Theo dõi trên

Ở ngã ba ranh giới

18/05/2018, 09:02 - Lượt đọc: 6

Bài 2: Miền đất... hứa

BT- Với 1 ha sầu riêng giống Thái Lan, 1 năm thu nhập 500 triệu là bình thường. Nên giờ 1 ha đất đã có sẵn sầu riêng có giá trên dưới 1 tỷ đồng là chuyện không hiếm ở thôn 11…

Cú hích thành lập thôn

Nhấp chén nước trà, ông Hai nhớ lại những ngày cuối năm 2015. Lúc đó, giao thương giữa thôn 11 và bên ngoài đã thuận lợi, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Nhưng đêm xuống, phía trong những cánh rừng, tiếng súng săn, tiếng máy cưa lại vang lên. Người dân ở thôn 11 không lạ với những tiếng động này. Bởi những ngày đầu đến đây, tiếng súng săn, tiếng máy cưa là âm thanh song hành cùng tiếng suối chảy. Nhưng giờ họ không muốn nghe lại. Vậy là ông Hai và những người lớn tuổi lại ngồi lại với nhau. Đây là lần thứ 2 họ gặp mặt đông đủ sau lần xin sửa đường vào năm 2013. Ý tưởng xin thành lập thôn được đưa ra, ông Hai và ông Sáu A được cử làm đại diện ra xã lên huyện đề xuất, trình bày. “Họ hỏi tại sao người dân lại xin thành lập thôn. Ông chỉ nói đơn giản vì hiện nay khu 143 đã phát triển rất mạnh và người dân cần có sự dẫn dắt, định hướng của chính quyền, sống theo hiến pháp và pháp luật. Còn nếu để người dân sống tự do như hiện nay thì khu 143 sẽ là mảnh đất tốt để cái xấu phát triển”, ông Hai nhớ lại.

                
Thôn 11 giờ đã khoác trên mình bộ áo mới…

Sau đề xuất của người dân khu 143, một cuộc chạy đua xin phép thành lập thôn đã được các cấp chính quyền huyện Đức Linh triển khai. Để rồi tháng 6/2016, quyết định thành lập thôn 11 được UBND tỉnh ban hành. “Thành lập thôn rồi, nhưng để có vốn xây dựng cơ sở vật chất cho bà con thôn 11 cũng là một quá trình”, ông Huỳnh Đa Trung, Bí thư Huyện ủy Đức Linh, nhớ lại. Thôn 11, xã Đa Kai được thành lập vào tháng 6 nhưng phải đến tháng 8/2016, lễ công bố quyết định thành lập thôn mới được tổ chức. Và khoảng thời gian này, việc xin phân bổ kinh phí xây dựng cơ bản đã được các huyện trình UBND tỉnh. Việc xin bổ sung hạng mục đầu tư là rất khó khăn “Đã thành lập thôn mà không xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương, không cho người dân thấy được sự phát triển thì đó là lỗi của chính quyền. Biết là khó nhưng Huyện ủy, UBND huyện Đức Linh vẫn làm tờ trình và trực tiếp trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh để xin kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học và bê tông hóa đường cho người dân. Gặp lãnh đạo tỉnh ở đâu là chúng tôi trình đề nghị ở đó. Đầu năm 2017, UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí thì chúng tôi mới yên tâm”, ông Huỳnh Đa Trung nhớ lại.

Dù kinh phí xây dựng đã có, nhưng đúng vào mùa mưa nên việc thi công đường bê tông phải chờ đến tháng 10/2017 mới được thực hiện. Tháng 12/2017, tuyến đường bê tông dài 3,5 km với kinh phí đầu tư 7,3 tỷ đồng hoàn thành. Rồi nhà văn hóa thôn, trường mẫu giáo với kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng cũng được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan của người dân. “Lúc xã báo về là đã có kinh phí, đề nghị ban điều hành thôn đi vận động bà con dọn cây, hiến đất để làm đường nhiều người vẫn không tin. Bởi họ không bao giờ nghĩ mọi việc lại nhanh đến thế” - ông Hai cho biết.

Khi khởi công bê tông hóa đường dẫn vào thôn thì một vấn đề nữa lại đặt ra, không có nguồn vốn để kéo điện về thôn. Vậy là ông Huỳnh Đa Trung và lãnh đạo huyện Đức Linh lại một lần nữa xuống Công ty Điện lực Bình Thuận xin kéo đường dây điện vào thôn. Dù không nằm trong kế hoạch xây dựng của năm 2017, nhưng Công ty Điện lực Bình Thuận vẫn chủ động kéo điện cho thôn 11. Ngày 28 tháng chạp, trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đúng 2 ngày, người dân thôn 11 lần đầu tiên được sử dụng điện 24/24. Nói tới điện, tôi chợt nhớ đến câu nói của ba dượng anh Nhã khi Chi đoàn Báo Bình Thuận về thôn 11 trao trang thiết bị để làm công trình ánh sáng an ninh. Một cụ già khoảng 70 tuổi ngồi uống trà trước nhà, mắt nhìn chăm chú vào hàng cột điện phí trước. “Có điện cụ mừng không”, chúng tôi hỏi bất ngờ. Ông nói ngay lập tức: “Vui chứ, 25 năm sống ở đây tôi nghĩ đến lúc chết nơi này vẫn chưa có điện. May mà nhờ có Nhà nước…”.  Có điện, có đường cuộc sống người dân thôn 11 thay đổi nhiều. Người dân đã mạnh dạn đầu tư nhà kiên cố, chuyển đổi cây trồng. Ở mặt đường bê tông, đã có những hộ mở tiệm tạp hóa, mở quán cà phê đón đầu lượng khách du lịch đến thác 3 tầng…

 Tương lai mở

Thôn 11, được trời cho một điều kiện tự nhiên rất đặc biệt là không thiếu nước, hệ thống nước mặt người dân sử dụng còn không hết chứ chưa nói đến nước ngầm. Chính điều này khiến cho cây trồng ở đây phát triển khá tốt. Có đường, người dân đã mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, cây điều là cây trồng chủ lực thì nay đã được thay bằng cây sầu riêng, cây bơ. “Giờ tư duy sản xuất của người dân đã thay đổi nhiều lắm. Họ sẵn sàng vay ngân hàng để chuyển đổi cây trồng. Trước đây chỉ có một vài hộ trồng sầu riêng thì nay có đến vài chục hộ. Với 1 ha sầu riêng giống Thái Lan, 1 năm thu nhập 500 triệu là bình thường. Nên giờ 1 ha đất đã có sẵn sầu riêng có giá trên dưới 1 tỷ đồng là chuyện không hiếm ở thôn 11”, anh Nhã cho biết. Hôm tôi đến, ông Hai còn tiếp một vị khách rất đặc biệt, anh Nghĩa, một nhà đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh ra khảo sát để phối hợp với ông Hai phát triển Khu du lịch thác 3 tầng. “Bước đầu có 4 nhà đầu tư đã đồng ý góp vốn. Vấn đề là phải chọn được mô hình phù hợp, vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ môi trường. Ví dụ như sắp tới, ông sẽ cho làm một khu hồ bơi và trượt thác nước ở khu vực đường dẫn lên thác. Rồi cải tạo khuôn viên, xây dựng những phòng ngủ dưới tán cây… Sắp tới nơi đây sẽ thay đổi nhiều”, ông Hai nói mà trong mắt ánh lên niềm hy vọng…

Nói về hướng phát triển thôn 11, ông Huỳnh Đa Trung, Bí thư Huyện ủy Đức Linh đưa ra một loạt công việc mà huyện đã, đang và sắp tới sẽ làm ở thôn 11. “Đây là một địa phương có điều kiện để phát triển đa ngành nghề. Với khí hậu mát mẻ, nơi đây rất thuận lợi cho trồng cây lâu năm. Ở đây cũng có thác 3 tầng rất đẹp, hoang sơ nên thuận lợi cho việc phát triển du lịch”, ông Trung cho biết. Cuối năm 2017, UBND huyện Đức Linh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lên khảo sát thác 3 tầng để đưa vào bản đồ du lịch của tỉnh. Song song với đó, UBND huyện cũng xây dựng đề án liên kết du lịch, đưa được các sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp cận với du khách. Rồi Phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh đã hoàn thành việc nghiên cứu thổ nhưỡng, xác định cây trồng chính của vùng đất này. Theo đó, cây sầu riêng và cây măng cụt được xác định là cây trồng phù hợp với khí hậu và có giá trị kinh tế cao. 2 loại cây này đã được người dân trồng thí điểm và đang phát triển tốt. Một số hộ trồng sầu riêng sớm hiện nay đã thu hoạch và cho thu nhập tốt. Rồi cuối năm 2016, Ngân hàng Chính sách huyện Đức Linh đã triển khai chương trình vay vốn ở đây. Đến thời điểm hiện tại đã có 15 hộ vay với tổng số tiền 800 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng.

Tháng 4, các vườn sầu riêng ở thôn 11, Đa Kai đã bắt đầu ra trái. Đứng trên đồi phóng tầm mắt ra xa mới thấy hết được màu xanh của cây trái, màu của sự phát triển. Đâu đó phía xa, tiếng nhạc xập xình của hộ dân vọng lại nghe vui vui. Sau những năm kiên trì bám trụ, người dân thôn 11 đã bắt đầu hưởng quả ngọt. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ có thêm những ngôi nhà đẹp…

Ký sự: Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ở ngã ba ranh giới