Theo dõi trên

Nước về vùng khô hạn

18/05/2018, 08:55 - Lượt đọc: 24

BT- 3 năm trở lại đây, câu chuyện thiếu nước ở Hàm Thuận Nam không đến mức nghiêm trọng. Một phần nhờ mùa mưa kéo dài, phần khác nhờ các tuyến kênh thủy lợi trên địa bàn ngày càng được hoàn thiện, nối mạng, thông tuyến, nhất là kênh tiếp nước Sông Móng- Đu Đủ- Tân Lập. Tuy vậy, đến thời điểm này, nắng hạn cục bộ tại một số xã, thị trấn đang diễn ra, khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cũng đặt ra nhiều thử thách cho địa phương.

                
Lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam đi thực tế khi    nước thủy lợi được điều tiết về Tân Thuận.

 “Mạch sống” khan hiếm

Giữa tháng 5 - trời nắng như đổ lửa. Bao nông dân ngóng đợi cơn mưa đầu mùa trong sự lo âu, nôn nóng. Năm nay mùa khô kéo dài. Nắng hạn cục bộ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con, đặc biệt là xã Tân Lập, Tân Thuận và một số địa bàn khác. Đã thành lệ, hễ đến mùa khô là nhiều vùng của huyện Hàm Thuận Nam phải chịu ảnh hưởng nắng hạn, nguồn nước sinh hoạt của bà con càng trở nên khan hiếm. Hàng trăm ha cây thanh long từ 3 - 5 năm tuổi đang vào kỳ cho trái chín rực có nguy cơ khô héo vì thiếu nước tưới… Mặc dù trên địa bàn đã được đầu tư 16 hồ, đập, nhưng vẫn không thể lo đủ nước phục vụ nhân dân. Tính đến trung tuần tháng 5/2018, tổng dung tích hữu ích của các hồ, đập trên địa bàn huyện còn 8,762 triệu m3 (riêng hồ Sông Móng dung tích hữu ích là 6,134 triệu m3 và khoảng 3 triệu m3 mực nước chết). Một số hồ, đập hiện nay đã trơ đáy như hồ Tà Mon, hồ Sông Phan, hồ Tân Lập…

Tâm điểm hạn cục bộ hiện nay là xã Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam. Với mục đích ưu tiên số 1 cho nước sinh hoạt, hiện Nhà máy nước Thuận Nam đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trên địa bàn thị trấn và khu trung tâm huyện đến 30/6/2018. Riêng xã Tân Thuận khoảng 200 hộ dân thuộc thôn Thanh Phong vẫn phải đang chống chọi với cảnh thiếu nước sinh hoạt, thậm chí nước sản xuất phục vụ cho 548 ha thanh long và 16 ha lúa trên địa bàn cũng thiếu trầm trọng. Thị trấn Thuận Nam, tình hình cũng không mấy khả quan, tổng diện tích thiếu nước sản xuất hiện khoảng 400 ha thanh long thuộc hệ thống công trình thủy lợi: hồ Sông Phan, hồ Tân Lập và kênh chuyển nước Đu Đủ - Tân Lập. Không chỉ vậy, hơn 1.500 hộ/trên 6.300 khẩu của xã Tân Lập cũng đang trong thời kỳ khó khăn để tìm “mạch sống”.

 Dồn sức chống hạn

Chúng tôi đến Hàm Thuận Nam khi tình hình nắng hạn đang hết sức căng thẳng. “Cứu hạn như cứu hỏa”, ông Nguyễn Minh - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam và Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Diệp cũng đứng ngồi không yên, trực tiếp xuống địa bàn để chỉ đạo kịp thời. Nhớ lại những năm về trước, khi hệ thống hồ Sông Móng vừa được đưa vào sử dụng, người dân rất vui mừng. Nhưng chỉ đến khi kênh chuyển nước từ hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập thông tuyến, không chỉ nước sinh hoạt, nước sản xuất được giải quyết mà còn tạo hy vọng cho các vùng đang khô hạn giáp vùng tưới hồ Tân Lập sớm có nước. Và niềm hy vọng ấy không còn là ước mơ xa vời của người dân, khi nguồn nước thủy lợi đã được điều tiết về xã Tân Thuận vào những ngày đầu tháng 5/2018.

                
Tình trạng nắng hạn tại hồ Tà Mon (Tân    Lập).

Cũng thời điểm này cách đây 4 năm (tháng 5/2014) - khi tuyến kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập chính thức thông nước, hình ảnh dòng nước mát phun lên từ những mô tơ điện trắng xóa một góc trời, tưới tắm cho những gốc thanh long xanh bạt ngàn. Đi tới đâu, cũng thấy bà con rạng rỡ nụ cười, thầm cảm ơn một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Và hình ảnh ấy đã lặp lại ở xã Tân Thuận, khi kênh tiếp nước đoạn này đã khai thông về suối Sông Phan, cung cấp nước cho hàng trăm ha thanh long trong vùng. Anh Thông Văn Lơ (thôn Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận) có 700 trụ thanh long không giấu được niềm vui, khi cách đây một tuần nước đã về đoạn suối Sông Phan. Anh Lơ cho biết: “Trước đây bà con trong vùng chỉ dựa vào nguồn nước ao, hồ là chính, khô hạn triền miên. Nay nhờ được tiếp nước, diện tích thanh long trong vùng mới được giải hạn”. Cách đó không xa, hình ảnh anh Thông Liên đang xịt nước tưới trắng xóa cho 1.300 trụ thanh long đang trĩu quả làm những lãnh đạo đầu ngành của huyện cảm thấy mát lòng. Anh Liên bảo: “Nước về nhiều mừng lắm, nhờ nguồn nước về kịp lúc nên lứa thanh long vụ nghịch cuối cùng trong năm của gia đình phát triển tốt, chỉ ngày mai là xuất bán với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg”.

Ông Trần Ngọc Diệp cho biết: Ngay khi nắm tình hình hạn hán, UBND huyện đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh điều tiết nguồn nước tại hồ Sông Móng về hồ Tân Lập và suối tự nhiên tại đây để cứu hạn các vùng thiếu nước. Trước mắt, từ cuối tháng 4/2018, hồ Sông Móng đã thực hiện tiếp nước về hồ Tân Lập để cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho các khu vực tại thị trấn Thuận Nam và xã Tân Thuận. Dự kiến dung tích cấp khoảng 2 triệu m3. Ngoài ra, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo UBND xã Tân Thuận, thị trấn Thuận Nam tập trung chỉ đạo các tổ thủy nông tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh mương, suối tự nhiên để đảm bảo thông thoáng dòng chảy, tránh lãng phí nước. Đối với một số diện tích còn thiếu nước do nắng hạn tại xã Tân Thuận thuộc các hệ thống công trình Suối Ké, Ba Khai, UBND xã nên tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến nhân dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đào ao trữ nước, đào, khoan giếng ở những vùng có điều kiện để phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong mùa khô.

Qua khảo sát thực tế, ông Nguyễn Minh - Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam phấn khởi: “Đến thời điểm này, nguồn nước thủy lợi đã được đưa về vùng Tân Thuận, “cứu hạn” kịp thời cho bà con. Hiện đang vào thời điểm “đỉnh” của nắng hạn, nhưng lượng nước tại hồ Sông Móng còn khá, nhờ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm. Kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập đã phát huy hiệu quả tưới, giúp người dân phát triển sản xuất cây thanh long đạt năng suất cao. Hiện tại, nguồn nước đủ cung cấp cho hơn 6.000 ha thanh long/ 12.000 ha ở thủ phủ thanh long Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên, hiện hệ thống kênh tiếp nước Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon chưa hoàn thành do vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai và dự kiến sẽ thông tuyến trong năm 2018”.

Nỗ lực “giải hạn” của chính quyền địa phương và các ngành liên quan sẽ phần nào giúp nông dân có đất sản xuất dọc tuyến kênh đi qua chấm dứt cơn khát lúc giao mùa. Hướng tới, sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nhân dân Hàm Thuận Nam, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi vốn là thế mạnh của ngành nông nghiệp huyện.

K.Hằng - M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước về vùng khô hạn