Theo dõi trên

KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2017)

28/04/2017, 08:42

Phan Thiết, những ngày tháng tư lịch sử

BT- Những ngày giữa tháng 3 năm 1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, Ngô Tấn Nghĩa, Đại tá tỉnh trưởng Bình Thuận của chế độ Sài Gòn không khỏi lo sợ, đã  tăng cường phòng thủ đề phòng  quân giải phóng tấn công Phan Thiết.

                
      
Thiết giáp của quân giải phóng trên đường    tiến vào thị xã Phan Thiết (1975). Ảnh: Ngô Đình Cường

Ngày 16/3,  để tăng cường bổ sung quân đang thiếu cho Phan Rang, chính quyền Phan Thiết tổ chức càn bắt thanh niên không kể tuổi tác, miễn sao có tầm vóc lớn. Riêng 3 ngày 16 - 18/3 chúng vây bắt ở ấp Bình Hưng, Hưng Long và chùa Vạn Thiện được 44 thanh niên và 3 tu sĩ rồi gấp rút chuyển ra phòng tuyến Phan Rang.

Hoảng loạn

Từ cuối tháng 3, quân địch ở Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh bỏ chạy dần về phía Nam kéo theo hàng trăm ngàn dân di tản tạt ngang Phan Thiết gây rối loạn trật tự. Một số tiệm buôn bán đóng cửa. Nhà trường cho học sinh nghỉ học dành chỗ cho người di tản tạm trú.

Ngày 31/3, 20 xe chở bọn tàn quân kéo đến Phan Thiết. Bọn lính xin gặp Ngô Tấn Nghĩa nhưng y không thu nhận số tàn quân này và buộc họ phải quay trở lại đơn vị cũ. Bất chấp quân lệnh, nhóm tàn quân này chạy  vào Sài Gòn. Một số tên trong nhóm tàn quân này dùng vũ khí trấn lột, cướp đi một số tài sản của người dân trong thị xã. Ngày 1/4, bọn này đốt phá chợ Phan Thiết. Hàng trăm sạp lớn nhỏ trong chợ từ đường Lý Thường Kiệt qua đường Gia Long (Nguyễn Huệ) bị đốt cháy, đập phá.

Đại tá tỉnh trưởng kiêm Tư lệnh phó quân đoàn 3 tiền phương Ngô Tấn Nghĩa cùng bộ tham mưu chạy ra đóng ở Lầu Ông Hoàng để tránh ta pháo kích vào cơ quan đầu não.

Các đơn vị địch ở bờ Nam sông Cà Ty khẩn trương đưa đại liên, trọng liên lên các lầu cao ở Đức Nghĩa, Đức Thắng bố trí phòng thủ. Mấy hôm sau Ngô Tấn Nghĩa ra lệnh dời bộ máy tiểu khu Bình Thuận và cơ quan hành chính tỉnh về ngôi nhà cố vấn Mỹ đã rút bỏ đi (trụ sở Thành ủy Phan Thiết ngày nay).

Từ 13 – 15/4 tàn binh các nơi lại ùn ùn về Phan Thiết trong đó có línhsư đoàn 2 và biệt động quân. Ngô Tấn Nghĩa đã tập hợp lực lượng này gồm 20 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn dù, 6 tiểu đoàn bảo an đưa đi đóng ở bãi Thương Chánh, trên Căng Esepic và đưa ra phòng thủ ở phía đôngbắc từ Phú Hài, Kim Ngọc, cầu Sở Muối, Tân An, Trinh Tường, Đại Tài và vành đai thị xã.  Nghĩa còn điều 1 chi đội tăng M13, M41 và 1 đại đội pháo từ La Gi ra chi viện. 16 khẩu pháo được bố trí ở Lầu Ông Hoàng, Trinh Tường, Căng và chi khu Ngã Hai, ngoài biển 2 pháo hạm sẵn sàng chi viện.

10 giờ ngày 16/4 Phan Rang giải phóng. Binh lính của chế độ Sài Gòn từ Phan Rang theo  QL1 chạy vào Phan Thiết và phía Nam. Đoàn xe khi qua khỏi cầu 40 (Tiến Lợi) xe trước chết máy, xe sau trờ tới húc ngã lăn kềnh cạnh vệ đường để tranh nhau lối đi. Binh sĩ các đơn vị ở vùng ven thị xã vứt súng tìm đường chạy trốn. Nghe tin cánh quân Duyên Hải của bộ đội chủ lực sắp đánh vào, Nghĩa tung thêm 4 tiểu đoàn bảo an ra phía bắc thị xã, nâng lực lượng tại đây lên 6 tiểu đoàn. Các cụm pháo ở Phú Hài từng lúc bắn yểm trợ. Hằng ngày có 5, 6 lượt máy bay ném bom phản kích chiếm lại cầu Phú Long và các vị trí đã mất nhưng vô hiệu.

Ngày 15, 16/4 địch dốc sức phản kích lên Tân Điền, Tân An, Kim Ngọc. Pháo và máy bay địch phối hợp trút đạn và bom dồn dập vào khu vực Phú Long nhưng các đơn vị của tiểu đoàn 15 và 840 thuộctrung đoàn 812 đã đánh trả. Cao điểm núi Tà Dôn và cũng là cao điểm cuối cùng của địch ở hướng Đông Bắc vào đêm 17/4 cũng bị đại đội 5 vàđại đội trinh sát củatrung đoàn 812 tập kích triệt hạ. Tiểu đoàn 482 đánh chiếm và chốt giữ khu vực Tân An.

