Theo dõi trên

Suối Tiên – Nàng Tiên bị bỏ rơi?

09/02/2017, 14:50

BTO- Thành phố Phan Thiết được biết đến là một thành phố du lịch với biển Mũi Né và những đồi cát tuyệt đẹp. Hòa vào không gian, cảnh quan kỳ thú ấy, có một dòng suối nhỏ rất đặc biệt, chảy từ những đồi cát trùng điệp ra biển, qua các địa hình cát trắng, cát vàng, cát đỏ khác nhau. Lội ngược Suối Tiên, du khách như lạc giữa cảnh bồng lai tiên cảnh, với những cột cát những rãnh cát màu (do mưa gió tạo nên) tuyệt đẹp. Suối đẹp, đẹp đến nỗi người ta đặt tên là suối Tiên.Trang mạng K&K Adventures viết về suối Tiên như sau: “Nếu bạn đang ở Mũi Né, Việt Nam và bạn đang tham quan đồi cát trắng, cát hồng thì bạn phải, phải, phải  đi bộ dọc suối Tiên. Suối thật sự kỳ diệu, đặc biệt, nói chung là khác thường”. “Đặt chân nhẹ nhàng xuống suối, bạn có thể sợ giẫm phải đá và suối sâu. Đừng sợ. Nước chỉ lên xâm xấp mắt cá chân và đáy suối là cát nâu đỏ êm ái nhất”. “… Ánh nắng chiếu qua cây, và bước tới trước thì bạn cảm nhận được vì sao suối có tên “tiên”. “Những tường đá vôi (thật ra là cát...

                       

Vậy mà, suối Tiên dường như đang bị bỏ rơi…

Tôi khám phá suối Tiên vào một ngày đầu năm mới 2017. Bước những bước chân đầu tiên trên dòng suối “tiên”, cảm nhận đầu tiên là một cảm giác dễ chịu khi đôi bàn chân dẫm lên nền cát mịn màng, bằng phẳng và dòng nước mát lạnh. Tôi cảm thấy hứng khởi khi một du khách vừa thực hiện xong chuyến lội suối Tiên trở ra nói: “Lội như thế này rất tốt cho sức khỏe, vì được đi bộ, mát xa chân, mà lại chẳng tốn tiền”. Song, cảm giác thú vị như mất đi nhiều phần khi tôi bắt gặp một dòng nước thải được dẫn qua một ống nhựa đường kính khoảng 8cm của một nhà dân, từ trên cao chảy thẳng xuống lòng suối, nước bắn lên tung tóe. Chúng tôi chẳng biết nước đó bẩn hay sạch, nhưng phải tránh xa để đảm bảo an toàn cho mình. Hai bên triền suối, vương vãi bao bì, dẻ rách, lon nhựa… không biết của khách hay các hộ dân thải ra. Dọc theo suối Tiên lên thượng nguồn, thỉnh thoảng bắt gặp một vài cụ già ngồi xin tiền, vài quán “cóc” dựng lên bên mé suối và một vài quán giải khát, dịch vụ vui chơi (câu cá, cưỡi đà điểu), ăn uống của những gia đình ven bờ.

Trong chuyến lội suối Tiên của tôi, có một người bạn làm du lịch ở phía Bắc vào. Bạn cứ tiếc cho những người làm du lịch ở Bình Thuận và nói, nếu biết đầu tư để tôn tạo vẻ đẹp cảnh quan hai bên bờ (đoạn gần nhà dân), vận động người dân cùng gìn giữ, bảo vệ môi trường và làm dịch vụ thì Suối Tiên sẽ vừa đẹp thêm, vừa tạo thành nguồn thu cho địa phương và người dân. Về cách làm, có thể xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp, có bán vé, có hướng dẫn viên và các dịch vụ khác để lấy thu, bù chi. Người này còn nói: Về mặt cảnh quan thì suối Tiên độc đáo hơn nhiều so với suối cá thần ở Cẩm Thủy - Thanh Hóa. Suối Tiên lại nằm ngay ở thủ đô Resort, nơi có khoảng 4 triệu khách đến lưu trú mỗi năm. Nếu biết khai thác và gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên, suối Tiên sẽ trở thành điểm hấp dẫn thu hút du khách hơn cả suối cá thần Cẩm Thủy.

Đúng vậy. Tôi cũng đã từng đến suối cá thần Cẩm Thủy và một số dòng suối du lịch khác. Chính quyền và người dân ở đó đã biết cách khai thác các yếu tố tự nhiên và tâm linh để biến những con suối này thành những điểm du lịch hấp dẫn. Trên đường vào suối cá thần Cẩm Thủy, nhiều hàng quán mọc lên, bán đủ loại hàng hóa, nhiều nhất là sẩn phẩm địa phương và hàng lưu niệm. Cứ vào cuối tuần hoặc những dịp Lễ, Tết, mỗi ngày suối cá thần Cẩm Thủy có hàng ngàn khách đến tham quan. Năm 2016, thu hút được 250 ngàn lượt khách.

Lướt trên mạng Internet, với từ “suối Tiên Mũi Né”, có rất nhiều bài viết ca ngợi con suối này. Suối Tiên trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Mũi Né. Song, khách tự đến, rồi tự đi, địa phương không có thêm một nguồn thu nào từ con suối độc đáo này. Thiết nghĩ, thành phố Phan Thiết và ngành du lịch Bình Thuận cần có đề án xã hội hóa việc tôn tạo, giữ gìn và khai thác cảnh đẹp suối Tiên phục vụ du lịch. Cần chỉnh trang lại cảnh quan hai bên bờ (đoạn có dân cư ở), vận động người dân làm vệ sinh, không xả rác, nước thải xuống suối, bù lại người dân có thể mở các quán giải khát phục vụ du khách. Vào sâu hơn phía thượng nguồn, có thể bố trí các khu công viên tượng cát, khu trượt cát, khu chụp ảnh lưu niệm… Nếu không, vẻ đẹp của con suối cũng sẽ bị mai một, sẽ bị ô nhiễm và sẽ không còn được vinh danh là “Tiên” nữa khi thiếu bàn tay con người tôn tạo, chăm nom và du lịch Mũi Né sẽ thiếu (hoặc mất) đi một điểm đến hấp dẫn…

Tư An



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suối Tiên – Nàng Tiên bị bỏ rơi?