Theo dõi trên

Những vụ trọng án trong gia đình:

29/11/2017, 08:56

Bài 2: Cảnh báo một thực trạng đáng lo

BT- Trọng án khi xảy ra đều để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng điều đáng lo ấy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trường hợp “giết người” mà hung thủ và nạn nhân là người trong gia đình còn để lại sự ám ảnh, gánh nặng cho người thân của họ và cả cộng đồng.

                
      
   Bị cáo Hoàng Đức Hậu (ngụ xã Đức Tín,    huyện Đức Linh) hối hận, nhìn về phía mẹ tại phiên tòa sau khi lỡ    tay đâm chết em ruột do mâu thuẫn và phải nhận mức án 18 năm tù.    

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Ngày 20/11/2017 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án chung thân đối với Lê Văn Tâm (34 tuổi, ngụ phường Đức Long, TP. Phan Thiết) về tội “Giết người”. Trong vụ án này, nạn nhân – ông Trần Văn Tèo (48 tuổi) là anh vợ của Tâm. Thời điểm gây án, đối tượng đã nhậu say, sau đó về nhà kiếm cớ gây sự. Từ ngày Tâm bị công an bắt, vợ của Tâm phải một mình nuôi 4 con thơ trong cảnh thiếu trước, hụt sau.

Ngày 30/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh cũng tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Võ Văn Út (41 tuổi, ở phường Đức Long) 10 năm tù giam vì đã dùng dao đâm chết anh ruột là ông Võ Văn Sáu (64 tuổi). Án mạng xảy ra ngày 11/2/2017, tại nhà tự của gia đình ở Đức Long, do bà Võ Thị Tám (55 tuổi) trông coi. Đó cũng là ngày bà Tám tổ chức đám giỗ cho mẹ ruột và hầu hết con cháu trong gia đình đều tập trung về. Thời điểm đó, do đã uống nhiều rượu nên ông Sáu có hành động càn quấy, chửi bới những người trong gia đình vì lý do tranh chấp quyền ở nhà tự. Chứng kiến hành động ngang ngược của ông Sáu ngay trong ngày giỗ mẹ, ông Út đến nói chuyện thì bị ông Sáu dùng tay đánh mạnh vào đầu. Tại đây, cả hai xảy ra xô xát, sẵn con dao trong người, ông Út đã đâm 2 nhát vào bụng và cổ của ông Sáu, khiến nạn nhân mất nhiều máu và tử vong ngay sau đó.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ giết người. Phần lớn các vụ giết người xảy ra tại các khu vực dân cư có trình độ dân trí thấp, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai, nhà ở; có vụ xảy ra khi đối tượng hoặc nạn nhân đã uống rượu, bia; nhiều vụ mang tính bộc phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường.Đáng lưu ý, tình trạng người thân thích, ruột thịt trong gia đình, họ hàng giết hại lẫn nhau đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. 

Làm gì để ngăn ngừa trọng án?

Trọng án trong gia đình nói riêng, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói chung, đang diễn biến phức tạp và trở thành một vấn đề nan giải, là nỗi lo chung của toàn xã hội. Thời gian qua, tại nhiều địa phương còn xảy ra không ít vụ trọng án mà nguyên nhân sâu xa do thiếu quan tâm đến nhau trong đời sống gia đình, khiến những mâu thuẫn không được hóa giải suốt thời gian dài đến khi “giọt nước tràn ly”. Vì vậy, để ngăn ngừa trọng án cần sự chung tay của gia đình, chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp.

Đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trước thực trạng trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành trong nhân dân, gắn với xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, khu phố, phường, xã, thị trấn an toàn về an ninh trật tự; đưa ra xét xử lưu động những vụ án giết người gây búc xúc trong nhân dân. Tăng cường sân khấu hóa khi phổ biến pháp luật về hình sự, dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo Đại tá Phạm Thật, quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận môi trường, kiến thức từ gia đình, nhà trường, xã hội. Do vậy, trước hết mỗi gia đình phải thường xuyên tự tổ chức sinh hoạt, giáo dục truyền thống của dòng tộc, địa phương. Quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho con em trong gia đình, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Song song đó, lực lượng chức năng phải bám địa bàn, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, hung khí tự chế theo quy định; chủ động nắm tình hình để kịp thời phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Khi phát hiện có tranh chấp, xô xát,… cần tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh phức tạp. 

Thực tế cho thấy, án mạng trong gia đình là nỗi đau lớn không chỉ riêng đối với gia đình xảy ra vụ việc mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng, để lại gánh nặng lâu dài cho xã hội. Vì thế, để tránh trường hợp “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, mỗi người cần kiềm chế nóng giận, khi “cơm sôi phải nhỏ lửa”, bởi “một điều nhịn bằng chín điều lành”…

Lê Phúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vụ trọng án trong gia đình: