích cực, những năm gần đây Bình Thuận không để xảy ra cháy lớn, nhưng trong 5 năm (2013 – 2018) toàn tỉnh đã xảy ra gần 250 vụ cháy với mức độ khác nhau, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…

                
Hiện trường vụ cháy tại nhà kho chứa thanh    long.

Bình Thuận hiện có 4.833 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), tăng gần 2.000 cơ sở so năm 2013, trong đó có 713 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ, 55 cơ sở có nguy cơ cháy lớn. Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh cho biết, trong 5 năm đã tiến hành kiểm tra 10.500 lượt cơ sở, qua đó phát hiện, yêu cầu khắc phục 26.000 thiếu sót về PCCC và lập biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định. Những vi phạm, thiếu sót qua kiểm tra PCCC chủ yếu gồm các lỗi: không xây dựng phương án, tổ chức thực tập chữa cháy, không tổ chức phổ biến quán triệt văn bản chỉ đạo về PCCC, không huấn luyện nghiệp vụ, tự kiểm tra an toàn PCCC; hệ thống điện, chống sét, phương tiện máy móc, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất cháy, bố trí lối thoát nạn, sắp xếp, tồn trữ hàng hóa, ngăn cháy, chống cháy lan không bảo đảm an toàn; không trang bị hoặc để hệ thống thiết bị PCCC hư hỏng; vi phạm về kinh doanh, san chiết gas, một số cơ sở chưa chấp hành mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.

Nhờ tăng cường kiểm tra và kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục những thiếu sót nên từ năm 2013 đến nay tỉnh ta không xảy ra cháy lớn, nhưng đã xảy ra 249 vụ cháy khiến 5 người chết, 27 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 58 tỷ đồng, trong đó có 6 vụ cháy nghiêm trọng làm 1 người chết, 7 người bị thương, tài sản bị thiệt hại trên 32 tỷ đồng. So 5 năm trước đó, tăng 90 vụ cháy, tăng 4 người chết, giảm 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 26 tỷ đồng; trong 249 vụ cháy, có 159 vụ xảy ra ở địa bàn thành thị, 90 vụ ở khu vực nông thôn, riêng nhà dân xảy ra 108 vụ.

Nguyên nhân dẫn đến cháy được xác định do một số ngành, địa phương  chưa chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, có nơi triển khai mang tính hình thức, chưa quyết liệt trong giải quyết những tồn tại, bất cập về công tác PCCC. Việc tổ chức tuyên truyền về PCCC chưa thường xuyên, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác PCCC ở địa phương, chưa chú trọng xây dựng duy trì hoạt động của đội dân phòng.  Trong khi đó, lực lượng tại chỗ còn lúng túng trong triển khai chữa cháy; trang bị phương tiện PCCC của cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều vụ cháy xảy ra vào ban đêm, chậm được phát hiện, cơ sở bị cháy cách xa đội chữa cháy nên việc chữa cháy không kịp thời, thường gây thiệt hại nghiêm trọng.

Những năm tới, cùng với sự tăng nhanh cả về số lượng và quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thì việc sử dụng các nguồn năng lượng, vật tư, nhiên liệu, hàng hóa là chất dễ cháy ngày  tăng theo dẫn đến nguy cơ cháy tăng cao, đáng lưu ý là những cơ sở sản xuất tại khu dân cư tập trung, chợ, các cơ sở dịch vụ xen kẽ trong khu dân cư...vì khi xảy ra cháy có thể làm phát sinh các vụ cháy lớn, phức tạp. Do đó, các ngành, địa phương cần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC; chú trọng tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc tổ chức thực hiện phòng ngừa cháy nổ; các giải pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tại các chợ, nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, nhà kho chứa nhiều hàng hóa, chất dễ cháy, nổ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm...             

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại 5 năm phòng ngừa cháy lớn trên địa bàn tỉnh