Theo dõi trên

Nơi mang tên dòng sông

25/04/2017, 08:47

Đêm không ngủ

BT- Khoảng 11 giờ trưa, anh Đỗ Minh Dũng chạy xe máy ào về cái chòi trong vườn thanh long của mình tại thôn Tân Hòa, xã Sông Phan với nét mặt hớn hở. “Gần tới rồi!”- anh thông báo gọn lỏn với những vị khách. Ai trong chúng tôi đều hiểu anh đang nói cái gì, vì những giây phút vừa qua, chúng tôi cũng bó gối ngồi nhìn nắng nảy lửa nhảy múa bên ngoài và chờ nước xuất hiện tại đoạn kênh trước mặt.

                
Người dân bơm nước tuyến kênh Sông Phan vào    ao tưới thanh long.

Vườn thanh long của anh Dũng nằm ôm cua theo tuyến kênh, nước về là cảm nhận được ngay. Tại đây là cây số thứ 10 của tuyến kênh dài 14 km, dẫn nước từ hồ Sông Phan xuống. Sau câu thông báo ấy, anh gãi đầu tỏ vẻ bối rối vì ngại khách chờ đợi mình, trong khi vợ chồng anh không chịu nổi cảnh ngóng trông nữa, trước đó đã lên xe phóng lên phía hồ Sông Phan để xem nước về tới đâu. Nhìn anh tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, nét mặt mệt phờ có lẽ vì mất ngủ, chỉ có giọng nói chứa đựng vui vẻ, hy vọng, ai cũng hiểu tâm trạng hiện giờ của anh nông dân đang ngóng nước về. Anh phân bua rằng anh là người đi xem nước trễ nhất trong xã, vì đêm hôm qua cả xã rộn ràng như có hội, nhiều người không ngủ được mang đèn pin đi xem nước. Lúc ấy, thằng em trai điện thoại í ới rủ đi, nói vui lắm, mọi người hình thành từng nhóm, ngồi ven kênh nói chuyện. Nhìn đồng hồ đã 11,12 giờ đêm, anh nhờ thằng em xem giùm, vì cả ngày chăm vườn thanh long gần giai đoạn chín, mệt quá. Thế nhưng, khi nằm xuống, lại chẳng ngủ được, bên tai cứ nghe tiếng róc rách của nước len lỏi vào từng thớ đất, nghe đất như đang trở mình rất khẽ. Vùng dậy chạy ra bờ kênh, nước vẫn chưa về. Anh đi ra vô mấy bận như thế rồi lẩm bẩm: “Quái lạ, nước sao chảy chậm thế, nghe nói mở nước vào 2 - 3 giờ chiều hôm qua, tức ngày 20/4 đến giờ đã 1 - 2 giờ khuya của ngày 21/4, nước vẫn chưa qua được 10km?”. Hỏi rồi anh lại tự ngẫm: “Đất khô hạn bao nhiêu năm nay, từ đời tía má di cư từ Bến Tre ra, lúc ấy mình chỉ 9-10 tuổi giờ đã U50 rồi, chưa hết lại bị cây mì tàn phá ít nhất cũng 15 năm khiến đất cứ cứng lại, chai đi, làm sao nước đi nhanh được? Rồi trên đường chảy ấy, còn phải làm ngập tràn mấy bung rộng, to như sông, như suối nữa, làm sao nước đi nhanh được?”. Trong giấc ngủ chập chờn ấy, anh thấy mình đang tưới nước cho vườn thanh long hơn 600 trụ với dòng nước mát, rất mạnh, chứ không phải dòng nước nóng hẩm, yếu ớt từ chiếc giếng khoan trong vườn.

