Theo dõi trên

Phòng chống thiên tai năm 2017: Chủ động, không trông chờ, ỷ lại

24/07/2017, 09:32

BT- Từ đầu năm đến nay, trên biển Đông đã xuất hiện 3 cơn bão và 1 ATNĐ đang hoạt động. Riêng khu vực Bình Thuận, các hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió mạnh ngoài khơi, tình trạng khô hạn thiếu nước, lốc xoáy, mưa đá, sét, nắng nóng và mưa lớn gây lũ, ngập lụt đã xảy ra ở một số địa phương. Đặc biệt, tình hình xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông và ven biển đã diễn ra tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết... gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân.  

                
Triều cường gây sạt lở, sập nhà dân tại    huyện Tuy Phong.

Thiệt hại trên 7 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai xảy ra với nhiều loại hình như sóng lớn, triều cường và sạt lở bờ biển. Trong đó, từ khoảng cuối tháng 12/2016, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, kết hợp triều cường dâng cao, đã gây tình trạng sạt lở bờ biển huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi, uy hiếp trực tiếp hàng trăm căn nhà của nhân dân. Đặc biệt, sạt lở xảy ra tại xã Tân Phước, Tân Tiến (tiếp giáp với kè bờ đã xây dựng), với chiều dài bị sạt lở hơn 400m, gây mất đất ven biển…Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, từ tháng 1 đến giữa tháng 4/2017 là thời kỳ mùa khô ở Bình Thuận, nhiều nơi không có mưa hoặc có mưa nhưng không đáng kể, mực nước trên các hồ chứa, sông suối dần cạn kiệt, các sông nhỏ xảy ra hiện tượng tắt dòng, nắng nhiều, lượng bốc hơi cao... khiến tình hình khô hạn thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông và ven biển đã diễn ra tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết… gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra, gió, lốc xoáy, mưa đá cũng diễn ra trên địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh…gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa của nhân dân. Điển hình huyện Tánh Linh xảy ra 2 đợt lốc xoáy vào ngày 23/4 tại xã Đức Phú và Nghị Đức; ngày 2/5 tại xã Huy Khiêm; làm tốc mái 29 căn nhà, một số diện tích cây lâu năm...

Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, qua tổng hợp, số liệu thiệt hại 6 tháng đầu năm 2017 khoảng trên 7 tỷ đồng, gồm diện tích bị thiệt hại về nông nghiệp trên 1.000 ha; chìm, hư hỏng 1 tàu, 151 căn nhà bị sập, tốc mái…

 Chủ động phòng ngừa

Bình Thuận hiện đang bước vào mùa thiên tai (mưa, bão, lũ, ngập lụt, sét,...). Theo nhận định tình hình thời tiết, thủy văn năm 2017 ở Bình Thuận khả năng sẽ diễn biến phức tạp; trong đó các trận mưa to và lũ trong mùa mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Hùng Tân, để chủ động phòng tránh, ứng phó, từ nay đến cuối năm các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. UBND chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở bờ biển để chủ động xử lý, đối phó kịp thời. Rà soát phương án, kế hoạch sơ tán, di dời dân cư ở vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, ATNĐ đổ bộ và vùng ảnh hưởng của lũ, ngập lụt; khu vực chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, triều cường… Thông báo cụ thể cho các hộ gia đình thuộc diện sơ tán, di dời biết để chủ động phòng tránh, sơ tán và chuẩn bị nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế khi di dời. Các cấp, các ngành và người dân phải chủ động, không trông chờ, ỷ lại; sẵn sàng xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Chi cục Thủy sản kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp tàu thuyền ra biển không đủ trang thiết bị như phao cứu sinh, máy bộ đàm, đăng kiểm, về tần số liên lạc, số lao động trên tàu, khu vực hoạt động để kiểm đếm, quản lý hiệu quả khi thiên tai xảy ra.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống thiên tai năm 2017: Chủ động, không trông chờ, ỷ lại