Theo dõi trên

Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX

28/02/2020, 16:53

Bài 2: Người truyền lửa cách mạng

BT- Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận bắt đầu có sự chuyển biến từ giữa năm 1930 qua 2 cuộc rải truyền đơn (đêm 12 - 13/7 và đêm 1 - 2/8/1930) của Xứ ủy Nam kỳ. Sự chuyển biến đó như ngầm chuẩn bị đón nhận người trực tiếp “truyền lửa cách mạng” vào vùng đất cực Nam Trung bộ này.   

                
      
   Phủ đường Ninh Hòa, nơi diễn ra cuộc    đấu tranh ngày 16/7/1930 do ông Dương Chước lãnh đạo.

Về người đầu tiên truyền lửa cách mạng

“…Vào năm 1930, đồng chí Dương Chước (Trợ Châm) đảng viên chi bộ Hòn Khói, huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) đến làng Đại Nẫm (phủ Hàm Thuận) sống trong nhà cụ Lê Trọng Thiều. Từ nhà cụ Thiều, đồng chí tiếp xúc quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản cho một số thanh niên trong 2 làng Đại Nẫm, Phú Hội. Sau một thời gian xây dựng, đồng chí kết nạp được một số đảng viên mới: Nguyễn Tỵ, Phan Xích, Ngô Đức Tốn…”.

Đây là những dòng thông tin trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930 - 1954). Vậy là ông Dương Chước, người đầu tiên “ươm hạt giống đỏ” ở Bình Thuận; mà một trong số “hạt giống đỏ” đó, thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh tại làng Tam Tân. Để tìm hiểu thêm về ông, chúng tôi đọc 2 cuốn: Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa (1930 - 1945), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (1930 - 1975). 2 cuốn sử này viết về ông Dương Chước cơ bản giống nhau.

Trong 2 năm 1925 và 1926, ông Dương Chước vào dạy học tại Tân Định (tức Ninh Hòa), tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1926, Pháp không cho dạy học nữa, ông về làm công nhân sở muối Hòn Khói. Đến tháng 2/1930, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt trong chi bộ Hòn Khói. Ngày 16/7/1930, ông dẫn đầu đoàn biểu tình về phủ đường Ninh Hòa, dùng còi chỉ huy, kêu gọi nhân dân đấu tranh, đưa bản yêu sách cho quan phủ. Kết thúc cuộc biểu tình, ông lên chiếc xe con đã chuẩn bị sẵn đi về hướng Nha Trang - Đà Lạt.

Ở sự kiện cuối, trong khi Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa viết rằng, “đi về hướng Nha Trang - Đà Lạt”; thì Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khẳng định, “ông cải trang bí mật lánh đi Đà Lạt trên một chiếc xe con chờ sẵn”.

Thông tin từ 2 cuốn sử mang lại một số vấn đề, đó là sau cuộc đấu tranh ngày 16/7/1930, ông Dương Chước mới rời khỏi Ninh Hòa. Như vậy, ông đi Đà Lạt (hoặc Phan Thiết) thì phải vào thời gian từ giữa cuối tháng 7/1930 hoặc sau đó. Vấn đề khác là, ông đi đâu, lánh vào Đà Lạt (?) hay Phan Thiết (?).

Quá trình tìm tư liệu, chúng tôi sưu tầm được “Báo cáo quý III/1931 của Công sứ Pháp tại Phan Thiết (ngày 4/10/1931)”. báo cáo này viết (trích):

“…Có thể khẳng định rằng việc thành lập đảng ở Phủ Hàm Thuận là những kẻ gây rối mà ta đã biết tên cũng như sự có mặt hoặc lưu trú tại Phan Thiết:

(1) Lê Bá Tuân, bí danh Cao, một trong những người cầm đầu chủ chốt của Hà Tĩnh, quê quán cũng tại tỉnh này, bị bắt tại Sài Gòn ngày 2/4/1931 tại trụ sở Nam kỳ Xứ ủy.

(2) Trương Hành, bí danh Thiệt, quê quán Nha Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, bị bắt tại Sài Gòn ngày 21/4/1931.

(3) Dương Chước, bí danh Châm, người cầm đầu chủ chốt các cuộc biểu tình tháng 7/1930 ở Ninh Hòa, hiện nay ở Lao Bảo…”.

Như vậy, ông Dương Chước có mặt tại Phan Thiết khoảng từ giữa cuối tháng 7/1930 trở đi. Ông bị Pháp bắt giam cầm tại nhà tù Lao Bảo trước quý III/1931 (còn vào lúc nào, tại đâu thì chưa có tư liệu cụ thể). Trong cuốn Nhà tù Lao Bảo (1890 - 1945), danh sách tù chính trị bị giam cầm tại đây có tên ông Dương Chước, sinh năm 1906, quê quán làng Thanh Trà, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (hiện nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) số hiệu tù nhân 415.

Chúng tôi liên hệ đồng nghiệp Quảng Nam thì được tặng cuốn: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tam Nghĩa (1930 - 1975). Trong cuốn sử có điểm qua một số tư liệu liên quan đến ông Dương Chước. Theo đó, ông có bằng tú tài; và vào tháng 3/1951, khi Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt thống nhất thành Mặt trận Liên Việt xã Tam Nghĩa, ông làm Chủ tịch.

Đến đây, thông tin về người đầu tiên trực tiếp “truyền lửa cách mạng” vào tỉnh Bình Thuận được cơ bản hình thành.

Ông Dương Chước, sinh năm 1906, quê ở làng Thanh Trà, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Ông có trình độ tú tài. Từ năm 1925 - 1926, vào dạy học tại Tân Định (tức Ninh Hòa), tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1926, Pháp không cho dạy học nữa, ông về làm công nhân sở muối Hòn Khói. Đến tháng 2/1930, trở thành đảng viên Đảngcộng sản Việt Nam, sinh hoạt trong chi bộ Hòn Khói (Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ngày 16/7/1930, dẫn đầu đoàn biểu tình về phủ đường Ninh Hòa, dùng còi chỉ huy, kêu gọi nhân dân đấu tranh, đưa yêu sách cho quan phủ. Sau cuộc đấu tranh, ông lên chiếc xe con đã chuẩn bị sẵn đi về hướng Nha Trang - Đà Lạt. Có mặt tại Phan Thiết vào thời gian khoảng cuối tháng 7/1930 (lúc 24 tuổi). Ông bị mật thám Pháp bắt đày đi Lao Bảo thời gian trước quý III/1931, số hiệu tù nhân 415. Mãn hạn tù về quê tại Quảng Nam. Tháng 3/1951, làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã Tam Nghĩa, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.   

2 cán bộ tuyên truyền cách mạng vào tỉnh Bình Thuận

Ngoài ông Dương Chước, theo báo cáo quý III/1931, Công sứ Pháp tại Phan Thiết khẳng định còn có 2 người nữa đã xuất hiện tại Phan Thiết tuyên truyền thành lậpđảng ở phủ Hàm Thuận. Đó là Lê Bá Tuân và Trương Hành. Qua tổng hợp các nguồn tư liệu, chúng tôi được một vài thông tin về 2 ông. 

Ông Lê Bá Tuân, sinh năm 1904, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; là người cùng dòng họ (cùng họ, khác chi) với ông Lê Trọng Mân, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định đầu tiên, con cụ Lê Trọng Thiều (làng Đại Nẫm, phủ Hàm Thuận). Năm 1929, là đảng viên chi bộ Đảng Tân Việt làng Vĩnh Hòa, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1931, ông tham gia công tác tuyên truyền cách mạng ở Nam Kỳ, đặc biệt tại Hội An, Nha Trang và Phan Rang. Tháng 4/1931, ông bị mật thám Pháp bắt tại trụ sở Xứ ủy Nam kỳ, giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Sau Cách mạng tháng 8/1945, là cán bộ Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Hà Tĩnh; là một trong những hội viên sáng lập Hội Văn hóa cứu quốc Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Pháp, mệnh danh là “Lê Bá Vè” - một hiện tượng của hát dặm Nghệ Tĩnh.

Ông Trương Hành hay Trương Hiệu (tức Thiệt) quê quán Nha Trang, hoạt động cách mạng sử dụng thẻ bài của người anh ruột Trương Hành. Nên khi mật thám bắt được Trương Hiệu ghi là Trương Hành. Năm 1926, được ông Dương Chước kết nạp vào chi bộ đảng Tân Việt, thuộc nhóm Hòn Khói (Ninh Hòa). Tháng 12/1929 là Tỉnh ủy viên lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng tỉnh Khánh Hòa. Tháng 2/1930 là Tỉnh ủy viên lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, được phân công làm một số công việc của Xứ ủy Nam kỳ đối với các tỉnh “Ngũ Trang” cũ (trong đó có Bình Thuận). Tháng 5/1930, ông vào Phan Rang hoạt động. Tháng 10/1930, tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị đấu tranh nhưng kế hoạch bị lộ, Pháp bắt một số lãnh đạo chủ chốt, ông trốn về Nha Trang. Tháng 11/1930, trước sự truy lùng của Pháp, ông trốn khỏi Nha Trang. Tháng 4/1931, ông bị bắt tại trường học của Đảng ở Sài Gòn, kết án tù khổ sai đày đi Lao Bảo. 

Thay lời kết

Với dấu ấn hết sức quan trọng đối với phong trào cách mạng Bình Thuận những năm 30 thế kỷ XX, nhưng do tư liệu lịch sử, nhân chứng thời kỳ này không còn, nên các tập sử địa phương, Địa chí Bình Thuận…viết về ông Dương Chước rất ít. Do vậy để ghi nhớ, trân trọng công ơn của một nhân vật lịch sử đối với phong trào cách mạng địa phương thì việc tìm hiểu về ông là một trong những nhiệm vụ nên làm của các thế hệ viết lịch sử tỉnh Bình Thuận. Kế thừa kết quả nghiên cứu của những người đi trước, chúng tôi cố gắng lấp dần “khoảng trống lịch sử” xung quanh ông Dương Chước và phát hiện thêm ngoài ông Dương Chước, còn có 2 ông Lê Bá Tuân và Trương Hành từng hoạt động tuyên truyền cách mạng tại phủ Hàm Thuận. Tư liệu mới này góp phần vào việc nghiên cứu, bổ sung làm phong phú hơn phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX.

HÀ NGÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX