Theo dõi trên

Ở ngã ba ranh giới

11/05/2018, 08:24

Bài 1: Ký ức con đường lồ ô

BT- Đi khắp Bình Thuận, không có nơi nào đặc biệt như vậy, người ta phải đi qua 2 tỉnh: Đồng Nai và Lâm Đồng mới đến được đây. Và cũng không có nơi nào có nhiều điều đặc biệt như thôn 11, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, một thôn mới thành lập được gần 2 năm...

                
Thôn 11 hiện nay đã khác xưa nhiều.

Gà gáy… 3 tỉnh đều nghe

Đây là lần thứ 3 tôi đến thôn 11, xã Đa Kai. Lần nào quay lại nơi đây cũng cho tôi cảm giác ngạc nhiên về sự phát triển không ngừng. Lần đầu tiên, tôi đến thôn 11, xã Đa Kai là vào năm 2016. Khi đó đang là mùa mưa, ô tô phải dừng lại ở địa phận tỉnh Lâm Đồng rồi chuyển sang đi bằng xe máy. Mùa mưa, lớp đất đỏ ở đường dẫn vào thôn 11 trở nên nhão nhoẹt, trơn trượt như đi trên gạch bông mà ai đó đổ thêm lớp dầu ăn... Đường rộng cả chục mét mà khi di chuyển phải “canh” đúng tim đường vỏn vẹn 20cm còn lại toàn sình lầy. Hai bên đường chỉ toàn nhà vách gỗ mái tôn lụp xụp. Để che mưa, người ta phủ lên phía trên những tấm bạt đã bạc màu sương gió…

Lần thứ 3 này, tôi về lại thôn 11 xã Đa Kai nhưng là lần đầu tiên tôi đi  Honda lên đây. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, đêm trước tôi đã phải lên Google Maps để tìm hiểu đường... Để đến được thôn 11, phải đi qua xã Đa Kai, sang đất Đồng Nai, ngược quốc lộ 20 qua đất Lâm Đồng rồi đi theo con đường đất trên địa bàn xã Hà Lâm, huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng mới đến nơi. Chính cái vị trí đặc biệt nằm ở ngã ba ranh giới Bình Thuận - Đồng Nai - Lâm Đồng mà nhiều người vẫn nói vui chỉ cần một con gà ở thôn 11 cất tiếng gáy cả 3 tỉnh đều nghe…

 Thôn 11 hôm nay có nhiều đổi thay. Đường bê tông dẫn vào tận khu du lịch thác 3 tầng. Rồi điện, đường, trường, nhà văn hóa thôn đã được xây dựng. Ngồi nói chuyện với những người dân nơi đây mới thấy được sự gian nan mà người dân phải đối mặt. Đất này nguyên là tiểu khu 143, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh. Những năm 1990 đã có người ở các tỉnh miền Tây đến đây khai hoang. Đa phần trong số họ là người đi tìm vùng đất mới. Có người di cư qua 2, 3 tỉnh khác rồi mới đến thôn 11 sinh sống. Một trong những người trẻ và đến thôn 11 sớm nhất là anh Nguyễn Thanh Nhã. Nhã sinh ra ở Bạc Liêu, 15 tuổi đã bỏ xứ đi làm ăn. Nơi đầu tiên anh Nhã lập nghiệp là huyện Định Quán, Đồng Nai. Rồi sau đó, anh theo mẹ và cha dượng lên thôn 11, sinh sống. “Những ngày đầu mới về đây, cuộc sống người dân khó khăn không thể nào kể hết”, anh Nhã nói và nhìn sang tôi như người bạn tâm giao, còn tôi phần nào cũng hình dung được sự khó khăn của thôn 11 gần 30 năm trước là thế nào… Bằng chứng cho tới bây giờ một phần hai thôn vẫn chưa có sóng điện thoại… 

Ông già dưới chân thác 3 tầng

Trong ký ức những người đầu tiên đến thôn 11 khai hoang, vùng đất này là vùng “rừng thiêng nước độc”. Không điện, không đường, không trường, không có những cơ sở vật chất cần thiết, nhưng sốt rét, rắn cắn, thiếu ăn… là chuyện hằng ngày gặp phải. Điều duy nhất nối họ với xã hội bên ngoài chính là con đường đất do lâm trường làm từ đầu những năm 1980. Nhưng con đường đó lâu ngày không được cải tạo dần dà trở thành con đường “đau khổ”. Những năm 2000, hai bên đường, tre, lồ ô mọc cao tới độ ngọn cây ở hai bên đường cong xuống, chạm vào nhau tạo ra một cái ô không lồ. Vào mùa mưa, mặt đường nhão ra, bùn dày vài chục centimet. “Ngày đó, nhà nào có xe đạp là giàu rồi, nhưng để đạp được thì phải vác xe trên vai đi bộ khoảng 5 km ra địa phận tỉnh Lâm Đồng mới đi được. Còn chuyện con sốt cao, ba mẹ cõng ra tới trạm xá thì con mất là chuyện không hiếm ở đây. Con đường khang trang như hiện nay, theo anh Nhã nói, công lớn là nhờ ông Hai, tên thật là Mai Thành Lâm.

                
Con đường sình lầy - ký ức một thời khốn    khó ở thôn 11.

Ông Hai không phải là người đến đây để khai hoang, phát rừng làm rẫy. Năm 1993, ông Hai cùng một số người bạn vào thôn 11 mua đất trồng cà phê. Những năm đó, ông Hai có nhà hàng kinh doanh ăn uống ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, lâu lâu ông mới vào thăm rẫy. “Mặc dù không ở đây thường xuyên nhưng lúc đó, cái nghèo cái khổ của người dân nơi đây tôi biết rõ. Cuộc sống của họ cũng không khác mấy phận con dã tràng se cát. Ngày làm rẫy kiếm được ít điều, nhánh củi mang ra chợ bán rồi lấy tiền đong gạo, mua rượu. Những ngày trời mưa thì ở nhà mua rượu thiếu, nắng lên ráng làm trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ theo họ suốt. Mình được cái hơn bà con ở đây là có chút đỉnh nên giúp được cái gì thì giúp”, ông Hai chia sẻ. Nhưng việc ông Hai “giúp được gì thì giúp” kể ra nhiều người sẽ không tin. Năm 2004, người dân trong thôn 11 tìm đến ông Hai để nhờ giúp đỡ khắc phục mấy cái cầu tạm bị lũ cuốn trôi. Vậy là ông Hai cùng vợ lội sình vào xem. Thấy người dân phải đối mặt nguy hiểm mỗi khi qua suối, ông Hai cho 200 bao xi măng để người dân khắc phục những điểm xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, ông Hai ra vào khu 143 nhiều hơn, nhờ vậy ông mới thấy sự khó khăn của người dân khi phải đi qua 16 con suối mỗi lần ra chợ mua đồ ăn. “Mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì người dân có lúc ăn muối trắng cả tuần. Lâu lâu lại có người trong thôn bị té gãy tay gãy chân do đường xấu. Mấy anh em là những người sống lâu năm ở đây họp lại, ra xã xin được tự sửa đường rồi về vận động người dân đóng tiền sửa đường. Nghĩ là vậy nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy gian nan”, ông Hai nhớ lại. Cái gian nan mà ông Hai nói là cả một sự phối hợp nhuần nhuyễn, người bỏ tiền bên góp công. Khi đó, 1 tiếng máy cuốc người ta lấy 700.000 đồng và phải thuê đủ 1 ca 8 tiếng máy cuốc mới vào làm. Tính ra, số tiền 74 triệu đồng của người dân đóng chỉ đủ thuê được 15 ca máy cuốc. “Không lẽ dừng lại”, câu hỏi canh cánh trong lòng, ông Hai quyết định về bàn với vợ. Sau một đêm bàn tới, tính lui vợ chồng ông Hai quyết định, bỏ tiền túi làm đường. Nói là làm, ngày hôm sau ông Hai đi TP.Hồ Chí Minh mua một chiếc xe cuốc rồi thuê người lái để làm đường. “Có tiền nhưng làm đường đâu phải dễ. Khi xe cuốc làm tới con dốc cao nhất thì cán bộ lâm trường tới chặn lại vì lúc đó, thôn 11 còn thuộc đất lâm trường. Ông phải ra gặp xã rồi lên huyện xin chủ trương. Rồi huyện phải xin tỉnh. Mất vài tháng mới xin được chủ trương làm đường. Lúc đó đã là mùa mưa”, ông Hai nhớ lại. Hơn ai hết, ông Hai là người biết rõ tính cấp thiết của công trình. Vậy là mặc cho trời mưa, mặc cho nước suối cuồn cuộn chảy, ông Hai và những người trong thôn tiếp tục làm. Đan vỉ sắt, đổ bê tông, mua cống chịu lực, tất cả đều là tiền của ông Hai bỏ ra. “Gian nan nhất phải nói là lúc đặt cống xuống. Nước suối dâng cao, đâu ai dám xuống chỉnh cống cho đúng vị trí. Vậy là ông phải xuống, giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. Lúc đó, chỉ cần một một sơ xuất nhỏ có lẽ ông đã nằm lại dưới cống rồi”, ông Hai nói mà mắt cứ nhìn về phía dòng suối đang chảy trước mặt.

Cuối năm 2013, công trình cải tạo đường hoàn thành. Ngay lập tức đời sống của người dân ở đây thay đổi. Người dân đua nhau sắm xe máy, giá nông sản tăng lên vùn vụt. Thôn 11 không còn bị chia cắt như trước đây, trái cây được mua bằng giá với phía Lâm Đồng. Nhưng giao thông thuận lợi, cái xấu cũng bắt đầu len lỏi vào thôn. Những người dân thôn 11 lại bắt đầu một hành trình mới – xin cho người dân được sống theo Hiến pháp và pháp luật…                 

Ký sự: Nguyễn Luân

Kỳ 2: Miền đất hứa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở ngã ba ranh giới