Theo dõi trên

Phòng chống lụt bão: “Người dân còn chủ quan”

10/11/2017, 08:40

BT- Cơn bão số 12 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản  cho các tỉnh Nam Trung bộ.  Bình Thuận  may mắn không chịu ảnh hưởng trực tiếp bão. Tuy nhiên, Bình Thuận có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất. Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống bão 12, Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Phạm Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về vấn đề này!

                
   Ông Phạm Văn Nam (trái) kiểm tra tàu    thuyền tại Cảng cá Phan Thiết trước khi bão đổ bộ.

Ông có thể nói đôi điều về công tác ứng phó với bão số 12 của tỉnh những ngày qua?

Ông Phạm Văn Nam: Sau khi tiếp nhận thông tin về diễn biến của bão số 12, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã họp trực tuyến với các địa phương, sở, ngành, đề ra các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Tư tưởng chỉ đạo là không chủ quan, lơ là; theo dõi sát và liên tục cập nhật diễn biến của bão.

Trong ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp& PTNT Hoàng Văn Thắng đã trực tiếp đến Bình Thuận kiểm tra công tác ứng phó cơn bão 12 của tỉnh. Thứ trưởng đã ghi nhận công tác chuẩn bị, ứng phó của tỉnh. 

Những việc làm được và chưa làm được trong ứng phó  thiên tai tại các địa phương?

Tỉnh tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ, bố trí bến bãi neo đậu an toàn; các lồng bè nuôi trồng thủy sản được gia cố, chằng buộc chắc chắn, không cho người ở lại trên tàu và lồng bè; công trình thủy lợi, hồ chứa nước được theo dõi, cập nhật và xả lũ hạ thấp mực nước hồ trước khi bão đổ bộ để có dung tích phòng lũ hiệu quả. Lập phương án di dời, sơ tán dân ở khu vực ven biển và vùng thấp, trũng khi bão đổ bộ, gây mưa, lũ trên diện rộng, chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết trước khi sơ tán...Lực lượng vũ trang chuẩn bị tốt các phương tiện, vật chất và triển khai xuống địa bàn huyện để sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương, người dân; trong đó, xác định huyện Tuy Phong là địa bàn trọng điểm.

Tuy nhiên, một số địa phương và người dân khu vực ven biển vẫn còn tâm lý chủ quan. Một số người dân ven biển không theo dõi sát diễn biến của bão, không mở kênh thông tin để theo dõi mà nghe nhạc, coi phim... Nếu bão số 12 đổ bộ thực sự vào  tỉnh thì thiệt hại là  khó tránh khỏi.

  Từ nay đến cuối năm, cần lưu ý gì trong phòng chống mưa bão?

Có thể nói, một số vấn đề cần lưu ý khắc phục như công tác phòng tránh bão trong một bộ phận dân còn chủ quan, lơ là (nhất là những vùng ven biển, khu vực nguy hiểm), ý thức chấp hành lệnh chưa cao, nhất là việc chằng chống nhà cửa. Vấn đề quản lý tàu thuyền của địa phương và cơ quan chức năng trong thời điểm có bão đôi lúc còn lơ là, chưa sâu kỹ, thông tin liên lạc, thông báo vị trí neo đậu và thông tin cứu nạn, cứu hộ chưa tốt. Ý thức chấp hành của một số chủ tàu chưa nghiêm. Khu vực ưu tiên cho các tàu tham gia ứng cứu bố trí neo đậu chưa đảm bảo; các tàu chằng buộc kín bên ngoài nên khi cần điều động tàu đi cứu nạn rất khó khăn. Bến bãi, luồng lạch ra vào bị bồi lắng, cạn, hẹp rất khó khăn cho tàu thuyền ra vào hoạt động; đặc biệt là khi có bão xảy ra, việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ rất khó khăn.

Từ nay đến cuối năm dự báo vẫn còn khoảng 2 - 3 cơn bão, ATNÐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Nam Trung bộ. Do đó chúng ta không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Trong bất cứ trường hợp nào, tình huống nào cần phải theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, đặc biệt khi có bão, lũ.  Thực  hiện với tinh thần trách nhiệm cao các chỉ đạo của chính quyền địa phương để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xin cảm ơn ông!

KiỀu HẰng (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống lụt bão: “Người dân còn chủ quan”