Theo dõi trên

Ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai

05/01/2017, 08:40

BT - Trong khi ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cho rằng kể từ năm 2013 (đối với công ty chế biến tinh bột mì) và từ 2015 (đối với công ty chuyên sản xuất cồn) không còn phát hiện các hành vi vi phạm môi trường, thì ở địa bàn vùng giáp ranh thuộc tỉnh Bình Thuận vẫn còn đó nỗi lo về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt…

Bài 2:Nỗi lo còn đến bao giờ?

BT - Trong khi ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cho rằng kể từ năm 2013 (đối với công ty chế biến tinh bột mì) và từ 2015 (đối với công ty chuyên sản xuất cồn) không còn phát hiện các hành vi vi phạm môi trường, thì ở địa bàn vùng giáp ranh thuộc tỉnh Bình Thuận vẫn còn đó nỗi lo về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt…

Xuất phát từ vị trí địa lý nên các công ty sản xuất, chế biến tại thượng nguồn sông Giêng do UBND tỉnh Đồng Nai quản lý, vì vậy chính quyền địa phương và sở ngành liên quan của Bình Thuận chủ yếu chỉ thực hiện chức năng giám sát việc xả thải. Nếu phát hiện có vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước thì lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ và phải đề nghị tỉnh Đồng Nai xử lý theo quy định, mà như vậy sẽ không kịp thời giải quyết triệt để và mang tính răn đe cao. Đây là nội dung đã được UBND xã Tân Đức (Hàm Tân) đề cập trong báo cáo công tác giám sát tình hình xả thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh giữa Bình Thuận - Đồng Nai gởi đến Đoàn giám sát của ĐBQH tỉnh vào cuối năm 2016. 

Còn trên thực tế vào ngày 24/8/2015, Trại giam Thủ Đức nhận được thông tin phản ảnh về hiện tượng nước tại cầu Thủy Điện (Phân trại 2) ngả màu đen, bốc mùi hôi thối. Ngay sau đó, đơn vị báo cáo ngành chức năng tỉnh Bình Thuận để chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hàm Tân cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình. Kết quả cho thấy: Nguồn  nước tại cầu Thủy Điện (Phân trại 2) ngay thời điểm kiểm tra đúng là bị ô nhiễm nặng, nguồn nước chuyển màu đen, nổi bọt trắng, bốc mùi hôi thối và cá chết hàng loạt… Qua theo dõi trên địa bàn và kết quả kiểm tra của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hàm Tân, nghi vấn vào thời điểm ngày 20/8/2015 nhà máy sản xuất cồn bên phía Đồng Nai có xả thải ra thượng nguồn sông Giêng mà chưa được xử lý. Đến ngày 3/9/2015, Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Thuận), Trại giam Thủ Đức đã có buổi làm việc với nhà máy sản xuất cồn của Công ty Tùng Lâm và tiến hành lấy mẫu nước để phân tích các thông số pH, BOD5, COD, Nitrit, Amoni, Xianua.

         
   

         

            Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Tùng Lâm trên địa bàn Đồng Nai.

Riêng trong năm qua, dù chưa có trường hợp người dân quanh vùng phản ảnh ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh, nhưng các sở, ngành chức năng và địa phương liên quan của Bình Thuận cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình. Đáng chú ý vào tháng 4/2016, Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Thuận đã tham gia đoàn kiểm tra đột xuất đối với Công ty Tùng Lâm do Cục Cảnh sát môi trường chủ trì. Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường có thông báo xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền 400 triệu đồng với các hành vi: Tự đắp bờ ngăn sông Ui (tên gọi khác của sông Giêng) để lấy nước gây cản trở dòng chảy; thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 3 lần và xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần (lưu lượng nước thải 1.728 m3/ngày)…

Tuy nhiên mới đây khi làm việc với Đoàn giám sát của ĐBQH tỉnh Bình Thuận, cả công ty chế biến tinh bột mì và công ty chuyên sản xuất cồn tại Đồng Nai đều khẳng định đã đầu tư số tiền rất lớn cho hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Vậy hiện tượng ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Giêng tiếp diễn ở khu vực giáp ranh thời gian qua nếu loại trừ xuất phát từ hai công ty này thì nguyên nhân do đâu. Hay bắt nguồn từ việc xả thải từ hoạt động chăn nuôi của một số trang trại heo với quy mô từ 1.200 - 2.400 con/trang trại nằm trên địa bàn xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hoặc còn có tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các thời điểm mưa to, nguồn nước trên thượng nguồn đổ mạnh về hạ lưu để lén lút thực hiện hành vi xả thải, nhằm giảm chi phí trong vận hành hệ thống xử lý nước thải?... Thế nên những nghi vấn này cần được bộ, ngành chức năng chỉ đạo, phối hợp các địa phương liên quan sớm vào cuộc làm rõ, giải quyết dứt điểm tồn tại bấy lâu. Nếu không, tình hình ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai sẽ mãi là nỗi lo thường trực, chưa biết đến bao giờ mới khắc phục hoàn toàn.

Quốc Tín



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường khu vực giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai