Theo dõi trên

Ô nhiễm môi trường- Cá chết trắng tại suối Đá

15/04/2018, 10:59

 BTO - Khoảng 10 ngày trở lại đây, dòng suối Đá lấy nguồn nước từ kênh Bắc Ba Bàu đi qua thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) bỗng trở nên đen ngòm, hôi thối. Tình trạng này khiến hàng chục hộ trồng thanh long quanh khu vực không có nước tưới thanh long, da ngứa ngáy khi chạm vào nước. Đặc biệt, trên con suối này, tình trạng các loại cá tự nhiên bị chết trắng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Đáng nói, theo phản ánh của người dân, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường là do xả thải của cơ sở chế biến thanh long Bé Dũng- doanh nghiệp đã từng gây bức xúc cho người dân do xả nước thải ra suối Thị (xã Mương Mán) cách đó không xa; và đã được Báo Bình Thuận phản ánh vào cuối tháng 3/2018.

Cá chết trắng ở suối Đá do ô nhiễm môi trường

Khi hay tin có phóng viên đến tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, khoảng chục người dân vội kéo kến khu vực ven suối Đá, thuộc nhóm 1, thôn Dân Cường để bày tỏ bức xúc. Vào giữa tháng tư,nắng, nóng, cộng thêm mùi hôi bốc lên từ dòng nước đen ngòm ở Suối Đá khiến những ai có mặt đều phải bịt mũi. Dọc con suối này có 18 hộ dân sinh sống, với 25 ha thanh long đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dòng nước ô nhiễm này.

Ông  Đỗ Thế Hưng (thôn Dân Cường)- một trong số các hộ dân ở đây bức xúc cho biết: “Gia đình tôi có 600 trụ thanh long đang kỳ cho trái, phụ thuộc chủ yếu và nguồn nước tưới từ con suối Đá. Tuy nhiên, mấy ngày nay thấy nước đen ngòm, dính vào quần áo thấy ngứa ngáy nên chúng tôi không dám lấy nước tưới. Toàn bộ diện tích thanh long hiện đang “cầm cự” với nguồn nước giếng khoan ít ỏi mùa khô”. Còn ông Huỳnh Công Quốc- một người dân sống ở địa phương hơn 30 năm nay cho hay: “Tôi đi làm mướn thanh long ở khu vực này đã lâu. Nhưng mấy ngày nay mới bắt đầu chứng kiến ô nhiễm nguồn nước. Các loại cá tự nhiên, chủ yếu cá lăn, cá trắng bà con thường bắt về ăn, nay bỗng lờ đờ, chết trắng”. “Từ ngày 6/4/2018, tôi đang tưới thanh long bỗng nghe mùi thối, cộng thêm màu đen ngòm. Men theo dòng suối, tôi phát hiện ra mùi hôi thối xuất phát từ Trang trại thanh long Bé Dũng, đóng chân trên địa bàn, ngay cạnh con suối. Nghi ngờ việc doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường nên bà con rất bức xúc”- Anh Trần Văn Thành- người dân địa phương cho biết.

Người dân bức xúc khi đứng cạnh ống xả thải ra suối của doanh nghiệp Bé Dũng

Theo chân chị Nguyễn Thị Hồng Hà- Công chức địa chính xây dựng tài nguyên và môi trường xã Hàm Thạnh, chúng tôi đến tận trang trại sản xuất thanh long Bé Dũng cách đó không xa. Điều đáng nói, đây là trang trại sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng vừa bước vào cổng, chúng tôi đã bị “dội ngược” với hình ảnh ao cạn đen ngòm, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ ao cạn ngay trong trang trại. Anh Bùi Văn Thanh- công nhân tại trang trại lý giải:“ Ngay khi có phản ánh của dân, cách đây mấy ngày, trang trại đã bơm cạn hồ, rải vôi và chất vi sinh để xử lý mùi hôi”. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi ghi nhận, cận cảnh ao cạn là vô số vỏ xoài, thanh long đang phân hủy, bốc mùi nồng nặc.

ChịNguyễn Thị Hồng Hà cho biết: Vào ngày 9 và 12/4 vừa qua, chính quyền xã đã đến kiểm tra và lập biên bản tại trang trại Bé Dũng theo phản ánh của nhân dân. Theo đó, trang trại này có 5 ao, nước trong ao trên chảy lưu thông xuống ao dưới và thoát ra dòng chảy, chảy xuống dòng suối Đá. Nguyên nhân dẫn đến mùi hôi thối là ông Dũng- chủ trang trại đã chở vỏ thanh long và xoài từ cơ sở chế biến tại thôn Đại Thành- xã Mương Mán lên đất tại nhóm 1- thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh để xử lý. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Dũng không được đổ vỏ thanh long, xoài tại khu vực đất kiểm tra và ngừng xả thải xuống suối Đá, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân”. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, qua quan sát cho thấy hệ thống đường ống thoát nước được xây dựng kiên cố, miệng ống bê tông lớn hướng thẳng ra suối. Hiện tại, nước trong các ao đều đã được bơm cạn, nhưng cảnh tượng dưới lòng ao đầy rác bẩn, bốc mùi rất khó chịu.

Xung quanh ao xử lý chất thải của Trang trại Bé Dũng

Gặp chúng tôi, ông Võ Đình Ngoạn- Nhóm trưởng nhóm 1, thôn Dân Cường bức xúc: “Tôi đang tưới thanh long thì nhận tin có xe của doanh nghiệp Bé Dũng chở vỏ thanh long, xoài lên đổ ở trang trại. Tôi cùng một số bà con hô hoán, ngăn cản không cho xe đổ chất thải, nhưng không được. Đến thời điểm này, trước sự phản ứng của người dân nên không thấy xe chở chất thải lên đổ nữa.”Theo suy đoán của ông Ngoạn, có thể do những ngày trước, việc xả thải ra Suối Thị (xã Mương Mán) của doanh nghiệp Bé Dũng bị người dân và báo chí phản ánh, nên công ty đã chuyển chất thải lên đất trang trại ở Hàm Thạnh để xử lý.

Cũng theo phản ánh của ông Ngoạn, ngoài việc xả thải của doanh nghiệp, cần nhắc đến ý thức của một số hộ dân đã tự ý thả cành thanh long, rác thải xuống suối, vừa gây ách tắc dòng chảy, vừa góp phần gây mùi hôi thối cho dòng nước. Vì vậy, hơn ai hết, trước mắt người dân cần có ý thức giữ gìn môi trường, không xả rác thải xuống dòng suối để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Trước những bức xúc về môi trường sống và nhu cầu sử dụng nước mùa khô của gần 20 hộ dân  khu vực Suối Đá, ông Lê Anh Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Thạnh đã có văn bản đến Công ty TNHH MTV- KTCT Thủy lợi Bình Thuận-Chi Nhánh huyện Hàm Thuận Nam kiến nghị xem xét điều tiết nước đến khu vực  tại nhóm 1 thôn Dân Cường để giảm mùi hôi cho  bà con nông dân yên tâm sinh sống, sản xuất…

Thu Thủy- Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường- Cá chết trắng tại suối Đá