Theo dõi trên

Sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển

12/09/2019, 16:23

BT- Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của địa phương. Đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

                
      
Sáp nhập xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí    Cửa, huyện Tuy Phong để thành lập thị trấn Phan Rí Cửa mới. Ảnh: Đ.H

 Từ yếu tố xã hội

Như chúng ta đã biết, tỉnh Bình Thuận tái lập từ tháng 12/1991, khi mới tái lập có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 109 đơn vị hành chính cấp xã. Từ năm 1992 đến nay tỉnh đã thành lập thêm 1 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã La Gi trên cơ sở chia tách một phần diện tích và dân số của huyện Hàm Tân, nâng cấp thị xã Phan Thiết thành TP. Phan Thiết. Đồng thời tỉnh cũng chia tách, thành lập thêm 18 đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở chia tách một phần diện tích và dân số của các xã để thành lập xã, phường, thị trấn mới.

Việc chia tách, thành lập và nâng cấp một số đơn vị hành chính đã đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội ở những nơi có diện tích tự nhiên quá rộng, địa hình bị chia cắt, khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước và phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế ở những vùng di dân, định canh, định cư, vùng kinh tế mới. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị hành chính đô thị cũng được thành lập để xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp với quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn, tạo động lực phát triển, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Một số đơn vị hành chính được thành lập mới đã có sự phát triển về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền gần gũi dân hơn, đời sống của người dân được đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, việc chia tách, hình thành một số đơn vị  hành chính cấp xã phần lớn là theo yếu tố xã hội, chưa xem xét cụ thể các tiêu chí về diện tích, dân số, một số đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên quá lớn nhưng quy mô dân số rất ít như xã Phan Dũng, Phan Lâm và Mỹ Thạnh. Một số đơn vị hành chính thì có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn như thị trấn Phan Rí Cửa, phường Đức Nghĩa, Lạc Đạo và Đức Thắng. Toàn tỉnh hiện có 4/10 đơn vị hành chính cấp huyện và 64/127 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định, trong đó có những đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn dân số hoặc diện tích tự nhiên. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính đã dẫn đến bộ máy cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng số lượng người làm việc trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, tăng ngân sách xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm thiết bị, tăng chi hoạt động thường xuyên, bộ máy hành chính Nhà nước cồng kềnh, phân tán nguồn lực đầu tư, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

 Tinh gọn  bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Từ thực tế đó, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017, của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó xác định: “Đến năm 2021, sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; từ năm 2021 đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định”… Theo đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của địa phương. Đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi rà soát, đánh giá hiện trạng các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh, đồng thời đối chiếu với quy định, trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đề nghị sẽ giữ nguyên hiện trạng các đơn vị hành chính cấp huyện. Như vậy, ở cấp huyện sẽ giữ nguyên hiện trạng là 10 đơn vị hành chính ổn định từ năm 2005 đến nay. Thực hiện sáp nhập 6 đơn vị hành chính thành 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm 5 xã và 1 thị trấn. Cụ thể là sáp nhập xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong để thành lập thị trấn Phan Rí Cửa mới. Sáp nhập xã Đức Tân và Măng Tố, huyện Tánh Linh để thành lập xã Măng Tố mới. Sáp nhập xã Nam Chính và Đức Chính, huyện Đức Linh để thành lập xã Nam Chính mới. Dự kiến sau khi sắp xếp, tỉnh Bình Thuận có 124 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 93 xã, 19 phường và 12 thị trấn. Trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Bình Thuận sẽ giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm xã Hòa Phú, Đức Tân và Nam Chính.

Điều đáng nói ở đây là sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã như trên đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng nền kinh tế phát triển, dịch vụ hạ tầng tốt, chất lượng sống đô thị và nông thôn cao. Duy trì và bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Có đủ tiềm năng về không gian và vật chất, lấy ngư nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và tiểu thủ công nghiệp làm động lực phát triển chính. Tập trung đầu tư cho ngành khai thác, chế biến đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, gắn với giải quyết việc làm. Tranh thủ sự quan tâm của các cấp, các ngành xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tập trung công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm trong công việc, luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển