Theo dõi trên

Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

26/09/2019, 17:10

BT- Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định gồm 4 chương, 15 điều, nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền.

6 hành vi chạy chức, chạy quyền

Điều 10 của quy định đã miêu tả chi tiết 6 hành vi chạy chức, chạy quyền.

Thứ nhất, tiếp cận, thiết lập quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi mong muốn.

Thứ hai, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, các cơ hội để sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Thứ ba, lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ mong muốn.

Thứ tư, lợi dụng việc nắm bắt thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

Thứ năm, dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi mình mong muốn.

Thứ sáu, các hành vi không chính đáng khác để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi mong muốn. 

8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

Đó là che giấu, không báo cáo hoặc không xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền.

Không xử lý theo thẩm quyền, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn thư, phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây sức ép người khác để tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

Xác nhận, chứng thực không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển để có lợi cho nhân sự.

Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi, hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình.

Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ.

Hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền.

Quy định cũng nêu các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền khác mà chưa có trong quy định này nếu xảy ra thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, xác định.

Quy định mới cũng quy định rất rõ người làm công tác cán bộ và nhân sự liên quan nếu có hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lý rất nghiêm. 

Nhẹ thì chấm dứt hợp đồng, nặng thì truy cứu hình sự

Cán bộ, đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý, nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính nội bộ.

1. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

a) Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

b) Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

c) Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

H.L(giới thiệu)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền