Theo dõi trên

Những vùng trời không tối

03/05/2019, 08:37 - Lượt đọc: 6

BT- Tôi đến với miền đất đầy nắng và gió của Bình Thuận là nhờ cơ duyên của chồng. Từ ngày theo chồng về quê lập nghiệp, tôi dần làm quen với cây thanh long. Cảm nhận đầu tiên về thủ phủ của thanh long chỉ là nắng và gió.  Nước ngọt thì khan hiếm. Khoan giếng phần lớn là nước nhiễm mặn. Muốn có nước tưới tiêu, làm ruộng phải thông qua hệ thống mương chằng chịt dẫn nước từ hồ thủy điện Sông Quao về. Có năm nắng hạn kéo dài, nông dân căng thẳng đến nỗi xảy ra không ít vụ xung đột vì giành “ăn nước”. Đất thì cằn cỗi, nước thì hiếm nhưng vùng đất này lại thích hợp cho cây thanh long - loài xương rồng chịu nắng và khô cằn.

                
Thanh long chong đèn. Ảnh: Đình Hòa

Cũng bởi đặc trưng về cây trồng này mà chỉ cần đứng ở sân đã trông khắp nhà cửa cả xóm được. Cái đặc biệt nhất của nhà cửa ở vùng này những căn biệt thự mái Thái được xây dựng mà bao quanh là thanh long bạt ngàn. Đặc biệt lắm chứ bởi vùng quê nghèo mà lại nhiều biệt thự đắt tiền đến thế thì thật là lạ. Cho đến khi gắn bó với cây thanh long một thời gian, tôi mới hiểu ra điều này.

Không giống những loại cây ăn trái khác, thanh long cho trái quanh năm nhờ kỹ thuật chong đèn. Chăm sóc tốt thì 1 năm thanh long cho từ 2 - 3 lứa hàng điện chưa kể hàng mùa. Một lứa chong điện mà đạt năng suất cao, nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Một năm chỉ cần trúng 2 lứa điện là chỉ trong 2 năm đã đủ tiền cất biệt thự sang trọng! Vậy bảo sao xứ này không nhiều biệt thự khi có người làm chủ cả mấy chục ha thanh long!

Giai thoại kể về nguồn gốc của việc chong đèn thanh long là do sự tình cờ của một nông dân nuôi vịt vì phải thắp đèn ủ ấm cho vịt thường xuyên bên cạnh gốc thanh long, tới khi không thắp nữa thì dây ra búp. Từ sự tình cờ đó, dân trồng thanh long mới áp dụng phương pháp chong đèn cho thanh long và thu được hiệu quả cao. Từ đó thanh long trở thành cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế cho toàn vùng.

Một thời gian nông dân ít chong điện vì giá thanh long bấp bênh mà tiền đầu tư lại nhiều. Tiền điện, tiền phân, tiền rơm, tiền nhân công... Cộng tất cả các khoản lại chi phí rất cao, nhưng nếu rút điện rồi mà búp ra ít quá thì cầm chắc lỗ vốn vì giá cả thấp. Bởi vậy mà dân ở đây truyền tai nhau cái câu: làm thanh long như đánh số, may nhờ rủi chịu. Nhiều “đại gia” thanh long sở hữu hàng chục ngàn trụ cũng lao đao phải bán vườn. Chợ tết vắng hoe, người bán ngáp ruồi. Những cái tết buồn thiu vì mất mùa…

                
Hoa thanh long. Ảnh: Đình Hòa

2 năm gần đây giá thanh long có phần khởi sắc lại, tuy nhiên phong trào làm thanh long thì giảm sút hơn xưa rất nhiều. Bởi giá đất đang tăng cao, nhiều ruộng thanh long bị phá bỏ san lấp mặt bằng để bán. Vùng đất duyên hải đang đứng trước cơn sốt mới của thời cuộc.

Tất cả những cơn giông gió ấy, cây thanh long chẳng hiểu được. Chúng vẫn âm thầm ngày ngày cố hút dinh dưỡng từ đất, cần mẫn kết hoa. Hoa thanh long đẹp như hoa quỳnh, trắng tinh khiết. Loài hoa này chỉ nở ban đêm, có mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu. Những đêm trăng sáng mà thanh long nở rộ, khu vườn đẹp như miền đất trong cổ tích.

Pha một ấm trà nóng, ngồi dưới trăng thưởng hoa. Cái thú tao nhã nơi miệt quê. Dưới trăng, tất cả lui về miền xa vợi, những lo toan cuộc sống, những được mất giá cả, chỉ còn lại vẻ đẹp trinh trắng của loài hoa chỉ nở về đêm. Người – trăng – hoa cứ lặng lẽ nhìn nhau, tinh khiết một cảm giác mà chẳng tìm thấy ở miệt khác. Phải chăng vì cái đẹp diệu huyền ấy mà dù thời thế đổi thay, giá cả bấp bênh phần lớn nông dân vẫn gắn bó, chăm sóc vườn thanh long của mình hết lòng hết dạ? Và loài xương rồng gai góc thấu hiểu tình ấy mà cố chắt chiu dưỡng chất, rụng gai nảy búp, cho trái sum suê quanh năm suốt tháng.

Ở xứ này có nhiều chuyện rất lạ. Lạ là vì không phải đêm nào có trăng, trời mới sáng. Có những đêm 1, 2 giờ sáng trời đã hửng thấy rõ đường để tưới thanh long được. Bởi vậy nhiều nhà nông dậy từ 2, 3 giờ sáng để tưới thanh long. Ban đầu tôi cho rằng do tự nhiên mặc định như vậy, nhưng một người bạn giải thích rằng do người dân chong điện thanh long nhiều, ánh điện lan ra rất xa thế nên ban đêm trời hửng từ rất sớm. Mà quả thế thật, vì chỉ những tháng mùa khô mới có hiện tượng này. Đó là mùa chong điện. Những vùng trời sáng rực thứ ánh sáng ước mơ và khát vọng một vụ mùa bội thu. Và cái thứ ánh sáng ấy lan tỏa ra khắp không gian, xa rất xa để làm nên những vùng trời không tối. Những vùng trời của những con người chấp nhận gian khó, cần mẫn chăm sóc loài xương rồng gai góc mong thu trái ngọt. Có phải vì cái tình sâu nặng sống chết cùng thanh long, hay do cái nắng và gió khắc nghiệt đã hun đúc nên những quả ngọt mát lành chẳng vùng nào có được? Bởi thanh long giờ không chỉ miền đất nắng gió này mới trồng mà những tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ cũng trồng rất nhiều, nhưng không nơi nào trái có được vị ngọt và thanh như ở Bình Thuận.

Dù không sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhưng thời gian gắn bó đã tạo nên tình cảm sâu nặng trong tôi. Và mỗi khi có người hỏi Bình Thuận có gì đặc biệt, tôi chỉ nói ngắn gọn và đơn giản rằng đó là vùng đất của những vùng trời không tối, bởi niềm tin và hy vọng luôn được thắp sáng. Và cũng là vùng đất của loài xương rồng mạnh mẽ cắm vào mảnh đất cằn cỗi, vượt qua nắng gió để kết nên trái ngọt giải nhiệt cho đời…

Bút ký: Ngân Kim



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vùng trời không tối