Theo dõi trên

Quản sinh, nghề mới ở Phan Thiết

12/09/2017, 09:23

BT- Khi các trường nội trú ra đời thì trên địa bàn TP. Phan Thiết mấy năm qua cũng xuất hiện một nghề mới: Quản sinh (hay còn gọi là quản nhiệm).

                
Cô giáo quản sinh (áo khoác jean) hỏi thăm    các em về bữa ăn chiều.

Môi trường nội trú thường được ví với môi trường quân đội bởi tính kỷ luật bao trùm các hoạt động học, ăn, ngủ, sinh hoạt khác… của học sinh và đội ngũ quản sinh   giám sát việc thực hiện tốt việc duy trì nề nếp, kỷ cương đó. Theo thầy Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Lê Quý Đôn Phan Thiết (gọi tắt là Trường Lê Quý Đôn), dù là quản sinh bán trú hay nội trú đều đòi hỏi người theo nghề phải hết lòng gắn bó với học sinh trong suốt thời gian các em ở trường.

Thầy Phan Văn Lương (SN 1993), quản sinh trẻ tuổi nhất của Trường Lê Quý Đôn - Phan Thiết cho biết, dù mới làm công việc mới mẻ này khoảng 1 năm nay nhưng anh cảm thấy rất yêu thích và muốn gắn bó dài lâu bởi sự đồng cảm giữa anh, một người xa quê Bắc Bình và các em cũng phải xa gia đình ở nội trú.

Ngoại trừ giờ lên tiết, một ngày làm việc của thầy Lương và 6 quản sinh khác bắt đầu từ việc đánh thức các em dậy vào lúc 5 giờ 15 sáng và lên giường ngủ lúc hơn 21 giờ, sau các em vài phút. Trong vòng tròn thời gian ấy, quản sinh cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong học tập, đời thường của các em. Nữ sinh có cô quản sinh, thầy quản sinh phụ trách nam sinh nên trong suốt thời gian nội trú, các em thường xem thầy, cô quản sinh gần gũi, gắn bó, yêu thương. Khi các em học, quản sinh có mặt ở hành lang để giữ nề nếp và cùng giáo viên xử lý tình huống khi cần. Khi ăn, quản sinh phụ phát cơm và hỏi thăm món ăn có hợp khẩu vị, nhắc nhở nếu các em không ăn hết khẩu phần, thức ăn có gây dị ứng... Chiều ra sân, thầy trò cùng vận động, đá bóng, đá cầu hoặc bóng chuyền… Tối theo các em lên lớp kiểm tra, giám sát việc học bài, chuẩn bị bài cho ngày mai. Trước giờ ngủ, dành ra một khoảng thời gian trò chuyện về những vướng mắc trong giờ lên lớp hoặc chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nghe các em tâm sự về hoàn cảnh và đưa ra lời khuyên… Nửa khuya, quản sinh cũng đôi lần trở dậy rảo quanh phòng xem em nào chưa đắp chăn, giảm bớt máy lạnh, các em đau bụng, nhức đầu…đã có tủ thuốc trong phòng ngủ, nếu thiếu, quản sinh sẽ ra ngoài mua bằng tiền túi bất kể đêm hôm…Thầy Lương kể, có trường hợp học sinh không thở được, dù đang dạy, thầy vẫn bỏ lớp để đưa đi cấp cứu và chỉ trở lại trường khi người thân của em ở Hàm Tân ra. Khi cần thiết hoặc nghỉ cuối tuần, học sinh có thể mượn điện thoại của quản sinh để liên lạc với gia đình…

Theo cô Nguyễn Thị Oanh, tổng quản sinh Trường Lê Quý Đôn, 3 năm kinh nghiệm giúp cô nhìn qua đã biết các em đang “cảm” nhau, đang có chuyện buồn, bức xúc… để tiếp cận ngay, nghe các em tâm sự và có hướng xử lý… Vài em “cá biệt” cũng được quản sinh, giáo viên, nhà trường theo sát hơn để khuyên nhủ, uốn nắn…Vì vậy, có thể nói quản sinh làm thay công việc của giáo viên chủ nhiệm,  bảo mẫu, y tá  và là bạn, là người thân của học sinh. Em Phan Hồng Minh, học sinh lớp 6, đã bày tỏ tình cảm đã dành cho thầy Lương: “Em xem thầy như bố vì thầy luôn gần gũi, bảo ban, dạy dỗ những điều em chưa biết, sửa lỗi cho em chứ không hề trách mắng”.

Lịch làm việc bận rộn suốt ngày cộng với những áp lực trong nghề như quán xuyến, chịu trách nhiệm về học lực, đạo đức, sức khỏe của học sinh, xử lý các xích mích tuổi mới lớn, tư vấn các vấn đề tâm lý, tình cảm, gia đình, làm cầu nối giữa nhà trường, giữa các em với phụ huynh... khiến nghề quản sinh khá kén nhân lực. Có những việc các em không hề hé miệng với gia đình, nhưng lại có thể trang trải nỗi lòng với quản sinh. “Nếu không có một tấm lòng, sự đồng cảm và yêu thương thì không thể bám nghề”, cô Oanh nói.

Có thể nói hiện nay, không nhiều người hiểu hết những sự tận tụy, bền bỉ, yêu thương của quản sinh sau cánh cổng trường nội trú. Nhiều học sinh khi đã rời trường hàng năm vẫn quay về tặng bó hoa hay món quà tri ân, hoặc đôi khi chỉ là những bàn tay nắm chặt và giọt nước mắt tận đáy lòng. Và do vậy, với quản sinh, với học sinh, mái trường nội trú mãi là tổ ấm của một thời.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản sinh, nghề mới ở Phan Thiết