Theo dõi trên

“Nợ” những người đi trước

26/10/2018, 09:20

 BT- 21 giờ của một đêm thứ hai.  Đèn ở phòng họp cơ quan vẫn sáng. Tôi ngồi bên chiếc bàn dài lo lắng chờ nghe ý kiến của ông Nguyên Nam, Tổng Biên tập Báo Thuận Hải (nay là Báo Bình Thuận) về cái tin HTX Long Bình sản xuất lúa hè thu đạt năng suất 60 tạ/ha của tôi.

                
      
Nhà báo Phạm Xuân Thông, nguyên Phó Tổng    biên tập Báo Thuận Hải. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

 Cái tin viết 6 lần

Trước đó, khi đọc duyệt tin bài cho số báo ngày hôm sau, Tổng Biên tập cho gọi tôi, yêu cầu: “T cần phải lý giải cho được cái cách HTX Long Bình thâm canh cây lúa để đạt năng suất trên. Vì nếu như T viết: HTX đã áp dụng đúng quy trình thâm canh. Nước - phân - cần - giống đầy đủ… thì khối HTX trong tỉnh làm như vậy nhưng vì sao năng suất không tăng, hoặc tăng chậm? Nguyên nhân sâu xa là gì?”. Theo yêu cầu ấy tôi  viết lại cái tin đến 6 lần và giờ đây tôi đang hồi hộp chờ kết quả.

Thời gian chờ đợi quả thật dài.  Cuối cùng, Tổng Biên tập cũng tằng hắng, nói: “Có lẽ do cậu không nắm kỹ nên vẫn chưa nêu bật lên được. Nhưng thôi, ta dừng lại đây vì cậu cũng mệt rồi. Tôi dành thời gian cho cậu đi lại Long Bình, tìm cho ra nguyên nhân dẫn tới con số 60 tạ đó”.  Thú thật, nghe lời đó, tôi có phần mừng vì không phải ngồi đến khuya viết đi viết lại cái tin chỉ mấy trăm chữ theo yêu cầu của Tổng Biên tập, dù rằng để đi lại Long Bình, ngày hôm sau tôi phải ra bến xe xếp hàng, mua cho được vé đi Phan Rang (ngày đó Phan Rang và Phan Thiết cùng một tỉnh), rồi khi gần đến Phan Rang thì xuống. Công việc đi lại lấy tin ngày đó quả là cực so với thời bây giờ, khi mà phương tiện giao thông lúc nào cũng sẵn. Với tôi, những khó khăn đi lại vẫn dễ chịu hơn là bị các ông trưởng phòng, thư ký tòa soạn và Tổng Biên tập của tờ Thuận Hải ngày ấy yêu cầu phải viết kỹ, viết sâu những tin bài… làm sao để một bộ phận người dân có thể học tập được, áp dụng vào sản xuất. Tương tự, những tin bài mang tính giải trí cũng phải viết thật hay, thật súc tích để người đọc không… bỏ báo. Có thể nói: Yêu cầu của “các vị”  rất cao, những phóng viên trẻ chúng tôi ngày ấy vì muốn trụ được với nghề đã phải cố gắng rất nhiều.

 “Cho anh một tuần để đi lại”

Thời gian ấy thế mà trôi nhanh. Ít nhất  có 4 Tổng Biên tập làm việc với chúng tôi, từ lúc chúng tôi là những người mới vào nghề đến khi nhiều người trong chúng tôi chuẩn bị nghỉ hưu. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với Báo Thuận Hải, nay là Báo Bình Thuận. Tôi nhớ một ông Trần Thanh Đàm, Trưởng phòng Kinh tế, rất giỏi viết phân tích. Ông Đàm trong một lần đọc bài của  một phóng viên D (đã quá cố) viết về đào mương  chống úng ở  Suối Nhum (nay là Thuận Quý), hỏi: “Cậu nói cho tớ biết: “Mặt mương và đáy mương rộng bao nhiêu để nước có thể thoát hoàn toàn ra biển khi có mưa, dòng chảy lớn.?”. Nhà báo D tần ngần một lúc rồi nói: “Thưa anh, mặt mương và đáy bằng nhau 1m ạ!”. Ông Thanh Đàm  nghe xong cười khật khật. Cười chán, ông chun mũi, nheo nheo mắt (vì cận) nhìn vào  phóng viên D bảo: “Một là anh không hiểu gì về thủy lợi cho dù anh tốt nghiệp đại học. Hai là anh không đi mà chép báo cáo. Mặt và đáy mương đào khó mà bằng nhau!? Tôi cho anh một tuần để đi lại Suối Nhum”.

Quả đáng tội cho anh D. Từ Phan Thiết muốn đi Suối Nhum phải đi xe than vào cây số 30. Từ cây số 30 về Suối Nhum trên 10 km nữa và gần như mọi người đều đi bộ. Sau này khi đã thân tình, tôi tình cờ tìm thấy một tập báo cáo về thủy lợi Suối Nhum trong tủ tài liệu của anh. Chính cái báo cáo ấy đã hại anh D khi anh chép nguyên si báo cáo để rồi phải làm theo yêu cầu của trưởng phòng, đi trở lại Suối Nhum bằng được để viết về người thật, việc thật!

 Cảm ơn người đi trước

Có thể nói, mặc dù quá trình vào nghề, làm nghề của chúng tôi ngày ấy, tuy gian nan song  không ít may mắn: được làm việc với nhiều người giỏi. Những người rất yêu thương phóng viên nhưng rất nghiêm túc trong công việc. Nhờ vậy, nhiều người trong chúng tôi trưởng thành.  Một số người trong chúng tôi, sau khi được các “vị thầy” rèn luyện, họ tự tin viết ra ngoài, viết cho các tờ báo rất kén bài vở; không hề cảm thấy lo lắng khi phải tác nghiệp, cạnh tranh thông tin với một số phóng viên của những tờ báo lớn, có uy tín.

Nhân  27/10, ngày mà cách đây 42 năm, Báo Bình Thuận ra số đầu tiên, những phóng viên ngày đó kẻ còn người mất, người chuyển công tác, song tận đáy lòng, chúng tôi luôn dành sự biết ơn và trân trọng những người đi trước. Tôi nhớ ông Nguyên Nam buộc tôi viết cái tin 6 lần; nhớ ông Xuân Thông, người phát hiện ra tôi có khả năng viết bút ký; nhớ ông Bùi Quỳnh Lưu “chém” cái bài viết dài 3 trang của tôi còn lại 79 chữ, nhưng khi ra cuộc họp vẫn khen phóng viên  năng động chịu đi, chịu viết; nhớ ông Lương Sơn lúc nào cũng nghiêm khắc nhưng rất mực thương những phóng viên được việc… Nhớ và nhớ…

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nợ” những người đi trước