Lúc này hàng ngũ địch càng bi quan, dao động. Nhiều nơi quần áo lính, súng bộ binh vứt ven đường, bụi rậm, bờ rào. Tiểu đoàn 202 vàđại đội 206 thám sát của địch chỉ còn 1/3 tay súng. 

Giải phóng

Ngày 18/4, Bộ chỉ huy tiền phương cánh quân Duyên Hải quyết định sử dụng lữ đoàn xe tăng và quân đoàn 2 bộ binh phối hợp với lực lượng địa phương tiến theo QL1 vào giải phóng Phan Thiết.

Khoảng 18 giờ 30, tiểu đoàn 130 của quân giải phóng tiếp tục bắn phá dữ dội vào các vị trí ở trung tâm thị xã và tiểu khu, các kho hậu cần, kho xăng và kho đạn ở Căng nổ tung bốc cháy đỏ rực bầu trời phía nam Phan Thiết.

19 giờ, quân đoàn 2 đến khu vực cầu Phú Long bắt liên lạc với tiểu đoàn 15. Bộ đội địa phương hướng dẫn đoàn xe tăng rầm rập qua cầu Phú Long. 19 giờ 30, một mũi đánh vu hồi theo hướng Phú Hài, một mũi tiến thẳng theo đường QL1. Chi đội tăng M13 địch kéo ra án ngữ nhưng xe tăng của ta đã qua cầu Sở Muối. Chiếc thiết giáp E146 đi đầu của ta lập tức lao vào chiếc xe M13 khiến chiếc xe này quay lật nghiêng, chiến sĩ bộ binh bắt gọn toàn bộ địch trên xe. Bộ binh và xe tăng chia thành nhiều mũi tiến vào thị xã chiếm các cơ quan đầu não. 21 giờ, tiểu khu Bình Thuận và các ty sở đã lọt vào tay quân giải phóng; 22 giờ, một đại đội xe tăng giải phóng khu vực bến cảng và mũi Thương Chánh; 23 giờ 30, ta đã chiếm giữ hoàn toàn sân bay và đồn bót địch ở Căng.

Ngô Tấn Nghĩa vừa được phong quân hàm chuẩn tướng, trước bước tiến quân như vũ bão của quân giải phóng đã dùng xe M13 vội vàng chạy ra bãi Thương Chánh, chuyển tài sản lên ghe đưa ra tàu ngoài biển bỏ mặc cho binh lính và viên chức chính quyền ở lại.

5 giờ ngày 19/4, Bộ chỉ huy tiền phương và các cơ quan tỉnh, thị vào thị xã. Một đại đội thuộc tiểu đoàn 482 được điều đi đánh chiếm chi khu Hải Long ở Mũi Né. Một đại đội tiến vào phíanam để giải phóng chi khu Ngã Hai.

8 giờ sáng ngày 19/4, UB Quân quản Bình Thuận công bố lệnh số 1 kêu gọi toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền phải ra trình diện và nộp vũ khí. Hai cờ giải phóng được cắm tại ủy ban thị xã trên đường Trần Phú hiện nay và một cắm tại trụ sở ấp Bình Hưng. Sau đó khắp phố phường Phan Thiết cờ giải phóng lần lượt xuất hiện.

9 giờ, một tốp máy bay A37 từ hướng Sài Gòn lao ra dội bom hòng phá sập 3 chiếc cầu nhằm chặn bước tiến của đại quân ta, nhưng gặp phải lưới đạn từ dưới bắn lên nên vội rút lên cao rồi bay mất.

Đến 10 giờ, toàn bộ lực lượng của chính quyền Sài Gòn tại Phan Thiết tan rã. Vũ khí, khí tài, đạn dược, phương tiện chiến tranh để lại gần như nguyên vẹn. Phan Thiết đã được hoàn toàn giải phóng. 

Tiếp quản

Chính quyền quân quản Phan Thiết mở ra 16 bàn trình diện. Rất đông viên chức và binh lính ra làm thủ tục. Công nhân nhà máy đèn, nước đến trình diện trước tiên và ngay sau đó được nhận nhiệm vụ quay về nhà máy để lo bảo đảm nguồn điện nước phục vụ các hoạt động tiếp quản và bảo vệ an ninh trật tự.

Để làm tròn nhiệm vụ hậu phương, góp phần phục vụ đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, chính quyền quân quản đã kêu gọi các chủ phương tiện và nhân dân hưởng ứng lệnh huy động và tập trung 200 xe đò, xe tải các loại để chuyển nhân lực đến tiền phương.

Ngày 1/5/1975, lễ mít tinh chào mừng ngày lễ Quốc tế Lao động và giải phóng miền Nam được tổ chức tại sân vận động thị xã với hơn 20.000 nhân dân tham dự. Tại đây, UBND cách mạng lâm thời thị xã Phan Thiết cũng chính thức ra mắt nhân dân.

Lê Huân

Nguồn tư liệu: Sách Phan Thiết truyền thống đấu tranh cách mạng - tập 2 (1954 – 1975), do Đảng bộ thị xã Phan Thiết xuất bản năm 1991.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2017)