Theo dõi trên

Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX

07/03/2020, 08:44 - Lượt đọc: 96

Bài 2: Người truyền lửa cách mạng

Bài 3: Hội Phản đế Đồng minh ở Tam Tân

BT- Đây là tổ chức do thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập tại làng Tam Tân, gồm 30 người, đủ thành phần, từ một số hương chức tiến bộ đến người lao động nghèo bị áp bức, có tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc. Tổ chức này phát triển thêm nhiều hội viên, chia thành các tiểu tổ để bí mật hoạt động. Tuy nhiên qua khảo cứu các sách lịch sử, địa chí viết về sự kiện này thì nhận thấy, có hai quá trình và thời gian thành lập tổ chức. 

                
      
   Cán bộ, viên chức Trường Chính trị Bình    Thuận về thăm di tích Dốc ông Bằng, tháng 2/2020.

Hai quá trình và thời gian thành lập tổ chức 

Một là, khi thầy giáo Ngô Đức Tốn có quan hệ với Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ, chưa trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và Hội Phản đế Đồng minh thành lập vào năm 1929. 

Trong tập Lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân, 1930 - 2005 (xb 2007) viết, đầu năm 1928, Ngô Đức Tốn từ Hà Nội vào Bình Thuận gặp cụ Lê Trọng Thiều. Từ đây kết thân với Lê Trọng Mân (là đảng viên Đảng Tân Việt, con trai cụ Thiều) nên có quan hệ với tổ chức Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ. Sau một năm dạy học tại Tam Tân (tức năm 1929 - Tg), thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập Hội Phản đế Đồng minh.

Hai là, khi thầy giáo Ngô Đức Tốn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và Hội Phản đế Đồng minh thành lập sau năm 1929.

Trong tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, 1930 - 1954 (xb 1996), Địa chí Bình Thuận (xb 2007) thể hiện nội dung cơ bản như nhau. Đầu năm 1930, đảng viên Dương Chước từ Khánh Hòa đến Bình Thuận tuyên truyền và kết nạp một số quần chúng vào Đảng, trong đó có thầy giáo Ngô Đức Tốn. Sau khi tiếp thu chủ nghĩa cộng sản, đảng viên Ngô Đức Tốn về làng Tam Tân, nơi đang dạy học, tập hợp quần chúng tốt trong vùng, lập tổ chức Hội Phản đế Đồng minh. Địa chí Bình Thuận còn cho biết thêm vài thông tin như, trước khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản, Ngô Đức Tốn còn là đảng viên Đảng Tân Việt, do khi vào Bình Thuận, ở nhà cụ Lê Trọng Thiều, kết thân với Lê Trọng Mân (là đảng viên Đảng Tân Việt, con cụ Thiều).

Có thể thấy, thành lập tổ chức Hội Phản đế Đồng minh nhằm tập hợp lực lượng là một trong phương thức, chủ trương hoạt động của Đảng Tân Việt hoặc Đảng Cộng sản Việt Nam. Để qua đó, thầy giáo Ngô Đức Tốn thực hiện theo đường lối hoạt động của một trong hai tổ chức đảng, thành lập Hội Phản đế Đồng minh tại làng Tam Tân. 

Đảng Tân Việt và đường lối hoạt động

Đảng Tân Việt (Tân Việt Cách mạng Đảng) lúc ban đầu là Hội Phục Việt (thành lập năm 1925), sau đó đổi thành Hội Hưng Nam. Tháng 7/1928, đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng do Đào Duy Anh làm Bí thư trưởng. Đảng Tân Việt tập hợp những trí thức và thanh niên tiểu tư sản yêu nước, địa bàn hoạt động chủ yếu ở phạm vi các tỉnh Trung kỳ. Đường lối hoạt động của Đảng Tân Việt ghi rõ trong Đảng chương: “…Cách mạng tôn chỉ: liên hợp cả các đồng chí trong ngoài, trong thì lãnh đạo công nông binh, quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa đặng kiến thiết một xã hội bình đẳng”. Đảng chương Tân Việt quy định về cơ cấu bộ máy, phát triển cơ sở Đảng trong khắp cả nước. Trong toàn bộ Đảng chương của Đảng Tân Việt, không thấy nói đến hình thức tập hợp quần chúng bằng tổ chức gọi là Hội Phản đế Đồng minh.

Như vậy, mặc dù Ngô Đức Tốn có quan hệ với (hoặc là đảng viên) Đảng Tân Việt, thì việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh không phải thực hiện theo đường lối, cương lĩnh Đảng Tân Việt. Phải chăng là từ khi Ngô Đức Tốn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Chủ trương về xây dựng tổ chức Hội Phản đế Đồng minh     

Tên gọi Hội Phản đế Đồng minh (hay Hội Phản đế) xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là tại Hội nghị thành lập Đảng (từ ngày 6/1 đến đầu tháng 2/1930). Tuy đề ra chủ trương thành lập Hội Phản đế, nhưng từ tháng 2/1930 đến tháng 9/1930, Trung ương Đảng tập trung vào việc thành lập, xây dựng bộ máy các Xứ ủy, tổ chức đảng địa phương trong cả nước. Do vậy, việc xây dựng, thành lập Hội Phản đế không được đề cập trong các văn bản chỉ đạo. 

Đến tháng 10/1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông (Trung Quốc), bàn thảo một số nội dung, trong đó ban hành “Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề phản đế”, phân công người phụ trách Hội Phản đế Đồng minh. 

Ngày 18/11/1930, Thường vụ Trung ương Đảng ra “Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh”, hướng dẫn cách thức tổ chức hội trên cơ sở phong trào mạnh, yếu ở các địa phương khác nhau. Nơi nào phong trào đấu tranh mạnh mẽ, có thể thành lập Ban Chấp hành hội, tuyên truyền vận động tầng lớp nhân dân tham gia, quy tụ các tổ chức quần chúng (Nông hội, Công hội, Phụ nữ…). Nơi nào phong trào còn thấp, sử dụng các hình thức tổ chức biến tướng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, sau đó tuyên truyền vận động hướng họ vào con đường cách mạng.

Ngày 9/12/1930, sau khi từ Hồng Kông về đến Sài Gòn, Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư cho các cấp ủy Đảng nhằm thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng; thông báo về việc đổi tên Đảng, phổ biến một số nghị quyết của hội nghị tháng 10/1930, trong đó có chủ trương xây dựng Hội Phản đế Đồng minh.  

Một vài suy nghĩ về tổ chức do thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập 

Từ ngày 9/12/1930, nội dung nghị quyết, chỉ thị về thành lập Hội Phản đế Đồng minh mới bắt đầu được phổ biến trong toàn Đảng. Với điều kiện thông tin liên lạc khó khăn và sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền thực dân lúc bấy giờ; với sự hoạt động trong điều kiện bí mật, nguy hiểm thì các tỉnh ủy, thành ủy lâm thời, tổ chức cộng sản cũng như đảng viên cả nước, trong đó có đảng viên Bình Thuận (Ngô Đức Tốn, Nguyễn Ty, Phan Xích, Trần Hoành…), không thể nhận thông tin từ Trung ương Đảng một cách thuận lợi, nhanh chóng được.

Vậy thì, tổ chức do thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập là Hội Phản đế Đồng minh hay là một tổ chức khác.

Nếu là một tổ chức khác thì đó là tổ chức nào (?) Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hàm Tân, sau một năm dạy học tại Tam Tân, năm 1929, Ngô Đức Tốn có quan hệ với Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ (chưa trở thành đảng viên Đảng Cộng sản), thành lập Hội Phản đế Đồng minh. Nhưng Đảng Tân Việt không có chủ trương thành lập một tổ chức gọi là Hội Phản đế Đồng minh để tập hợp quần chúng. Vậy thì Ngô Đức Tốn, lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng từ đường lối hoạt động của Đảng Tân Việt lập ra tổ chức hơn 30 người, thì tổ chức đó có thể là một Chi bộ Đảng Tân Việt tại Bình Thuận vào năm 1929.

Ngược lại đó là Hội Phản đế Đồng Minh. Nếu theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng thì việc thầy giáo Ngô Đức Tốn thành lập Hội Phản đế Đồng minh tại Tam Tân, thời gian nhanh nhất phải diễn ra vào những ngày cuối tháng 12 năm 1930. Vậy thầy giáo Ngô Đức Tốn tiếp thu nội dung nghị quyết, chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh từ đâu (?) Và vào thời gian nào (?) Đây là các vấn đề gợi mở cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Ngay cả khi từ giữa cuối tháng 7/1930, đảng viên Dương Chước từ Ninh Hòa vào tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản tại phủ Hàm Thuận, kết nạp Ngô Đức Tốn vào Đảng Cộng sản thì chỉ thị, nghị quyết về thành lập Hội Phản đế Đồng minh cũng chưa ra đời và phổ biến trong toàn Đảng. Và thời gian thành lập Hội Phản đế Đồng minh tại Tam Tân liên quan đến thời gian thành lập Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, mà theo các sách lịch sử viết vào cuối năm 1930.

Nghiên cứu sự ra đời của một tổ chức cần nên đặt trong bối cảnh không gian rộng và thời gian dài, cũng như mối quan hệ nhiều chiều của tổ chức đó với các tổ chức khác cùng thời điểm. Cho dù đã làm được như vậy cũng chưa thể nhìn rõ, chính xác hết được những gì đã diễn ra trong lịch sử.  

Hà Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận những năm 30, thế kỷ XX