Theo dõi trên

Quan tâm toàn diện cho người khuyết tật

16/11/2018, 09:23

BTO- Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận khi tham gia thảo luận về Luật Giáo dục vào sáng ngày 15/11, tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV.

Nên có trường cho người khuyết tật

Dự thảo luật đã có những qui định ưu tiên tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, vẫn còn những điều khoản chung chung, chưa được thể hiện đầy đủ và hợp lý. Để bảo đảm một hệ thống giáo dục hoà nhập và không phân biệt đối xử, đại biểu Phúc đề nghị trong qui định về ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục cần bổ sung một khoản quy định về ngôn ngữ cho người khuyết tật (cụ thể là chữ nổi cho người khiếm thị và thủ ngữ cho người khiếm thính). Đây là yếu tố then chốt nhằm hỗ trợ việc hòa nhập cộng đồng và loại bớt rào cản cho người khuyết tật.

Tương tự, quy định về giáo dục hòa nhập cho đối tượng yếu thế còn thể hiện chung chung, các điều kiện đảm bảo cho việc hòa nhập chưa cụ thể. Vì vậy, đại biểu Phúc cũng đề nghị cần bổ sung qui định về các điều kiện bảo đảm cho việc giáo dục hòa nhập và bổ sung thêm đối tượng là người khuyết tật. Có như thế, quyền bình đẳng trong học tập của người khuyết tật mới nhận được sự quan tâm, chăm lo toàn diện của Nhà nước.

Về "Trường, lớp dành cho người khuyết tật", dự thảo luật có qui định: "Nhà nước thành lập và khuyến khích lập trường, trung tâm dành cho người khuyết tật". Đại biểu Phúc cho rằng qui định này tính khả thi không cao. Hiến pháp nước CHXHCNVN đã qui định: "Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo trường lớp cho học sinh học tập", đặc biệt ở nội dung này qui định trường lớp dành cho người khuyết tật mà sử dụng từ "khuyến khích" là không phù hợp. Vì vậy không nên dùng từ "khuyến khích" và chỉ quy định: "Nhà nước thành lập trường, trung tâm dành cho người khuyết tật". Đồng thời, đối với các tỉnh hoặc khu vực tập trung nhiều người khuyết tật cần thành lập trường cho người khuyết tật để người khuyết tật có thể tham gia vào hệ thống giáo dục công.

Về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, ngoài những quy định linh hoạt mà dự thảo luật đã nêu như: "Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt... UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử và kinh tế - xã hội của địa phương" là phù hợp, tạo tính chủ động cho các địa phương. Tuy nhiên, để tránh việc quá tải trong chương trình dạy và học, đảm bảo sự cân đối, thống nhất và hài hòa trong cả nước, đại biểu Phúc đề nghị cần phải qui định cụ thể vào dự thảo luật hàm lượng, dung lượng nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội của địa phương biên soạn. Mặc khác, để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất trong quá trình thực hiện “…xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”, Ban soạn thảo cần nghiên cứu có qui định cụ thể về: Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục; Qui định rõ về việc thành lập, hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh và qui trình thẩm định...

Không phải lúc nào cũng vào cơ quan nhà nước

Đối với qui định: "Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học ... nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này", đại biểu Phúc cho rằng qui định như thế là không phù hợp, là vô tình định hướng cho các cháu đi học về để làm cán bộ cho các vùng này. Theo đại biểu Phúc, mỗi người hãy tìm cho mình những công việc, việc làm chính đáng, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Đi học về không có nghĩa là phải làm trong cơ quan nhà nước mà có thể làm trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, công xưởng, nhà máy, thậm chí có cháu còn có thể tự tạo việc làm cho mình, tự thành lập doanh nghiệp, trang trại giải quyết được nhiều việc làm cho địa phương. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh quy định nói trên theo hướng: "Nhà nước thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học ... nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng này".

Về các hành vi người học không được làm, dự thảo luật qui định chưa chặt chẽ, nhiều nội dung mà cử tri quan tâm chưa được qui định vào trong luật như: "Người học không được sử dụng các chất kích thích khác (như ma túy)", "Người học không được lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi trụy; chơi các trò chơi mang tính kích động, bạo lực và tham gia các tệ nạn xã hội, Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm nghiên cứu bổ sung.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan tâm toàn diện cho người khuyết tật