Theo dõi trên

Nhói lòng nhìn đất trôi sông

18/06/2020, 09:56

 BT- Người nông dân bao đời quanh năm bám đất. Nông dân rất quý đất. Đối với bà con, đất là cuộc sống, là kế sinh nhai. Quý đất nhưng dường như họ đành bất lực nhìn kế sinh nhai duy nhất của mình bị dòng nước cuốn đi…

                
      Ông Lê Quốc Thành xót xa nhìn đất canh tác liên tục bị sông “nuốt”    chửng.

 Sông thêm rộng, đất sản xuất hẹp dần

Nhiều ngày qua, người dân có đất canh tác ven sông La Ngà đoạn qua huyện Đức Linh, Tánh Linh luôn sống trong cảnh lo lắng, bởi tình trạng sạt lở bờ sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều diện tích đất canh tác, đất đang trồng hoa màu, cây lâu năm liên tục bị trôi tuột xuống lòng sông, đe dọa trực tiếp đến các diện tích nương rẫy liền kề. 

Dọc sông La Ngà đoạn từ bến Gõ (thị trấn Võ Xu, Đức Linh) đến khu vực cầu Treo (xã Gia An, Tánh Linh), tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Người dân cứ thấp thỏm lo sợ như ngồi trên đống lửa, vì không ai có thể biết được đến sáng mai đất mình có bị sạt không, sạt bao nhiêu, hàng cao su ven bờ cho khai thác mủ bao năm nay có còn không, hay đã bị dòng sông “nuốt” chửng từ bao giờ. Anh Phan Anh Kiệt, ở Võ Xu có 3 sào đất trồng cây hoa màu, nay ước chỉ còn lại 2 sào. Phía trên, sạt lở đã làm vườn cao su của anh Kiệt cũng trơ rễ, nghiêng xuống dòng sông, có thể ngã ào xuống sông bất cứ lúc nào. Anh Kiệt cho hay, nước đã khoét sâu vào vườn cao su tạo hàm ếch rất lớn. Bà con chúng tôi không ai dám cạo mủ cao su ven bờ, vì phải cạo mủ trong đêm, nếu sạt lở xảy ra rất nguy hiểm đến tính mạng.

                
      Nhiều cây cao su đã ngã, trôi trên sông.

Xuôi dòng La Ngà về phía hạ nguồn, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Khoảng 5 km nhưng có trên 10 điểm bị sạt lở, có điểm chỉ vài chục mét, nhưng có nơi kéo dài vài trăm mét. Chỉ tay về phía sông, ông Lê Quốc Thành đang thu hoạch đậu đen trên mảnh đất thuộc xã Gia An xót xa: Ruộng ớt và đậu đen của tôi kéo dài dọc sông khoảng 200 m, tổng diện tích hơn 1 ha, nhưng không biết bây giờ có còn được 1 ha không nữa, vì sạt lở đã ăn sâu vào 5 m, có đoạn đến 10 m. Phía đối diện ruộng ớt của ông Thành không xa, tiếng máy nổ xé tai của tàu hút cát trên sông đang hoạt động hết công suất bên vườn cao su đang bị sạt lở nặng.

 Do đâu bờ sông bị sạt lở trầm trọng?

Theo quan sát của chúng tôi, khi men dọc sông La Ngà chỉ chừng 5 km ở khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, nhưng tại đây có 5 điểm khai thác cát, trong đó có 2 điểm vẫn đang hoạt động. Tại những nơi đang khai thác cát, tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng và có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn. Trên sông, hàng chục cây cao su đang trôi nổi lềnh bềnh, hàng loạt cây khác ven sông cũng sắp bật gốc. Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc bờ sông bị sạt lở do việc khai thác cát trên sông. Vì thế, tháng 5/2020, 11 hộ dân ở Đức Linh gửi đơn tập thể tố cáo các tàu hút cát. Đây không phải là lần đầu bờ sông La Ngà bị sạt lở. Việc sạt lở diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng nay tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Năm 2018, Báo Bình Thuận từng có bài phản ánh việc khai thác cát gây sạt lở bờ sông, khiến người dân bức xúc.

                
      
         Tại nơi đang khai thác cát, tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng.

Theo UBND thị trấn Võ Xu, qua nắm bắt thông tin, thời gian gần đây trên địa bàn thị trấn có đối tượng N.V.N (trú khu phố 9, Võ Xu) tổ chức khai thác cát trái phép trên sông La Ngà. Tại khu vực bến Gõ, đối tượng N.V.N trực tiếp bơm cát từ ghe lên xe ben, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Trên cơ sở đó, Tổ kiểm tra khoáng sản của UBND thị trấn Võ Xu nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhưng đến nay chưa bắt được quả tang hành vi vi phạm, do đối tượng có phân công người cảnh giới.  Ông Trần Ngọc Triết - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đức Linh cho biết khi có thông tin và hình ảnh phản ánh của người dân, đơn vị đã phối hợp với UBND thị trấn Võ Xu kiểm tra. Đoàn đã bấm tọa độ thì xác định tất cả các điểm sạt lở theo hình ảnh phản ánh đều thuộc xã Gia An (Tánh Linh). Các điểm sạt lở nghiêm trọng nằm trong đoạn sông được cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Tạ Văn Cầu thuộc xã Gia An. “Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện đối tượng khai thác cát trên sông La Ngà. Hiện chúng tôi đã liên hệ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tánh Linh kiểm tra hoạt động khai thác cát của ông Tạ Văn Cầu, vì các điểm sạt lở gần bãi tập kết cát là rất nghiêm trọng”.

Ông Mai Trí Mân - Chủ tịch UBND xã Gia An cho biết, UBND xã và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tánh Linh vừa tiến hành kiểm tra tình trạng sạt lở và khai thác cát trên sông La Ngà. Trên sông đoạn xã quản lý, có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. “Tuy nhiên, hiện chưa thể kết luận bờ sông bị sạt lở có phải do hút cát hay không. Trong tháng 6 này, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ về trực tiếp kiểm tra, từ đó mới có căn cứ kết luận nguyên nhân sạt lở trên sông La Ngà” - Chủ tịch UBND xã Gia An nói. 

Từ thực trạng, có thể thấy việc phản ánh và lo lắng của người dân là có cơ sở, mong chính quyền và ngành chức năng sớm có biện pháp căn cơ, để giữ đất và tài sản cho người dân.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhói lòng nhìn đất trôi sông