Theo dõi trên

Tánh Linh có ông SOS!

26/04/2019, 11:07 - Lượt đọc: 264

 BT- “ A… a... a...nh !”, người phụ nữ quần ngắn trên mắt cá chân, vóc dáng tiều tuỵ… nhìn Trần Duệ, rươm rướm nước mắt, gật đầu chào…

                
Đỗ Thành Nguyên (thứ 2 trái sang) và Trần    Duệ (thứ 3 trái sang) trong Làng SOS Gò Vấp.

Người khách

Ở cơ quan thuế về, thấy người lạ chào mình, Trần Duệ chưa hiểu có việc gì, song vẫn mời vào nhà, rót nước, rồi nhẹ nhàng bảo người phụ nữ có việc gì cứ nói… Người phụ nữ sau đó nói tên là mình Dương Thị Bương, nhà ở xã Đồng Kho, muốn gặp Trần Duệ vì có việc nhờ…

Từ Quảng Bình, Dương Thị Bương cùng chồng vào Đồng Kho lập nghiệp. Rồi chồng mất vì bệnh. Được vài năm, Bương gá nghĩa với một người cùng quê, có thêm 2 đứa con, nhưng rồi người đó  bỏ đi khi biết Bương bị bệnh nan y. “...Nay, em biết ngày mình đi không bao xa nữa, bởi vậy trăm sự nhờ anh với sự quen biết… may ra giúp được 4 đứa con  em!...”. Trần Duệ cay cay mắt. Anh biết đây là trường hợp ngặt nghèo và người phụ nữ phải tin lắm mới nhờ đến anh.

 Ba đứa trẻ

Lúc này đây 16 năm kể từ buổi trưa hôm ấy. Trần Duệ ngồi kể lại chuyện ấy với tôi, rồi bảo: “Tôi linh cảm  cô ấy không bịa ra hoàn cảnh khổ sở để mưu cầu lòng thương hại của người khác… bởi vậy,  chiều hôm ấy, tôi kể chuyện của Bương với Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tánh Linh Nguyễn Hân và xin phép đi Đồng Kho. Chi Cục trưởng cho biết: “4 giờ chiều chi bộ họp, nhưng nếu cần thiết vẫn cho phép tôi đi!”.  Một thoáng yên lặng trôi qua, Trần Duệ tiếp: “Bương sống trong xóm nhỏ ven sông La Ngà. Khi tìm đến nhà, tôi chết lặng trong lòng vì khó có cái nghèo nào hơn cái nghèo của Bương! Đi từ trước ra sau nhà, không có gì ngoài chiếc tủ thờ thấp bé đặt di ảnh người chồng trước của Bương”. Cám cảnh, Trần Duệ quay xe ra UBND xã Đồng Kho, nhờ chính quyền xác nhận hoàn cảnh của mẹ con Bương, để gởi kèm bài báo anh dự định viết ngay trong đêm, cho tờ báo lâu nay anh cộng tác, nhờ giúp đỡ. Việc này, Trần Duệ làm đôi lần trước đó, cũng như mang lại một số kết quả. “Báo ra mấy ngày thì một bữa trưa điện thoại nhà tôi reo. Người đầu dây xưng tên là Nguyễn Văn Trừng, Giám đốc Làng SOS Gò Vấp. Anh Trừng nói đọc báo, biết trường hợp của mẹ con chị Bương, muốn tôi cùng hỗ trợ để nhận mấy đứa trẻ vào làng”... Trần Duệ sau đó để công tìm hiểu mới biết:  SOS Gò Vấp là một trong 17 Làng SOS ở Việt Nam, do tổ chức quốc tế phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi tôn giáo, thành lập. Làng thu nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ, giúp trẻ có một gia đình. 

Thông qua hướng dẫn của anh Trừng, Trần Duệ đi làm thủ tục đưa mấy đứa nhỏ vào Làng. “Bọn trẻ đi ít lâu thì cô ấy mất”, Trần Duệ thở dài nói. Tôi gật nhẹ đầu, nhưng kỳ thực đang hình dung cái ngày bọn trẻ đi rồi, Bương nằm trên chiếc giường tre, thảng thốt gọi tên từng đứa con! Tôi hình dung về một xã Đồng Kho nằm ven sông La Ngà... là vựa thóc của Tánh Linh  với năng suất lúa  từ 6 - 7 tấn/ha, với 2 - 3 vụ trên năm. Đồng Kho trong những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ XX, là một trong số vài xã có lượng lớn dân vùng ngoài vào làm ăn, sinh sống. Người khôn của khó... Một bộ phận người dân mới nhập cư không có ruộng, đành đi làm thuê và Bương là một trong những trường hợp đó. Và như Trần Duệ nhận xét: Đa số  người từ miền ngoài vào vùng đất Tánh Linh của Bình Thuận đều cần cù lao động, song do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất... nên  nghèo. Số nào vượt lên được thì khá. Những người như Bương, những người có hoàn cảnh cần giúp đỡ gần như rải đều ở một số xã có dân vùng ngoài vào. Nhắc đến chuyện này, Trần Duệ  nói ước gì anh giúp được cho nhiều người… !”.

                
Trần Duệ và 3 đứa con ông Phạm Ngọc Liên    trước khi nhập Làng SOS.

 Lần tìm

Cần  nói thêm một điều, tôi và Trần Duệ, cán bộ thuế của Chi cục Thuế Tánh Linh quen biết chục năm nay, nhưng anh khá kín tiếng. Tôi biết việc Duệ làm là do vài cháu nhập Làng SOS trước đó về thăm...  Vì vậy, sau buổi trưa hôm ấy, tôi lặng lẽ tìm hiểu thêm chuyện  những đứa trẻ có hoàn cảnh không may ở Tánh Linh nhập Làng SOS Gò Vấp như thế nào. Và dĩ nhiên, tôi không quên “chỉ dấu” mà Trần Duệ vô tình lộ ra: “Các xã có dân vùng ngoài vào”. Ở Tánh Linh, từ năm 2000 trở đi, đó là các xã: Suối Kiết, Gia Huynh, Đức Tân, Nghị Đức, Đức Phú, Đức Bình…

Tại thôn 1, xã Suối Kiết, bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa,  kể: Chồng mất sớm. Bà cố gắng nuôi con gái là Tuyết Loan. Con gái lấy chồng, sinh 2 cháu trai là Võ Văn Khang (2007) và Nguyễn Quốc Hào (2009). Nhưng rồi con bị tai nạn đường sắt qua đời, bà Hoa thay con  nuôi cháu. Đầu năm 2018, bệnh trong người trở nặng, sợ hai cháu côi cút trên trần đời, bà nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ. “Chẳng biết ai nói, anh Duệ  tìm đến nhà, hướng dẫn tôi làm thủ tục để 2 cháu nhập Làng. Còn Phạm Ngọc Liên, cha của 3 trẻ nhập Làng SOS Gò Vấp vào cuối năm  2018, cho biết:  Ông sinh năm 1954, quê ở Phú Thọ. 10 năm trước vào Gia Huynh làm ăn. Ngoài 40 tuổi, ông mới cưới vợ, một phụ nữ nhỏ hơn 20 tuổi. Có 4 đứa con... Ba năm trước, bệnh ông trở nặng, vợ ông, sau khi cho đứa con gái lớn đi làm thuê ở xa, bỏ đi lấy chồng khác…  Trong  hoàn cảnh ấy, Trần Duệ đã tìm tới túp lều nghèo nàn, che tạm bằng nhiều loại vật dụng trong khu rừng sến ở thôn 3, xã Gia Huynh của ông.

 Sự chung sức

Bằng nhiều thông tin, cho biết: Trần Duệ đã giúp cho 17 trẻ không may vào Làng SOS Gò Vấp trong 16 năm, tính đến hôm nay. Đến lúc này, tôi quyết định chất vấn anh về chuyện tiền đâu đi lại, tìm kiếm, đưa những đứa trẻ vào làng SOS. Trần Duệ  cho hay: Có một phần hỗ trợ của những người có lòng hảo tâm. Chẳng hạn trường hợp 3 cháu ngoại của bà Trần Thị Nho ở xóm 5, thôn 1, xã Nghị Đức. Mẹ của 3 cháu là Văn Đình Thanh Thúy bị bệnh ngây dại. Thúy bị người lạ lợi dụng, lần lượt sinh 3 con (1 gái, 2 trai). Bà Nho cơ cực nuôi con và cháu. Năm 2013, Thanh Thúy nghe theo lời người, bỏ đi biệt dạng. Bà Nho đành kêu gọi lòng hảo tâm của nhiều người. Khi Trần Duệ thuê xe đưa 3 cháu vào làng, chủ xe ra giá 1,8 triệu đồng đi về, nhưng anh chỉ có 1,2 triệu đồng. Một người tình cờ nghe được chuyện đã ủng hộ cả chuyến xe chở 3 cháu vào  làng. “Trong chuyện này, có khi phải lo tiền vé cho người nhà các cháu cùng đi vì họ quá nghèo. Hiện nay, tiền xe đi và về của một người khoảng 240.000 đồng, chưa kể tiền đi xe buýt đến làng. Để giảm chi phí, chúng tôi thường rời Tánh Linh lúc 4 giờ. Vào trong đó, chờ các cháu nhập làng xong, quay về ngay.…”. Trần Duệ nói rồi cười.

                
      
Ông Phạm Ngọc Liên, đang sống tại thôn 3,    xã Gia Huynh (Tánh Linh) cha của 3 trẻ nhập Làng SOS.

