Theo dõi trên

Sao Ba Chín Chiều ký sự

16/06/2017, 09:28

BT- Trạm chịu trách nhiệm bảo vệ cả khu rừng thuộc lòng chảo Sao Ba Chín Chiều là nơi có diện tích rừng lớn của tỉnh Bình Thuận, thuộc xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Nam. Lòng chảo này giáp ranh với vùng núi Ông, Tánh Linh và giáp với Hàm Thuận Bắc. Một bình trà của một anh nhân viên trạm vừa bưng lên làm ấm lòng những người vừa đi qua một chặng đường khá xa.

                
Trạm bảo vệ rừng.

 Sao Ba Chín Chiều

Trong lúc uống trà chúng tôi bàn luận về địa danh Sao Ba Chín Chiều. Tôi đọc câu ca dao:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Và gợi lên một hướng giải thích:

- Theo tôi, chữ “chín chiều” trong địa danh này có gì đó mang nặng nỗi niềm. Chín chiều tức rất nhiều chiều, kiểu như cách nói ước lệ “trăm năm” không hẳn là 100 năm. Nếu chín chiều là chín bề, chín nấc ruột như trong câu ca dao trên thì hiểu rằng rất nhiều buổi chiều đau, rất nhiều buổi chiều lo lắng. Vùng đất này có quá nhiều sự nguy hiểm, nơi đây đã tạo ra nhiều bề lo lắng, chẳng hạn thú dữ, lạc lối, những cơn mưa rừng kinh khủng, loài muỗi gây sốt ác tính... Cũng có thể hiểu là người thân đi đến đây thì kẻ ở nhà cháy ruột cháy gan trông ngóng, lo lắng. Thậm chí có thể nơi đây thường bị địch phục kích (chưa có ai xác nhận được địa danh Sao Ba Chín Chiều có từ thời nào, mà vùng đất này trước đây chỉ người Rai sinh sống nên tôi giả thiết thì cái tên Việt như vậy có thể xuất phát từ những người kháng chiến).

Một anh kiểm lâm tham gia:

- Nếu hiểu chữ “chiều” là buổi chiều thì cụm danh từ này chứa bên trong nó cả câu chuyện buồn thương ngóng đợi của ai đó. Một cách hiểu khác, “chiều” là chiều hướng thì diễn giải như sau: Nơi có cây sao ba chạc này đã gây nên cho người đi rừng sự bối rối trong việc chọn lựa đường đi giữa chín hướng (nhiều hướng).

Một nhân viên bảo vệ nãy giờ im lặng nghe những phân tích, giả thiết có vẻ ngẫu hứng của chúng tôi rồi thong thả nói: Tôi chỉ hiểu nôm na như đúng lời ăn tiếng nói mộc mạc của người dân: “Ba sao” tức vùng đất này có cây sao ba chạc rất lớn, “chín chiều” tức chín chiều đi lại dọc ngang, lên xuống uốn lượn rối mù lên.

“Thì tôi cũng chấp nhận đó là một cách giải thích”, tôi gật đầu với anh nhân viên bảo vệ rừng...

Câu chuyện lý giải tên lòng chảo Ba Sao Chín Chiều dừng lại ở đó vì người Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo vừa về tới. Anh tên Lê Văn Tâm, người có thâm niên nằm ở trạm này từ năm 2012 đến nay. Tâm bắt tay chúng tôi rồi với lên chiếc hộp nhựa treo trên tường lấy chiếc điện thoại đi nhanh ra bìa rừng. Chúng tôi thấy ngạc nhiên sao anh cứ cầm chiếc điện thoại huơ huơ mãi phía bìa rừng. Một lúc lâu sau mới nói chuyện được với ai đó. Tôi nghĩ có thể Tâm đang xin ý kiến lãnh đạo cấp trên mình. Sau vụ bắt và khởi tố ông Ngô Văn Phong, Phó giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam và Trần Hải Dương, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét nên việc tiếp nhà báo không được tự ý, có lẽ vậy. Tâm quay trở vào giải thích: “Ở đây là lòng chảo nên muốn gọi điện thoại phải đi tìm sóng, có khi hút hết điếu thuốc vẫn tìm sóng chưa ra”. Tôi nói ngay để Tâm yên lòng: “Những hy sinh thầm lặng của các anh nơi heo hút rừng núi này là sự thật thì việc chúng tôi nối kết các anh với bạn đọc là chuyện nên làm, đừng nghĩ ngợi gì cả. Những người làm nên tội thì cũng đã bị luật pháp trừng trị, còn những người có công phải được tôn vinh hoặc chí ít cũng là những sẻ chia giữa con người với nhau, như thế mới công tâm chứ”.