Anh nói đến đây, vợ anh bỗng cười khì, chen ngang: “Mấy bữa nay, thanh long đòi nước nhiều để nuôi trái lớn chín mà nước giếng khoan đã hụt nên ảnh lo quá nằm mơ luôn. Nhưng hôm nay nước về thì quá thuận lợi rồi. Đợt rồi, nhà bán thanh long giá 19.000 đồng, được 77 triệu đồng, mừng quá chừng. Đợt này, có nước về kịp lúc, chắc chắn vợ chồng tui thu được chừng ấy hoặc nhiều hơn nữa”. Anh Dũng tiếp lời: “Có nước, tôi mừng còn hơn trúng số. Từ sáng tới giờ, chưa ăn gì mà không thấy đói…”. Vợ anh dặm thêm: “Trúng số rồi tiền xài hết, còn nước thì có vĩnh viễn. Nếu biết làm ăn thì sẽ giàu!”.  

Trồng cây đón nước

Ba năm trước, thời điểm tuyến kênh Sông Phan đã đào được một vài đoạn phía xa, vợ chồng anh Dũng tính phải chuyển mảnh vườn nằm ven kênh này sang trồng thanh long để đón nguồn nước. Khoan 2 giếng chỉ có 1 giếng có nước nhưng anh tưởng như được trời phù hộ. Vì chung quanh không phải ai khoan cũng có nước, có người khoan đến 4-5 giếng vẫn không có giọt nước nào chảy ra. Nhờ vậy, kế hoạch đón đầu nguồn nước thủy lợi của anh mới thực hiện được. Nói về kế hoạch này, hình như cả xã đều hừng hực tính toán, ngay cả một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Tân Quang có cơ hội vay được vốn, nhất là 3 năm nay. Nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội để làm, vì trở ngại chính vẫn là nước. Ngoại trừ vùng đất nằm ven con Sông Phan, còn lại những  vùng đất khác trong xã đều không hy vọng có nước ngầm. Thế nhưng, cứ chỗ nào khoan có chút nước là người dân xuống thanh long, chủ yếu để đón chờ nước kênh về. Ở tình thế nghẹt thở như vậy, vào thời điểm này năm ngoái, hạn khốc liệt khiến thanh long ở đây ngắc ngoải, các nhà vườn mua nước về trữ trong những tấm bạt, che chắn, nâng niu giữ từng giọt nước tưới cầm chừng cho thanh long. Hú hồn, thanh long tơ sung sức nên mùa khô qua, số diện tích bị hư hại không nhiều.Đến thời điểm này, toàn xã có hơn 300 ha thanh long, con số không ít ở vùng hạn, chứa đựng rủi ro nhiều nhưng cũng nhờ vậy, bây giờ có nước về, Sông Phan liền có sức bật mới.

Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại giá thanh long bấp bênh, nhiều nhà vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đang thua lỗ, muốn chặt bỏ thì những hộ trồng thanh long ở Sông Phan rất lạc quan. Họ cho rằng thanh long ở các nơi trên đã già cỗi, không còn sức đề kháng với sâu bệnh nên trái thành hàng dạt, bán không được giá cao. Trong khi đó, ở Hàm Tân, thanh long hầu hết mới trồng, cụ thể ở Sông Phan này chủ yếu là thanh long tơ nên trái bán được giá cao. Giờ thêm có nước về, thanh long phát triển tốt, cơ hội làm giàu đã thấy trước mắt. Vì lẽ đó, bây giờ hai bên đường dẫn vào trung tâm xã, thanh long đang xuất hiện rất nhiều, lớp cũ đã 2-4 năm tuổi, lớp mới vừa xuống trụ, dây đang leo. Hình ảnh này quả là đang hiếm thấy ở các vùng chuyên canh thanh long nhưng ở đây có vẻ đang trong khí thế mở rộng diện tích. Tôi bỗng hiểu hơn nỗi lo của anh Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Sông Phan qua câu nói không lạc quan lắm:“Nước đã về nhưng cái chính là có đủ nước cho bà con sản xuất trong mùa khô hay không !?”

