Theo dõi trên

Sẽ khởi công công trình nhà hát vào đầu năm 2019

10/12/2018, 08:12

BT- LTS: Công trình nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận (Nhà hát) đang được báo chí và dư luận nhân dân quan tâm. Phóng viênbáo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VHTTDL (đơn vị chủ đầu tư) về công trình này.

Phóng viên: Là đại diện đơn vị chủ đầu tư, ông có thể cho bạn đọc biết đôi nét về công trình sắp xây dựng này?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công trình nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bình Thuận là công trình văn hóa rất cần thiết và quan trọng đối với tỉnh nhà. Sau khi công trình nhà hát cũ được đập bỏ do đã xuống cấp, không còn bảo đảm an toàn để phục vụ cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, lãnh đạo tỉnh đã cho chủ trương đầu tư xây dựng công trình mới, và ngày 26/02/2007, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 544/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn này do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn và cần tập trung để thực hiện những công trình, phần việc bức xúc khác, nên dự án chưa được cân đối vốn để triển khai thi công.

Thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, Công trình nhà hát và triển lãm VHNT tỉnh Bình Thuận cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật đầu tư công và Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012 - 2020. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở kế thừa dự án được phê duyệt trước đây.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thỏa thuận chủ trương đầu tư, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thỏa thuận về nguồn vốn đầu tư, ngày 4/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 604/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư Công trình nhà hát và triển lãm VHNT tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư 200.012 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 50.012 triệu đồng, vốn Trung ương hỗ trợ 150.000 triệu đồng. Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Viện Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Xây dựng về thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình, ngày 12/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 3563/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình; Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục công trình.

Theo bản vẽ thiết kế thi công, đây là một công trình đa chức năng. Cụ thể, khán phòng nhà hát có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, đảm bảo tổ chức các sự kiện VHNT mang tầm quốc gia; không gian trưng bày triển lãm trong nhà 3.500 m2 và bên ngoài 9.000 m2, đảm bảo tổ chức các sự kiện trưng bày triển lãm lớn; ngoài ra còn có các hạng mục với công năng phòng hội thảo, các lớp năng khiếu, các sinh hoạt VHNT; quảng trường phía trước nhà hát với sảnh công trình được tận dụng làm sân khấu ngoài trời kết hợp với đường Nguyễn Tất Thành để tổ chức các sự kiện chính trị của tỉnh.

Công trình nhà hát và triển lãm VHNT tỉnh Bình Thuận đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị chặt chẽ về mặt hồ sơ, bảo đảm đầy đủ thủ tục quy định, đủ điều kiện để đấu thầu và tổ chức thi công các hạng mục. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuẩn bị cho công tác đấu thầu, công trình này nhận được sự quan tâm của một số cơ quan báo chí và dư luận xã hội, nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp thông tin rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan và những người có chuyên môn. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lắp đặt pano giới thiệu về công trình tại vị trí xây dựng và đăng bài thông tin trên Báo Bình Thuận, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử của Sở VHTT&DL để lấy ý kiến công chúng (thời gian đăng tải đến nay hơn 45 ngày tính từ ngày 30/9/2018); đồng thời gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, những người có chuyên môn. Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trên các phương tiện truyền thông, trang mạng Facebook, cũng như ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng vị trí xây dựng nhà hát là quá nhỏ hẹp, cần tìm vị trí tương xứng hơn như đưa xuống khu vực Đồi Dương, hoặc đường Hùng Vương... Ý kiến Sở VHTTDL như thế nào?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Vị trí xây dựng nhà hát hiện nay là khu đất trống, cũng là vị trí nhà hát ngoài trời trước đây đã phá dỡ, nên không phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, vị trí này phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Phan Thiết. Diện tích sử dụng đất 13.080 m2, đảm bảo theotiêu chí tại Thông tư 01/2017/TT-BTNMT ngày 9/2/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định định mức sử dụng đất xây dựng cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục và TDTT (công trình nhà hát cấp tỉnh là từ 1-2 ha). Trong đó, diện tích xây dựng chiếm đất của các hạng mục 4.040 m2, mật độ xây dựng khoảng 30,9% đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2014/BXD. 4 mặt khu đất đều tiếp giáp với 4 tuyến đường giao thông, kết hợp với việc điều chỉnh thiết kế cổng tường rào mặt trước (phía đường Nguyễn Tất Thành) thành hàng rào di động, sẽ giải quyết được vấn đề lưu thông của các phương tiện, cũng như không gian tổ chức sự kiện lớn của tỉnh. Đặc biệt, 2 đầu trục đường Nguyễn Tất Thành là trục đường Lê Duẩn và Tôn Đức Thắng, đây là 2 đường kết nối giao thông chính vào trung tâm thành phố nên rất thuận lợi về phương án kết nối giao thông.

Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Bình Thuận cũng cho rằng: Vị trí xây dựng công trình là phù hợp với quy hoạch chung của thành phố Phan Thiết. Đặc biệt vị trí xây dựng nhà hát là đất sạch, không vướng đền bù giải tỏa và có 4 mặt tiếp giáp với đường giao thông, trong đó có đường Nguyễn Tất Thành là một đường lớn và đẹp nhất của thành phố Phan Thiết.

Do vậy, vị trí đã chọn là hoàn toàn phù hợp cả trước mắt và lâu dài, theo quy hoạch chung của thành phố Phan Thiết qua các thời kỳ đều xác định vị trí này là công trình nhà hát, quy mô diện tích cũng phù hợp, giao thông thuận lợi.

Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng công trình nhà hát 200 tỷ đồng mà sử dụng tấm lợp mái bằng tôn đóng vít liệu có phù hợp?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Đối với vật liệu mái, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ và có so sánh với các vật liệu khác. Hiện nay không có loại vật liệu nhẹ nào khác có thể thay thế đảm bảo đồng thời các yếu tố bền, kinh tế, tải trọng nhẹ như tấm lợp tôn. Các công trình quan trọng quốc gia như sân bay, nhà hát, nhà thi đấu ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc đều sử dụng loại vật liệu này (vật liệu mái theo thiết kế là tôn mạ lạnh màu, không đóng vít trực tiếp vào tôn và có lớp cách âm, cách nhiệt).

Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Bình Thuận cũng thống nhất cao phương án kiến trúc và phương án mái của công trình. Theo Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng, hệ mái có kết cấu giàn thép không gian hiện đại và bền vững ổn định, cùng với hệ mái tôn nhẹ bên trên (có các lớp chống ồn, cách nhiệt) sẽ đảm bảo khả năng giảm thiểu tối đa tải trọng xuống hệ móng, cột của công trình, giảm thiểu chi phí đầu tư, không đòi hỏi phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng như mái bê tông, lại vừa thuận lợi cho việc tạo hình ảnh thẩm mỹ cho công trình.

Do đó, việc lựa chọn chất liệu lợp mái của công trình như thiết kế đã được phê duyệt là phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về trước mắt cũng như lâu dài.

Phóng viên: Có ý kiến là công trình nhà hát sử dụng thiết kế cũ năm 2007 (đã 11 năm) nay không còn phù hợp. Ý kiến Sở VHTTDL?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Như đã trình bày ở trên, thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, Công trình nhà hát và triển lãm VHNT tỉnh Bình Thuận cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật đầu tư công và Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở kế thừa dự án được phê duyệt trước đây, chứ không sử dụng lại dự án đã được phê duyệt năm 2007. Thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình hiện nay là thiết kế được phê duyệt tại Quyết định số 3563/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 Chủ tịch UBND tỉnh. Thiết kế này đã được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà hát TCVN 9369: 2012, và đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng góp ý (Viện Khoa học và Công nghệ).

Tóm lại, chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn đã rất cẩn trọng trong việc chuẩn bị hồ sơ, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế công trình. Nội dung thiết kế đã được lấy ý kiến, tiếp thu và chỉnh sửa nhiều lần theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn ở địa phương và Trung ương.

Tại văn bản trả lời cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Kiến trúc sư Bình Thuận tiếp tục khẳng định: Hội KTS Bình Thuận nhận thấy hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đã được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ theo các quy định của pháp luật xây dựng, Hội KTS cũng đã có phản biện, góp ý lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc ban đầu. Đến nay hồ sơ đã được các cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình tại Quyết định số 3563/QĐ-UBND và  phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công các hạng mục công trình tại Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phóng viên: Ông có thể cho biết kế hoạch triển khai xây dựng nhà hát như thế nào?

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công trình đã được UBND tỉnh bố trí vốn trung hạn 2016 - 2020 là 80 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2019 được cân đối là 40 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Văn hóa,thể thao và Du lịch đang phối hợp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp và các gói thầu tư vấn liên quan. Dự kiến kế hoạch triển khai công trình trong thời gian đến như sau:

- Trong quý I/2019: Phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp và các gói thầu liên quan.

- Trong quý II/2019 sẽ tổ chức khởi công công trình. Công trình sẽ tổ chức thi công với thời gian là 24 tháng.

Xin cảm ơn ông!

Khôi Nguyên (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ khởi công công trình nhà hát vào đầu năm 2019