Theo dõi trên

Tản mạn Hàm Cần

01/06/2018, 09:48

BT - Đảng ủy Hàm Cần cử một người dịch được tiếng Ra Glai đi với chúng tôi về 4 thôn: Thôn 1 (thôn Thành), thôn 2 (Đăng Gia), thôn 3 (Nghĩa - Lập - Hà) và thôn Lò To (thôn thứ 4 này mới lập 10/2009). Sau nhiều buổi lặn lội tìm kiếm, hỏi chuyện nhiều người, chúng tôi về lại thôn Thành thăm một nhân vật đặc biệt của vùng đất này, cựu Bí thư Đảng bộ Mang Đen. Ông vui vẻ pha trà tiếp chuyện chúng tôi trên bộ ván đặt trước hiên nhà. Chuyện ông Mang Đen với căn cứ Miền Tây Hàm Thuận, với Hàm Cần là câu chuyện dài, những sóng gió của cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn với những biến động ngày xưa và những thay da đổi thịt ngày nay của vùng đất từng vang dội với những cái tên và nhiệm vụ lạ lùng như Đại đội 653, trận Cỏ Mồm, “Thượng du vận”, chông nện, chông lá, đường mồi, bẫy dụ... Và tất nhiên, chúng tôi tìm hiểu mọi chuyện ở địa phương qua đương nhiệm Bí thư Đảng bộ Hàm Cần Lê Đình Ró. Nơi vùng đất lâm tuyền cỏ lục của những con người coi thiên nhiên là bằng hữu và lý tưởng là...

Ông Mang Đen với chiến tranh du kích

    

Cũng xin nói cho rõ: Tháng 6/1952, Tỉnh ủy Bình Thuận (kháng chiến) và Huyện ủy Hàm Thuận đã chỉ đạo xây dựng căn cứ Miền Tây Hàm Thuận, là chỗ ẩn dựa vững chắc, lâu dài theo suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của cả nước. Căn cứ Miền Tây gồm 4 xã: Hàm Cần, Hàm Thạnh, Hàm Phú, Hàm Trí, tất cả liên kết chặt chẽ tạo thành thế liên hoàn như một hành lang nối liền giữa Hàm Thuận với Tánh Linh và mở rộng ra Lâm Đồng, Bắc Bình, Hàm Tân. Từ ngày chia tách huyện 1983, 2 xã của căn cứ này thuộc huyện Hàm Thuận Nam là Hàm Cần, Mỹ Thạnh.

Khi nhắc đến thời kỳ này mắt ông Mang Đen lấp lánh, ông nhìn xa xăm lên ngọn núi phía bên kia đường, nơi ông gọi là đèo Linh, núi Tốt, một lúc, đoạn ông nói vọng ra phía sau nhà:  “Bà ơi, đi lục cho tôi mấy cái giấy tờ!”. Cũng như bao nhiêu người cao tuổi khác, trong tâm trí ông chỉ còn lắng lại những câu chuyện, với các con số ông không chắc là mình nhớ chính xác.

Ông Mang Đen ra đời năm 1933 ở vùng núi Ông (Tánh Linh), tên gốc gác khi sinh ra trong cộng động Ra Glai là Ha Dai Đen, tên chính thức trong giấy tờ hoạt động cách mạng thời kỳ mật ở Hàm Cần cũng như công khai sau 1975 là Nguyễn Văn Hai. Khi còn là một thiếu niên ông đã tham gia vót chông và cùng giúp chạy những việc lặt vặt cho đội du kích địa phương. Lớn lên ông trở thành một du kích quân khỏe mạnh, mưu trí và nhanh chóng trưởng thành là một cán bộ bản lĩnh, năng động. Năm 1958, do các đường dây hoạt động ở khu núi Ông, Bắc Ruộng bị lộ, ông cùng với đội công tác chuyển về vùng Hàm Cần, là một trong 4 xã nằm trong căn cứ Miền Tây, do đồng chí Nguyễn Ngọc Cao làm Bí thư chi bộ từ tháng 6/1952.

Lúc bấy giờ, Đảng chủ trương cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, gây dựng niềm tin vững chắc trong các tầng lớp nhân dân. Ông Mang Đen nhanh chóng hòa nhập trở thành một cán bộ bám chặt địa bàn cùng với dân làng chiến đấu, phát triển chiến tranh du kích. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Cao, ông cùng tổ công tác ngoài việc bảo vệ các cán bộ cấp cao còn lo tìm các nhân tố giác ngộ lý tưởng cách mạng vào các đoàn thể và hướng dẫn các cách đánh theo chiến tranh du kích. Lúc đó, ngoài Đại đội 653 (hình thành từ đại đội A và đại đội B) được trang bị tương đối, lực lượng du kích địa phương chủ yếu đánh bằng ná, chông và mưu lược, cả đội chỉ một cây súng trường lấy được của Pháp. Các đường mồi, bẫy dụ dẫn lính Pháp đi xa chỗ ở của cán bộ và đến khu vực bố trí các loại chông: Chông nện, chông lá, chông hầm, chông bàn, chông ngòi bút, chông củ ấu... theo kiểu thiên la địa võng. Lính Pháp khi đã lọt vào bẫy thì không còn đường ra và ngay lúc địch đang bị chông trên cao, chông dưới thấp, chông lưng chừng, chông tạt ngang tấn công tới tấp, thất kinh hồn vía, thì các tay ná thủ thiện nghệ của buôn làng ra tay tiêu diệt từng tên một. Ở các đường cua, nơi tầm mắt của lính đi càn bị khuất, du kích đào hầm cài chông, đặt que nhỏ và phủ lá ủ lên trên. Chỉ cần một hai tên sập bẫy chông là cả bọn cõng nhau quay lui, trận càn coi như bị bẽ gãy. Bẫy chông là nỗi ám ảnh kinh hoàng gây khiếp sợ lớn nhất đối với lính Com-măng-đô, nhờ vậy mà cán bộ được bảo vệ an toàn, các cuộc càn quét của Pháp cũng trở nên dè dặt hơn, thường lính Pháp lên đến Cỏ Mồm rồi lui về, không dám lên nữa.

Cùng tăng gia sản xuất với đồng bào, cùng đánh giặc với đồng bào, cùng chống giặc đói, giặc dốt, chống mê tín dị đoan, cùng giúp đồng bào hiểu và tin yêu Đảng, Bác Hồ, ông Mang Đen được mọi người thương mến, Đảng tin cậy giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Ngày 1/8/1968, ông Mang Đen được vinh dự kết nạp vào Đảng. Ngày cuối năm 1968, ông Mang Đen, tên chính thức là Nguyễn Văn Hai, trở thành Huyện ủy viên được Huyện ủy Hàm Thuận phân công làm Bí thư Chi bộ Hàm Cần.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, ông đã chỉ đạo đội du kích tập trung và dân làng bảo vệ, duy trì hàng rào chiến đấu thành tuyến liên hoàn nối Hàm Cần với Hàm Trí, Hàm Thạnh. Rất nhiều trận chống càn, chống đột kích nhờ mưu trí của ông và sự gan dạ của dân làng, của lực lượng du kích tập trung mà rất nhiều địch bị tiêu diệt và gây thiệt hại nhiều phương tiện chiến tranh. Lúc bấy giờ, ngoài bộ tứ Hai - Môn - Quách - Xanh (Nguyễn Văn Hai tức Mang Đen, Nguyễn Văn Môn -  Chủ tịch UBND, Mang Quách - Chủ tịch Mặt trận, Nguyễn Thị Xanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ) còn có Nguyễn Ngọc Dũng (Xã đội trưởng) và Nguyễn Văn Lai (Bí thư xã Đoàn) đều là những người có sức ảnh hưởng rất lớn ở đây.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mang Đen lại tiếp tục với vai trò chỉ đạo cao nhất ở địa phương. Vợ trước của ông, bà Nguyễn Thị Xanh, nguyên Chủ tịch hội Phụ nữ Hàm Cần suốt cả hai cuộc kháng chiến, người đã luôn kề vai sát cánh, ra sanh vào tử với ông Mang Đen bị bệnh mà qua đời. Một nỗi đau quá lớn làm cho ông hụt hẫng một thời gian dài. Mãi sau này, ông mới cưới người vợ hiện nay, bà Thông Thị Nghê, dân tộc Chăm.

Nhìn qua danh sách những người con của ông, nếu không thông hiểu về mẫu hệ và nghe được những sóng gió ông đã trải qua thì e rằng thấy khó hiểu, vì tất cả là con ruột của ông nhưng lại  có cả thảy ba họ: Mang Văn Hùng (c), Mang Thị Phanh, Mang Thị Chanh, Mang Thị Nanh, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Bình, Thông Thị Mai. Ông đưa cho tôi xem giấy chứng nhận hưu trí của mình ghi rõ ngày về hưu là ngày 1/8/1989, như vậy ông đã giữ chức vụ Bí thư 21 năm.

21 năm làm Bí thư Chi bộ xã Hàm Cần, tôi hỏi, điều ông tâm đắc nhất là gì?

Ông trả lời theo kiểu rất Mang Đen: “Dân mình đói lạnh, tôi mong dân mình có cái ăn cái mặc. Dân mình dốt chữ, tôi mong có cái trường cho lũ nhỏ học cái chữ. Dân mình thiếu thốn, tôi mong có con đường cho người ta đi lại, trao đổi... Dân mình thiếu cái gì tôi mong cái đó cho dân mình. Làm được rồi, từng phần, chưa ưng ý lắm nhưng cũng làm được. Đó, cái tâm đắc của tôi là đã làm được, chưa ngon lành lắm đâu nhưng cũng đã làm được”.

Ông Lê Đình Ró với chương trình xây dựng nông thôn mới

    

Năm 2017, với sự cố gắng nỗ lực của tập thể Đảng ủy, của chính quyền và nhân dân trong toàn xã, theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hàm Thuận Nam, đến ngày 30/11/2016 xã Hàm Cần đạt 12/18 tiêu chí (rà soát theo Quyết định 1980/QĐ-TTg còn lại 5 tiêu chí.

Đương nhiệm Bí thư Đảng bộ xã Hàm Cần Lê Đình Ró rót thêm một vòng trà nữa rồi thông báo với chúng tôi như thế. Ông nói thêm: Mừng vì Hàm Cần là xã khó khăn, khó khăn hơn các địa phương khác rất nhiều.  Cứ hình dung thử coi, một xã miền núi, đồng bào Rai chiếm đa phần, hậu quả chiến tranh tàn khốc, một địa phương phát triển có thể nói là từ không có gì mà giờ đây chúng tôi đã đạt các tiêu chí về điện, về thông tin và truyền thông, có điểm phục vụ bưu chính hẳn hoi, về cơ cấu lao động đạt 90% người trong độ tuổi lao động có việc làm, về văn hóa, 4 thôn đều đạt chuẩn thôn văn hóa, về an ninh trật tự xã hội được giữ vững, 996 hộ đăng ký, cả 4 thôn 100% đạt khu dân cư An toàn về an ninh trật tự. Tuy mãi đến năm 2000, chúng tôi mới có con đường nối với các nơi, đã đưa vào sử dụng 2,77 km đường chính từ trung tâm xã đến thôn 1, đường trục liên thôn, đường trục chính nội đồng chưa được láng nhựa hay bê tông xi măng nhưng cũng tạm lưu thông được rồi, dần dà chúng tôi sẽ dùng cách Nhà nước và nhân dân cùng làm để phấn đấu tiến tới đạt chuẩn, dân tôi còn nghèo nên chủ yếu cũng trông chờ phần nhiều từ ngân sách Trung ương.

Qua quan sát nắm bắt, chúng tôi thấy hệ thống trường lớp từ mấu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở ở đây rất khang trang, sạch đẹp nên hỏi nhiều câu hỏi về vấn đề chú trọng giáo dục ở địa phương, ông Ró cho biết thêm: Từ không có trường, chỉ ước mơ xóa được mù chữ thôi đã khó mà giờ chúng tôi đã có từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, đầy đủ cả. Đó là điều đáng mừng! Kết cấu cơ sở hạ tầng có rồi, người dân đa phần đã thông, đã hiểu tầm quan trọng của giáo dục rồi, vấn đề còn lại là nâng dần chất lượng giáo dục lên thôi.

Chúng tôi không chú trọng những con số lắm đâu, chủ yếu là cho đời sống người dân của chúng tôi được tốt hơn, thôn xã được phát triển nhanh hơn, thuận lợi hơn, mỗi lần đi đâu thấy điều gì người ta làm được mà xã mình chưa làm được là tôi bứt rứt không yên. “Phải làm sao đây?”, có nhiều đêm tôi mất ngủ, nằm gác tay lên trán mà tự hỏi như thế.

Ông Lê Đình Ró (SN 1962) tại căn cứ cách mạng Mỹ Thạnh. Ông tâm sự do tình trạng đời sống vùng cao lúc đó cha mẹ ông đều không biết chữ nên tới đời ông và các con ông việc học tập được đặt lên hàng đầu.

Từ nhỏ ông cũng đã tham gia đánh du kích cùng với cha anh ở buôn làng, ông vót chông rất nhanh và cài cắm các hầm chông ở các vị trí hiểm, nhờ vào tài quan sát và sự suy đoán chính xác.

Năm 1978, chưa tới tuổi nghĩa vụ ông đã khai tăng lên và viết đơn xung phong vào quân ngũ. Được tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam (ông và gia đình đều gọi là làm lính Bác Hồ) là niềm tự hào của ông và gia đình. Ông ở Đại đội B Độc lập một thời gian rồi chuyển sang Đại đội 3- 430 Hàm Thuận.

Năm 1983, xuất ngũ, ông về lập gia đình với bà Huỳnh Thị Bay và chuyển sang Hàm Cần (là quê vợ) ở cho đến tận bây giờ. Vượt qua những ngày đầu gian khổ, thiếu thốn, ông luôn nhiệt tình trong các công tác ở địa phương và được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào ngày 26/6/1996. Và năm 2007, ông được Huyện ủy Hàm Thuận Nam phân công giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ xã Hàm Cần cho đến nay.

Chúng tôi thấy ít có ai tâm huyết, quan tâm chi li đến cộng đồng của mình như ông Bí thư Lê Đình Ró này. Từ thời chiến tranh, Hàm Cần đã có một Mang Đen gan dạ, mưu trí trong công cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương thì thời bình, ông Lê Đình Ró cũng hết lòng hết dạ với công cuộc xây dựng nông thôn mới, với đời sống nhân dân nói chung, với đồng bào Ra Grai của mình nói riêng. Khi đoàn công tác chúng tôi ra về, có người yêu cầu xe dừng lại chụp hình những cây phượng trước trường mẫu giáo đang đơm hoa lửa đỏ rực bầu trời. Phải rồi, một liên tưởng lóe nhanh trong tôi, chính lửa lòng của những người con ở đây đã tạo nên một Hàm Cần kiên cường, bất khuất và quyết tâm xây dựng, phát triển trong giai đoạn mới.                                                        

N.T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản mạn Hàm Cần