Theo dõi trên

Những người đi thúng

22/12/2017, 18:02

 Ngày mới

BT- Mặt trời đỏ ối mỗi lúc một nhô lên từ đường chân trời. Mặt biển bây giờ thôi màu sạm đen chuyển dần sang xanh sậm và có một chút ánh hồng. Lúc này trên bãi biển phường Đức Long (TP. Phan Thiết), rất nhiều phụ nữ  tập trung trên bãi cát và hóng ra biển. Phần đông trong họ là vợ của những người đi biển gần bờ, cụ thể là tối bơi (chèo) thúng, hoặc dùng máy có chân vịt đưa thúng ra cách bờ  vài lý,  bủa lưới suốt đêm để sáng hôm sau quay vào. Những người còn lại là các chị mua cá lưới, chạy chợ, kiếm đồng ra đồng vô. Tựu chung, họ là những người kiếm sống trên biển bằng phương tiện nhỏ bé: thuyền thúng, còn gọi là thúng chai, thúng nhựa…

                
Vợ chồng Lại đang vá lưới.

Trong lúc những người phụ nữ lao nhao nói chuyện và chờ chồng, con của mình, ngoài xa kia, những người đàn ông đánh cá bằng thúng cũng nóng lòng vào bờ. Bằng chứng, từ chỗ chỉ có vài đóm đen hoặc xanh, mờ mờ, trên biển, dần dần xuất hiện nhiều hơn những chiếc thúng và hình dạng của nó cũng rõ hơn, tất cả đều nhắm hướng bờ mà đi vào. Những giây phút nóng lòng chờ đợi của người trên bờ chậm chạp qua đi cho đến lúc  năm chiếc thúng gắn máy đuôi tôm chỉ còn cách bờ chừng mươi sải tay. Ấy là lúc những gương mặt của những người đánh cá hiện ra  rõ hơn và tôi nhanh chóng nhận ra Hà, con bác Tính, người quen cũ của  má tôi trên một chiếc thúng.

 Gian nan nghề biển

Hà năm nay ngoài 40 tuổi, có gần 30 năm quen với biển giã. Nhà Hà ở khu phố 5, phường Đức Long. Hà từng là “lao động biển” trên thuyền của cha mình từ năm 13 tuổi. Đang ăn nên làm ra thì cha mất,  công việc thiếu người có kinh nghiệm lèo lái nên cứ thế mà lụn bại. Anh và hai người em rủ nhau sắm thúng. Tiếng là làm ăn nhỏ nhưng vốn bỏ ra cũng gần 70 triệu đồng. Ngoài sắm chiếc thúng trên 10 triệu đồng, còn phải sắm máy “đuôi tôm” của Nhật để  không còn phải chèo tay, để thả lưới, rồi sắm chục tấm lưới, mỗi tấm dài 60m. “Mình ra nghề cũng lâu nên tích cóp được để mua chớ nhiều đôi vợ chồng trẻ thiếu vốn, phải tiền vay tiền góp”, Hà nói.

Đêm qua, Hà  “trúng” cá. Có cả cá hố. Vì vậy, mặt trời vừa ló chân mây là Hà vội vã vào bờ, chẳng gì, để vợ bán cá được giá! Bà Hai Sơn, vợ một lão ngư, chủ của chiếc chòi con bán giải khát gần đó khi thấy Hà giơ mấy con cá hố lên, nói như reo: “Có cá hố rồi hả bây? Cá hố mùa này béo phải biết!”. Trong lúc bà Hai Sơn nói chuyện với Hà, cũng như hỏi anh đánh được cá hố ở đâu để bà dặn thằng con của bà cũng đi thúng, ra đó đánh cùng thì nhiều chiếc thúng đang cập vào bãi. Những gương mặt đen sạm đều như giãn ra, tươi rói. Hà nói với tôi: Mỗi năm đều thêm những người đánh bắt bằng thúng. Đa phần là những người trẻ mới lập gia đình...”. Quả thật, không phải bỏ ra nhiều vốn sắm thuyền to, máy lớn, những chiếc thúng  được nhiều ngư dân chuộng bởi  không tốn quá nhiều tiền cho chuyện mua dầu máy, tối đi sáng về còn tranh thủ giúp được việc nhà…

Neo cạnh thúng của Hà là thúng của Lê Văn Lại, trú khu phố 7, phường Lạc Đạo. Hôm qua, phát hiện tấm lưới rách nhiều nên sáng nay cả hai vợ chồng Lại ngồi vá cho kịp chuyến biển tối mai. Cũng trạc tuổi Hà và cũng có 3 con, Lại cho biết anh sắm thúng cách đây gần 10 năm. “Năm nào không trúng thì cũng đủ ăn, chưa năm nào đói”.

Nghề lưới thúng quanh năm chỉ nghỉ vài ngày biển động. Tết nhứt có khi cũng không có mặt trên bờ vì “tranh thủ mùa lạnh thuyền lớn không ra khơi, mình dễ kiếm ăn hơn, con cá, con mực cũng có giá hơn”. Tùy theo con nước, mùa cá, ghẹ, mực… mà Hà bắt đầu ngày làm việc của mình sớm hay muộn. Có khi đi từ đầu hôm nhưng mùa này, anh rời nhà lúc 2 giờ rưỡi sáng. Một mình loay hoay với việc thả lưới, kéo lưới trong suốt 6 - 7 tiếng đồng hồ giữa muôn trùng nước, cách bờ hơn 3 hải lý nhưng không mệt, không sợ, chỉ sợ trời nổi cơn giông bão. Cách đây hơn 10 năm, vào mùa “trời làm cái lụt hăm ba tháng mười”, sóng gió đùng đùng, Hà phải “bỏ của chạy lấy người” khi may mắn được thuyền lớn cứu mạng. Sợ nhưng không thể bỏ biển vì không có lựa chọn khác.

 Cẩm Xìn, một cái chợ nhỏ ở Phan Thiết, buổi sáng. Những hàng cá tạo thành một vòng cung, từ dưới dốc cuối đường Ngô Quyền kéo rê dài lên một đoạn của đường Ngư Ông.  Đây là địa điểm những người muốn ăn hải sản tươi thường tìm đến. 

Bến đỗ bình yên

Nếu có dịp đi trên đường Trần Lê thuộc khu phố 5, phường Đức Long, đến cuối đường sẽ thấy một cảnh đẹp: bãi thúng. Nơi đây vài năm trước sóng còn hùng hổ  khoét sâu dưới lòng đường nhưng từ khi có kè cách đường hơn trăm mét, nước rút ra xa, chỉ để lại một vũng nhỏ êm êm và bãi cát. Bao nhiêu thuyền thúng từ Đức Thắng, Lạc Đạo… của Phan Thiết, hầu như đều tập trung về đây.

Dễ có đến hàng trăm chiếc thúng, úp có, ngửa có, phơi mình dưới nắng. Đa phần là thúng nhựa khiến cho bãi thúng rợp một màu xanh. Xen lẫn là những mái lều con con không vách, là nơi chứa tạm lưới và một số ngư cụ, nơi núp nắng để vá lưới... Bãi thúng đẹp như một bức tranh sơn dầu, đời thúng thấm đẫm tình yêu nắng gió.

    
      Nghề lưới thúng quanh năm chỉ nghỉ vài ngày biển động. Tết nhứt có khi   cũng không có mặt trên bờ vì “tranh thủ mùa lạnh thuyền lớn không ra   khơi, mình dễ kiếm ăn hơn”. Tùy theo con nước, mùa cá, ghẹ, mực… mà Hà   bắt đầu ngày làm việc của mình sớm hay muộn.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người đi thúng