 Chung một ước mong

Sự lo xa của anh Minh, thế hệ 7x, lứa tuổi chưa già nhưng cũng đã ngấm bao dày dạn ở vùng đất thiếu nước này rất thực tế. Cuộc nói chuyện của tôi xoay quanh chuyện thiếu nước, anh Minh thổ lộ nhiều hơn. Chính vì không nước mà vùng quê này không giảm nổi tỷ lệ nghèo, đến nay giữa bao nhiêu tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã lo nhất vẫn là tiêu chí hộ nghèo. Hiện toàn xã còn số hộ nghèo chiếm đến 10,85% dân số. Nghịch lý khác, ở vùng quê này hầu hết người dân ăn rau từ TP.Phan Thiết chuyển vào, thị xã La Gi chuyển ra cũng chỉ vì khô hạn. Các loại cây hàng năm, chủ yếu gieo trồng vụ mưa như mì, bắp, mè…với diện tích hơn 2.000 ha nhưng lúc được, lúc không; rừng trồng chiếm khoảng 600 ha. Và hình như năm nào cũng có cây trồng chết, vì hạn, ngay cả rừng trồng. Như năm ngoái, vào thời điểm tháng 3, nhiều diện tích cây trồng ở đây đã chết khô, thậm chí nhiều nhà đã thiếu nước sinh hoạt đến khô môi, chính quyền phải hỗ trợ nước…Trên cao kia, hồ Sông Phan cạn nước, tuyến kênh vẫn đang đào theo kiểu cuốn chiếu và còn nhiều đoạn vẫn chưa đền bù giải toả xong. Nhiều hộ dân vẫn chưa chịu giao đất khi chưa nhận tiền đền bù. Bí thư huyện đích thân xuống gặp dân đàm phán. Cuối cùng, đất sạch mới có và tuyến kênh được cơ bản hoàn thành cho thông nước,  mất tròn trèm 10 năm, vì thiếu kinh phí, vì đền bù giải toả.

Và vào thời điểm khó khăn nhất ở đây, chính hồ Sông Phan, chính tuyến kênh, dù đang dang dở là điểm hi vọng để người dân nhìn về ngày mai. Tôi còn nhớ cao trào của hy vọng tương tự thể hiện vào lúc tách xã Tân Nghĩa ra, chính quyền muốn lấy tên dòng sông để đặt tên cho xã mới, dù xuất phát điểm của con sông được hợp dòng từ nhánh suối ở xã Đức Thuận, huyệnTánh Linh chảy về Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân trước khi đổ ra biển Đông với hành trình dài 55 km làm ranh giới cho 3 nơi: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Nói đến sông nước như đáp trúng nguyện ước, phiếu lấy ý kiến của nhân dân về cái tên xã là Sông Phan được thu về với 100% đồng ý.

“Dân Sông Phan khao khát nước từ lâu nên bây giờ có nước lại lo không đủ nước để dùng. Điều đương nhiên mà!” –anh Minh trầm ngâm. Tôi nói với anh Minh mà như an ủi anh trong bối cảnh Sông Phan đang bị rớt chuẩn đến 6 tiêu chí Nông thôn mới so với lúc trước: “Đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo vào ngày 31/12/2017, tuyến kênh Biển Lạc –Hàm Tân sẽ thông nước, tức nước ở Tánh Linh sẽ đổ vào hồ Sông Dinh. Từ đây đào một tuyến kênh dài 19 km để dẫn nước vào hồ Sông Phan thì không lo thiếu nước nữa.” “Nghe nói cũng phải đến năm 2020, vì thế, xã khuyến cáo người dân bây giờ lo đào ao, hồ trữ nước. Mùa mưa sắp đến, hồ Sông Phan, hệ thống kênh này cùng những ao hồ ấy sẽ tích nước lại, sẽ cải thiện môi trường và  Sông Phan sẽ bước sang trang mới!” Lời anh nói làm tôi chợt nhớ hình ảnh những đàn cò trắng bay chao luyện trên 2 bưng nước nằm trên tuyến kênh trong ánh nắng chiều vào một, hai giờ trước đẹp đến nao lòng… 

Phóng sự của Bích Nghị
 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi mang tên dòng sông