Theo dõi trên

Niềm vui của những người “không lễ, tết”

01/05/2019, 08:57 - Lượt đọc: 69

BT- Dịp lễ, tết, khá đông người nô nức đi du lịch, đến các điểm vui chơi, thì không ít người tất bật mưu sinh, với nụ cười lạc quan.

 Suốt ngày áo quần đẫm mồ hôi

Bà Trần Thị Liệu - hộ lý Khoa nội tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: Sau khi học xong lớp 11 năm 1987, gia đình quá khó khăn bà không thể tiếp tục đi học, nghe nói bệnh viện cần hộ lý nên nộp hồ sơ và được đi làm. Để bắt đầu công việc của một ngày, bà Liệu phải thay drap, phát quần áo cho bệnh nhân, giúp thay đồ cho bệnh nhân mà không có thân nhân. Tiếp đó, bà gom rác, đẩy xuống nhà chứa rác ở phía sau bệnh viện. Sau dọn rác, bà quét dọn, lau chùi sạch hành lang, nhà vệ sinh... Và hộ lý kiêm luôn việc đẩy bệnh nhân lên phòng cấp cứu, xét nghiệm, X- quang…

Nghề này khá vất vả, làm quần quật suốt ngày, áo quần ướt đẫm mồ hôi. Nhiều người vào làm được không lâu rồi nghỉ do không chịu được sự nặng nhọc, mùi hôi từ rác, mùi của bệnh viện… lương thì thấp. Bà nói: “Sáng sớm thấy khối lượng lớn công việc cực nhọc, nhiều lúc muốn nghỉ việc! Nghỉ rồi, lấy gì nuôi con? Tôi tự nhủ lòng ráng làm, được cái không phải tiếp xúc với nắng mưa. Sau khi rời bệnh viện, tôi tranh thủ giúp việc nơi khác. Nhờ vậy, mà 2 đứa con đều được học hành tốt”. Cứ thế, công việc của bà lặp đi lặp lạị, kể cả những ngày lễ, tết. Đến nay, bà Liệu gắn bó với nghề 31 năm.

 Đạp xích lô thay chồng

Bà Phan Thị Liên - phụ nữ đạp xích lô tại cảng cá Cồn Chà: Khi lập gia đình, không chút vốn liếng, bà và chồng gánh cá thuê dành dụm được ít tiền, mua chiếc xe xích lô. Những năm 1985 đến 1995, chồng đạp xích lô chở khách, chở cá, hàng hóa khác…thu nhập mỗi ngày khá hơn chút. Tuy nhiên, càng về sau, lượng khách ít dần. Còn bà vẫn cật lực gánh cá thuê mỗi ngày. Cách đây 7 năm, chồng bà đau khớp nặng, không thể đạp xích lô chở cá. Bà Liên trở thành trụ cột chính của gia đình, phải thay chồng đạp xích lô chở cá từ cảng cá đến chợ Phan Thiết. Bà nói: “Nay tôi đã 56 tuổi, không đủ sức để gánh cá. Chiếc xích lô là phương tiện giúp tôi bớt sự gồng gánh. Khi những ngày mưa bão, ngày tết là lúc ghe tàu nằm bờ, xem như không có tiền. Vì vậy, tôi tiết kiệm để dành cho những ngày không có. Dù có bệnh đau, tôi cũng phải ráng đạp”. Bà kiếm được 150.000 - 200.000 đồng/ngày nếu là mùa nam ghe tàu đánh bắt nhiều cá. Tới khi gió bấc về, bà kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày, với sự chắt chiu đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.  

  Học để xóa đói nghèo

Chị Trần Thị Anh Thư - bán bắp ở Bình Hưng: Trước đây, chị làm nghề mua ve chai, đi khắp con đường, ngỏ hẻm. Sau cơn bệnh, chị không thể gánh nặng, chuyển qua bán bắp nướng hành mỡ hơn 10 năm. Để có bắp ngọt, giữ chân khách hàng quay lại, chị phải mua bắp tận vườn. Chính vì thế, mỗi ngày chị bán 150 - 200 trái bắp. Chồng chị chạy xe ôm, tối thì bán bắp với vợ. Những ngày mưa gió, bán khá chậm, đặc biệt lễ, tết bán khá đắt hàng. Chị nói: “Nhờ hàng bắp nướng và những cuốc xe ôm, vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con học đại học. Đời mình đã khổ, nên phải ráng cho con học đàng hoàng. Chỉ có cái học mới xóa được đói nghèo.”

 Không cầu mong gì ngoài sức khỏe

Bà nguyễn Thị Kim Vân - 65 tuổi, bán vé số: Như thường lệ, mỗi ngày khoảng 5g30 sáng bà Vân rời khỏi nhà đi bán vé số mãi tới 10 giờ đêm mới về tới nhà. Tuổi già đi lại không nhiều, bà bán quanh khu vực siêu thị trên đường Nguyễn Tất Thành. Chồng bà đã 70 tuổi, ở nhà lo cơm nước. Nhờ vào thu nhập bán vé số hàng ngày, bà nuôi chồng và 2 cháu nội (1 cháu học lớp 8, 1 cháu học lớp 5) do cha mẹ ly hôn. “Bà rất vui khi có lễ, tết, là ngày bà bán được vé số nhất. Bán vé số thất thường, lúc được lúc không. Ngày nào không bán, ngày đó không có tiền lo cho tụi nhỏ. Đến tuổi gần đất xa trời, tôi cầu mong có sức khỏe tốt để nuôi 2 cháu nội học cái nghề để tự nuôi thân” bà Vân chia sẻ.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui của những người “không lễ, tết”