Theo dõi trên

Sức sống mới ở xã anh hùng

30/08/2018, 08:28

BT- Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9, chúng tôi về xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc - vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Chiến đấu ngoan cường trong quá khứ, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, quân dân xã Hàm Liêm đã chung tay góp sức xây dựng quê hương. Và hôm nay, mảnh đất anh hùng ấy đã thay da đổi thịt từng ngày…

                
Công viên 18/4 đầu tư trên 2,5 tỷ đồng do    nhân dân đóng góp

Quá khứ hào hùng

Có vị trí rất quan trọng trong kháng chiến, Hàm Liêm (xã Xuân Bình trước đây) là một xã trong Khu Tam Giác thuộc huyện Hàm Thuận, trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Vì vậy, suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1946 - 1975), Hàm Liêm là nơi ta và địch giằng co quyết liệt. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hàm Liêm là vùng địch kèm. Do đó, nhân dân đào hầm trong nhà, ngoài ngõ để lực lượng cách mạng bám trụ hoạt động chống lại kẻ địch. Âm mưu của địch dù Pháp hay Mỹ luôn tấn công tiêu diệt vùng đất Hàm Liêm kiên trung với các thủ đoạn thâm độc, như bắn pháo, rải bom, cho địch càn quét nhưng không thành công. Trái lại những con người Hàm Liêm vẫn bám trụ và luôn phản kích tấn công bằng nhiều cách, nhiều hình thức tiêu diệt địch. Mặc dù Pháp, Mỹ đều đã sử dụng nhiều loại phương tiện chiến tranh hiện đại hòng xóa một địa bàn du kích chiến tranh, thế nhưng không thể hủy hoại được niềm tin, sức sống kiên cường của người dân Hàm Liêm.

Không những vậy, lúc ấy tuổi trẻ Hàm Liêm đã dũng cảm, kiên cường sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho cách mạng từ tuổi niên thiếu. Hầu hết du kích mật Hàm Liêm bám trụ, sống, lao động và chiến đấu tại quê hương, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Phụ nữ Hàm Liêm luôn kiên trung, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh nhân dân, như nuôi quân, ủng hộ cách mạng, trực tiếp cầm súng đánh địch, thực hiện công tác binh vận. Nhiều tấm gương kiên trung, dũng cảm như chị Tám Tiệm đã thể hiện nổi bật truyền thống yêu nước, bất khuất, cách mạng của quê hương và mãi mãi sáng ngời trong tình cảm của người dân Hàm Liêm. Trong chiến tranh, nhiều người dân Hàm Liêm đã thể hiện trách nhiệm của mình rất cao cả, như ông già Đống Rơm (ông Nguyễn Hinh) đã đóng góp rất nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng...

Trải qua 45 năm, từ phong trào yêu nước, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Hàm Liêm đứng lên hình thành lực lượng cách mạng, xây dựng tổ chức, góp phần giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945. Tiếp đến 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, tổ chức cách mạng ở Hàm Liêm ngày càng phát triển, lãnh đạo nhân dân trong xã giành thắng lợi trọn vẹn trong ngày 19/4/1975 lịch sử.

Đổi thay

Trải qua 2 cuộc kháng chiến ác liệt, sau giải phóng, Hàm Liêm là một trong những xã nông thôn nghèo, mọi thứ được gầy dựng lại từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Hàm Liêm Lê Thanh Cường được biết, từ năm 1975 đến năm 1990, kinh tế của xã chủ yếu là trồng lúa nhưng năng suất kém, thương mại dịch vụ không đáng kể, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… Sự phát triển của Hàm Liêm bắt đầu từ giai đoạn đất nước đổi mới và “chuyển mình” mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt từ khi có nguồn nước hồ Sông Quao và kênh Châu Tá 812 đã giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp. Từ đây, Hàm Liêm xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là cốt lõi. Xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình như: xã hội hóa công tác giống lúa “3 giảm, 3 tăng”, liên kết sản xuất lúa giống và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phân thuốc cho các tổ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới phun, trồng rau ăn lá; luân canh cây trồng với mô hình “2 lúa, 1 màu”... Nhờ đó, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân từ 5 - 10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% năm 2012 xuống còn 3,7% vào năm 2017...

Trong những năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Hàm Liêm triển khai tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để kêu gọi sự chung tay của người dân. Đến nay, toàn xã có 13 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt chuẩn; 18 km đường giao thông thôn nông được cứng hóa; 11,75 km cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa; 40,9 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa với tổng số tiền trên 43,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hàm Liêm đã lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau và sự đóng góp của người dân xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Nổi bật là công trình Công viên 18/4, Nhà truyền thống xã và trường học 3…

Giờ đây, diện mạo của một Hàm Liêm mới mẻ, đầy sức sống, những người con của vùng đất Hàm Liêm anh hùng có thể tự hào về thành quả xây dựng quê hương hôm nay.

Theo ông Cường, kết quả xây dựng NTM của xã không chỉ dừng lại ở các tuyến đường giao thông, trường lớp, công viên, thủy lợi… Điều quan trọng nhất mà NTM mang lại chính là nâng cao năng lực, trình độ, sức khỏe của người dân để tiếp thu khoa học công nghệ mới; là sự quan tâm, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, cùng đoàn kết xây dựng đời sống mới... Đó chính là những tiêu chí bền vững để Hàm Liêm tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM, hướng đến mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức sống mới ở xã anh hùng