Tâm khỏe mạnh, người phương phi nhưng lời ăn tiếng nói lại rất mềm mỏng, nhỏ nhẹ. Tâm cho biết cả 6 anh em nằm ở trạm này đều đã trải qua những cơn sốt ác tính kinh người, riêng bản thân anh có một lần nếu không kịp nhập viện, trễ vài giờ nữa thôi thì chuyện tử vong là đương nhiên. “Lòng chảo Sao Ba Chín Chiều này là ổ sốt ác tính mà”.

Anh dẫn chúng tôi ra phía sau trạm để khoe anh em đã nuôi được 6 con heo và mấy con gà để cải thiện đời sống. Ở nơi rừng núi thế này chỉ lấy việc chăm sóc heo gà làm vui, lãng mạn hơn chút nữa thì chăm mấy giò lan rừng tìm được lúc đi tuần hoặc dùng điện thoại chụp hình cây cỏ, sông suối... Tâm nói: “Cũng hơn 5 năm rồi tôi chưa được xem bộ phim hay trận bóng đá nào, thèm lắm chớ nhưng biết làm sao được”. Tôi nhìn vào trong trạm, 6 chiếc võng móc đan chéo, xen làm hai tầng do diện tích phòng quá hẹp để gọi là đủ chỗ ngủ cho 6 người. Anh Tâm nhỏ nhẹ tâm sự: “Thường đi tuần về mệt có sẵn chiếc võng lăn ra là sướng lắm rồi nên cũng ít khi có cảm giác chật chội. Ở đây, ngán nhất là đi tuần đêm mà bị mắc mưa, những cơn mưa rừng ở lòng chảo này kinh lắm, cứ như trời sập xuống vậy, nước trút ầm ào từ trên xuống, nước cuồn cuộn chảy giật dưới chân. Những lúc như vậy mà về được đến trạm an toàn là mừng rồi. Các anh biết đó, Sao Ba Chín Chiều mà, các ngã đường trong rừng này nếu không rành sẽ lạc đường ngay, khi không mưa mà đi cả buổi còn thấy mình quay lại chính nơi xuất phát huống chi là mưa đen trời đen đất như  vậy”.

Khi được hỏi lương một trưởng trạm ở trong rừng già như thế này có đủ sống không, anh gật đầu: “Mình nghĩ đủ là đủ. Phụ cấp khu vực 0,4%, lương cơ bản 3.66, nếu tính hết cũng được hơn 5 triệu đồng một chút”.

Cứ một tuần Tâm được về nhà một lần, Trạm phó Nguyễn Ngọc Thơm sẽ thay anh. Nhà Tâm ở phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết. Anh tâm sự: “Đời sống xa vợ xa con phần mình cũng vất vả nhưng thương nhất là bà xã, vừa làm việc cơ quan vừa phải một tay cáng đáng hết mọi việc gia đình, chở hai con đi học, con bệnh con đau nửa đêm nửa hôm... Bà xã tên Lê Thị Bảo Phương... may là gặp người “tư tưởng” vững vàng không thì cũng mệt. Gia đình vắng người đàn ông nên vợ ở nhà cực lắm...”.

 Trạm “tiền tiêu” nhưng không đơn độc

Thường nếu gặp sự cố, chẳng hạn gặp một đám lâm tặc quá hung hãn thì sự phối hợp với các trạm ở đây, kể cả với lực lượng ứng phó nhanh là rất kịp thời, ăn ý và đã từng tóm bắt, phá tan nhiều đợt thâm nhập rừng của lâm tặc. Tuy nhiên đã nói tới lâm tặc là nói đến những gian giảo, tinh khôn và cả sự táo tợn nữa, nếu trong tình thế lực lượng không cân xứng thì phải dùng  mưu trí mới thoát chết mà vẫn ngăn được lâm tặc phá rừng. Một trận đối mặt với lâm tặc gần đây, diễn ra từ 23 giờ đến 0 giờ, thứ năm, ngày 25/5/2017, là minh chứng.

... “Lúc bấy giờ, đội tuần tra của mình có 5 người đang bám sát truy lùng một chiếc xe không biển số chở máy cưa chuyên dụng vào rừng lúc nửa đêm. Đến đoạn rừng rậm thì tên lâm tặc táo tợn này giấu xe, mang máy cưa “biến mất”. Với quyết tâm rất cao, đội tuần tra lần dò theo từng dấu vết để truy hắn cho bằng được. Vào giữa rừng sâu, khoảng hơn nửa giờ lần dò theo, khi chuẩn bị tiếp cận đối tượng thì tình thế lại lật ngược một cách bất ngờ. Hơn 10 tên lâm tặc đã ém sẵn trong rừng phục ngược lại đội tuần tra. Đột ngột bọn này xuất hiện bao vây đội tuần tra ở giữa, trên tay chúng lăm lăm những cây rựa rất bén và một tên cầm một can xăng lớn. Tên lâm tặc đầu têu đứng ra vỗ ngực tuyên bố: “Hôm nay, bọn tao sẽ đốt, giết hết tụi mày, dọn luôn cái trạm Cầu Treo”.

Nhận thấy lực lượng không cân xứng mà vũ khí chỉ là mấy cây súng bắn cay tầm hiệu quả chỉ hơn mét, Trạm trưởng Tâm sau khi thuyết phục không được thì ra hiệu phá vòng vây. Bọn lâm tặc vừa rượt theo vừa hô to “chém, chém!”.

Khi ra tới đường nhựa, chỗ có sóng điện thoại, đội tuần tra quay lại giáp mặt với chúng. Cùng lúc, Tâm gọi báo cho Trạm Sông Móng - Ca Pét, báo cho Trạm Đèo Nam và báo cho cả Công an xã Mỹ Thạnh. Cả đội ra sức vừa thuyết phục vừa cố tình kéo dài thời gian chờ lực lượng tiếp viện đến”- Trạm trưởng Tâm kể.

Nhân viên bảo vệ Thanh đang ngồi trên xe thì bị một tên bất ngờ nhào tới chém bổ vào người, may mà Thanh kịp rồ máy phóng lên, nguyên lưỡi rựa chém mạnh xuống bể toác đuôi xe. Thanh thoát chết trong gang tấc. Tên cầm can xăng bất ngờ mở nắp nhào đến đổ xăng lên khắp người Trạm trưởng Tâm, nhân viên Thanh và các thành viên khác. Tên đầu têu cầm chiếc quẹt đưa lên, hắn gầm từng tiếng một: “Nghe đây! Chỉ cần một thằng nào nổ súng, bọn tao sẽ đốt, chém, giết sạch. Đốt, chém, giết sạch!” Cả bọn nhao nhao đưa rựa lên và nói hùa theo.

Đám lâm tặc càng lúc càng hung hãn. Chúng bắt đầu cầm rựa mang xăng lên xe vừa nẹt ga vừa chạy về phía trạm với tuyên bố sẽ đốt sạch Trạm Cầu Treo. Thấy tình hình quá nguy hiểm vì lúc bấy giờ ở trạm chỉ có một nhân viên trực nên Tâm quyết định gọi báo cho Tổ kiểm lâm cơ động số 2.

Chúng đang đổ xăng quanh trạm định đốt thì tổ kiểm lâm cơ động lên tới, các trạm phối hợp cũng đến nơi. Thấy tình thế bất lợi, cả bọn cắt đường tắt chạy về hướng thôn 3, xã Mỹ Thạnh. Rượt theo, lực lượng bắt giữ được một xe và một máy cưa chuyên dụng. Tất cả bọn chúng đều tẩu thoát.

Cùng với Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, Trạm bảo vệ rừng Cầu Treo là hai trạm “tiền tiêu” coi giữ rừng trong lòng chảo Sao Ba Chín Chiều. Các thành viên ở đây thường xuyên đối mặt với các mối nguy hiểm đến từ nhiều phía: Từ lâm tặc, từ những cơn sốt ác tính và cả từ chính mình, nếu không vững vàng thì sự cám dỗ của đồng tiền sẽ nhanh chóng biến một nhân viên bảo vệ rừng trở thành tội phạm.

Nghĩ vậy nên tôi nói vui với một anh bạn kiểm lâm: Nếu hiểu “chín chiều” trong Ba Sao Chín Chiều là chín bề gian khổ, là nhiều bề thiệt thòi, là trăm bề hiểm nguy thì xét thấy đúng tâm trạng, đúng đời sống, đúng nhiệm vụ của mấy anh bảo vệ rừng ở đây. Chúng tôi cùng cười, tiếng cười vang xa, sẻ chia…

Ký: Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao Ba Chín Chiều ký sự