Tôi nhìn gương mặt hiền lành của anh, tự hỏi: Sức lực đâu để làm việc đó một cách bền bỉ? Và bằng cách nào biết được hoàn cảnh các cháu? Đoán được suy nghĩ ấy, Trần Duệ nói: “Từ lúc vào ngành thuế đến nay còn 1 năm nữa nghỉ hưu, tôi quen biết nhiều người. Tôi thường trò chuyện với họ về việc: Một người có lòng, nhiều người có lòng thì những người không may trong cuộc đời này sẽ  bớt nhọc nhằn, cơ cực! Thế nhưng, nói là một chuyện mà cần phải làm. Cán bộ nói nhiều mà không làm dễ mang tiếng mị dân!  Mặt khác, từ trong sâu thẳm, tôi thường nghĩ: Cái gì làm cho đạo đức lối sống hiện nay xuống cấp? Đừng đổ lỗi hết cho cơ chế thị trường. Phải chăng vì trước nay chúng ta sống  cuộc sống có phần thiếu thốn, nay có điều kiện thì nhiều người đua nhau làm giàu, xem nhẹ chuyện đạo đức... nên đạo đức có mặt xuống cấp. Người tử tế có, nhưng do ít người đề cao nên tử tế là chuyện “ai biết thì biết!”. Vậy nên cần phải khuếch trương nó lên. Nghĩ vậy mà tôi làm. Niềm vui của tôi chính là thấy các cháu được ăn học; được các mẹ - những người tình nguyện hiến đời mình cho các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi - chăm sóc, hướng dẫn; cũng như sau này các cháu ra đời có một nghề nghiệp để kiếm sống... Vun trồng cây hạnh phúc là thế! Và cũng vì vậy, sau một thời gian đủ dài, nhiều cô giáo, nhiều cán bộ thấy tôi làm, có niềm tin vào tôi, nên hễ nghe đâu có hoàn cảnh khó khăn, họ đều thông tin. Tuy nhiên, không phải không có người nghĩ khác. Đây đó có người hỏi tôi: “Đưa một trẻ nhập làng, tôi được thưởng bao nhiêu? Có trường hợp, một người mẹ không nuôi con, nhưng bảo thẳng tôi không được bán con họ!  Dĩ nhiên, tiếng xấu đó  đến cơ quan tôi làm việc. Chi bộ, nơi tôi sinh hoạt có lần đề cập và tôi cũng phải  giải thích”.

 Vĩ thanh

Phần cuối của câu chuyện này là cuộc trao đổi với 2 con người. Đó là Đỗ Thành Nguyên, con của Dương Thị Bương. Ngày vào Làng SOS Gò Vấp, Thành Nguyên mới 12, nay là chàng trai 28 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư điện, hiện là  nhân viên giáo dục của Làng. Thành Nguyên nói: “Cháu vẫn nhớ hoài và ám ảnh đôi mắt của mẹ cháu nhìn theo 4 anh em, khi bọn cháu theo  “bố”  Duệ rời Đồng Kho vào Làng. 4 anh em được các cô, chú, các mẹ trong Làng chăm sóc, nhờ vậy có ngày hôm nay. Em kề, cháu Đỗ Mạnh Tường đang làm nhân viên pha chế cho nhà hàng Shinghan của Hàn Quốc; em thứ ba Đình Nghĩa học tại Cao đẳng Tài chính Hải quan năm thứ 3; em gái út Quỳnh Mơ học đại học năm thứ 2… Các em khác cùng ở Tánh Linh vô Làng, đều đang đi học trong trường trung, tiểu học Hermann Gmeiner của Làng.

Còn  Phạm Ngọc Liên, đúng lúc tôi (người viết) chuẩn bị rời Tánh Linh, ông chạy chiếc xe cà tàng tới, nói: “Anh có vô trong Làng, xin cho tôi gởi lời thăm các anh, các mẹ trong đó. Nhờ Làng mà 3 con tôi: Nguyễn Thị Hòa (SN 2003) tiếp tục học lên lớp 9, con Hải (2006) lớp 7, thằng Hiền (2011) được lớp 2. Từ ngày 3 con vào Làng, đêm xuống tôi ngủ được, bệnh đỡ đi. Bây giờ tôi đi làm, mỗi ngày được 250.000 đồng, đang tính tới chuyện tiết kiệm, kiếm miếng đất khác, xây căn nhà để các con về có chỗ ra vô... tình cha thương con chỉ biết có vậy, anh ơi!”.  Lòng vòng rồi ông Ngọc Liên  nhắc tới Trần Duệ, bảo: “Người như  chú ấy khó mà quên được”!

 Tôi nghe  mà mừng cho người bạn quen biết lâu nay, cũng như không quên chụp với ông Ngọc Liên một tấm hình làm kỷ niệm.

Phóng sự: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh có ông SOS!