Theo dõi trên

Rừng Tà Cú liên tục bị tàn phá

18/10/2018, 15:10 - Lượt đọc: 24

BTO- Trong khi vụ phá rừng để chiếm đất trồng thanh long ở tiểu khu 302Achưa được xử lý dứt điểm,thì những ngày gần đây rừngtại tiểu khu 299, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cũng bị tàn phá…

1 cây gỗ xay bị cưa hạ ở láng Cỏ Nổ

Nhiều cây gỗ bị triệt hạ

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm trên địa bàn các xã: Hàm Minh, Hàm Cường, Tân Thành, Thuận Quý, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam). Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng chỉ trong vòng 1 tháng qua, nhiều cây gỗ trong rừng đã bị đầu độc, triệt hạ không thương tiếc.

Tại khu vực láng Cỏ Nổ, láng Mả và Núi Đất (nằm trên địa bàn xã Tân Thuận) thuộc Khu BTTN Tà Cú, có hàng chục cây gỗ đường kính bình quân từ 10 - 40 cm đã bị các đối tượng dùng cưa máy, rựa để triệt hạ nằm ngổn ngang. Cạnh đó, hàng loạt cây rừng cũng bị đối tượng chặt gốc, sau đó bơm hóa chất vào vết chặt để cây ngấm thuốc chết dần.

Quan sát dấu vết tại hiện trường có thể khẳng định, không ít cây trong rừng mới bị cưa hạ trong khoảng 2 tuần. Khi vào sâu bên trong, chúng tôi còn phát hiện một cây gỗ xay có đường kính khoảng 60cm cũng bị đốn hạ. Đáng lưu ý là cây xay này mới bị cưa hạ, nhựa cây vẫn còn, lá mới héo.

Thống kê ban đầu cho thấy, tổng diện tích rừng trong khu bảo tồn bị phá khoảng 1,2 ha, trên tiểu khu 302A và 299. Loại cây bị đầu độc, đốn hạ phần lớn là dầu, trâm, săng mã, sến. Việc phá rừng chủ yếu để chiếm đất trồng thanh long.


Ngày 17/10, sau khi kiểm tra thực tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định đây là vụ phá rừng quy mô, có tổ chức, do đó đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam khẩn trương phối hợp với Công an huyện và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án theo quy định.

“Điểm nóng” 302A

Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Hàm Thuận Nam đã phát hiện, xử lý 17 vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép và 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Riêng tại tiểu khu 302A, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm lâm luật trong đó có 3 vụ phá rừng với diện tích 0,52 ha, 5 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, với diện tích 2,82 ha. Tại đây hàng chục cây rừng đã bị chặt hạ, đục lỗ vàbơm hóa chất làm cây chết hàng loạt. 

Được biết, tại tiểu khu này tháng 11/2017 cũng xảy ra tình trạng phá rừng trên quy mô lớn. Cụ thể, tại khu vực 1, diện tích rừng bị phá là 1.690m2, có 48 cây đường kính từ 10 – 17 cm bị đốn hạ, khối lượng lâm sản bị thiệt hại ước khoảng 0,391 m3. Tại khu vực 2, diện tích bị phá là 1.656 m2, có 80 cây bị chặt hạ, hầu hết là gỗ sến, khối lượng lâm sản thiệt hại là 0,671 m3… Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định đối tượng phá rừng để xử lý.

Từ đó cho thấy, tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú diễn ra phức tạp, trong đó tiểu khu 302A là “điểm nóng” kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng trên, Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, sớm xác định đối tượng cầm đầu phá rừng, lấn chiếm đất trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng Tà Cú liên tục bị tàn phá