Theo dõi trên

Phan Thiết mùa vắng!

30/03/2020, 09:45

 BT- Phan Thiết có một mùa rất buồn, “mùa đóng cửa” – câu cửa miệng của tất cả những ai đang cật lực mưu sinh. Chỉ mới 2 ngày sau khi tạm dừng các hoạt động thôi mà. Vỉa hè cũng trống tênh. Có những giọt nước mắt của người đi vận động, có giọt nước mắt của những người còng lưng đắp đổi qua ngày.

                
Một góc của TP Phan Thiết vắng người đi    lại. Ảnh: Đình Hòa

 Nước mắt vỉa hè

TP. Phan Thiết bước sang ngày thứ 2, sau khi UBND tỉnh có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh lớn, nhỏ. Phố phường lại vắng. Khác với lần trước, lần này tất cả đều phải tạm dừng các hoạt động từ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, hớt tóc,  đến CLB thể thao, trung tâm thể dục. Đường phố lại yên ắng. Không gian tĩnh lặng bao trùm. Người dân cũng ít lưu thông trên phố. Hàng quán đóng cửa san sát và chạy dài theo các con phố. Từ hôm 28/3, khắp các vỉa hè của TP. Phan Thiết, lực lượng chính quyền các địa phương cũng chia thành từng tốp kiểm tra và nhắc nhở.

“Liên tục 2 ngày, tụi em ngoài việc tặng khẩu trang, nước rửa tay, gạo cho người lao động nghèo chỉ là góp phần cho bà con yên tâm, phòng dịch. Nhìn cuộc sống của họ, mình đi vận động mà rớt nước mắt. Họ khổ, và kiếm từng đồng cho sinh hoạt hàng ngày, thấy mà xót xa!” - chị Phạm Thị Đăng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đức Long bộc bạch. Những người bán hàng rong, xe ôm, dân lao động đều được phát khẩu trang và hướng dẫn cụ thể từng cách để giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra ngoài. “Chú đeo cái khẩu trang y tế tới mấy ngày vì tiếc tiền, dù biết chỉ sử dụng  vài lần” - người đàn ông gương mặt khắc khổ hàng ngày trông chờ những cuốc xe ôm để nuôi sống gia đình nói trong sự chông chênh của chính mình.

Cách đó vài con hẻm, là gánh bún bò của cô Hạnh - người đàn bà đang chật vật nuôi đứa con tật nguyền cũng phải tạm nghỉ trong khó khăn. Gần 20 ngày phải nghỉ thì sinh kế của người lao động sẽ ảnh hưởng, đây là bài toán nan giải cho những ai buôn gánh bán bưng, tạm đắp đổi qua ngày. Hay như trường hợp cô Sáu (khu phố 6, phường Đức Long), nồi hủ tíu vịt nuôi sống cả đại gia đình con cháu. “Giờ cô không biết làm sao con ơi. Làm gì sống đỡ đây?”. Còn chị Nguyễn Thị Mai (Khu dân cư Văn Thánh), mỗi ngày chị không biết mình đi bộ bao lâu. Gánh đậu hủ hơn hai mươi mấy năm qua, gia đình nhỏ sống nhờ vào gánh đậu hủ. “Giờ nhà nước kêu tạm nghỉ thì nghỉ thôi. Nhưng khó khăn quá thì vay mượn lo cho gia đình, mà không biết có vay được không nữa?!”.  

15 ngày: ngắn - dài

Chỉ 2 ngày sau khi lệnh tạm dừng buôn bán, đối với các địa phương như Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long, Phú Thủy là những nơi tập trung buôn bán nhiều nhất. Chúng tôi tiếp tục vận động bà con lao động tạm ngừng buôn bán đến hết ngày 15/4. “Thật ra vận động bà con tạm nghỉ chúng tôi cũng xót xa lắm, mở lời cũng khó, bà con trong lúc này sẽ rất khó khăn. Nhưng hãy vì sức khỏe của chính chúng ta. Rất mong mọi người phối hợp với địa phương để giảm tối thiểu tập trung đông người. Vì sức khỏe cộng đồng, của bản thân, tất cả hãy đoàn kết cùng nhau vượt qua” - ông Nguyễn Hải Đăng -  Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thủy, cho biết. Đường Hùng Vương đêm đầu tiên ra quân, còn xót lại quán bê thui Cầu Mống vài bóng khách lưa thưa, vì nguyên liệu đã mua về không thể không bán. Phía trước quán, anh Đoàn Công Vương cũng dựng ngay tấm biển “Quán bê thui Cầu Mống chỉ phục vụ 30 khách/lần. Quán có phục vụ đem về, khách có nhu cầu sẽ ship tận nơi” như là cứu cánh cho họ lúc này. “Khó khăn nhiều lắm anh, nhưng vì cái chung nên cũng cố gắng cùng với chính quyền thôi,  lo nhất là sẽ cầm cự bao lâu”.

                
Cô Hạnh trong tiếng thở dài - "những ngày    nữa sẽ ra sao".

Cũng trong hoàn cảnh như bao hàng quán, chủ nhân của quán  Rabbit Coffee & Bia đã đóng cửa từ khi tỉnh có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố. Quán đóng cửa dù chỉ mới khai trương chưa lâu. Một áp lực kinh tế rất lớn, tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, tiền thuế… tất nhiên phải gồng mình. Những ngọn đèn trang trí tắt ngắm. Một mảng tối bao trùm. Nhưng, chính họ lại là người ủng hộ và muốn đóng góp cùng chính quyền địa phương trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19.

Cũng trên đoạn đường này, hàng quán đóng cửa nhiều hơn, đâu đó vài ánh đèn lưa thưa để góp phần đảm bảo an ninh chứ không một bóng người… “Chỉ mong rằng, tình hình sẽ ổn định, để người dân yên tâm làm ăn buôn bán. Tình trạng này kéo dài sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Mình thiệt hại là một chuyện, nhưng dù gì mình cũng gồng gánh được, nhưng người dân lao động thật sự đáng lo”- chị Đoan Khánh chia sẻ. Nếu đóng cửa đợt này nữa, quán Xe Lam Phan Thiết, đã phải nghỉ cả tháng. “Điều chúng tôi lo lắng nhất khi để nhân viên của mình phải nghỉ việc. Các em ấy cũng không có thu nhập, lấy gì sống đây”.

Chưa bao giờ giai đoạn khó khăn lại bao trùm lên hết thảy. Chẳng phải riêng ai. Kinh doanh lớn phải đối diện với những khoản nợ lớn hơn. Người lao động, chạy chợ theo ngày, mong manh trên từng bước chân. Đâu đó, giữa cơn lốc đại dịch, có nước mắt của người lao động rơi xuống giữa hè phố, trong buổi chiều tắt nắng.

Q.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết mùa vắng!