Theo dõi trên

Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

30/09/2019, 10:33

BT- Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là những nhiệm kỳ gần đây, qua công tác giám sát, kiểm tra cho thấy công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ bên cạnh những kết quả đạt được còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp, gây bức xúc trong xã hội.

Lúc sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Người đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhận thức về tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) cũng đã xác định “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn”.

Mới đây, ngày 23/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, đối với việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị quy định rõ trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; trách nhiệm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp; trách nhiệm của cán bộ tham mưu, đề xuất và nhân sự.

Để chống chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị chỉ rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt là những quy định về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền với các hình thức nhẹ thì khiển trách, đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ, đến việc bị cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi đảng, xem xét buộc thôi việc.  Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Chạy chức, chạy quyền là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay nhưng cũng hết sức tinh vi, chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Vì vậy để trả lời câu hỏi: Ai chạy? Chạy ai?” là không dễ. Do đó phòng chống “chạy chức, chạy quyền” gặp rất nhiều khó khăn, rào cản và không thể một sớm, một chiều giải quyết được, nhưng cũng không thể không giải quyết được. Hy vọng với Quy định 205 của Bộ Chính trị sẽ tạo ra “cú hích” mới trong công tác cán bộ, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp trong năm 2020, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021. Với yêu cầu “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm”.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền