Theo dõi trên

Tạo đà phát triển từ Chương trình 135

06/08/2018, 08:29

BT- Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2018, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Những kết quả đạt được sẽ tạo tiền đề vững chắc giúp ĐBDTTS có điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo bền vững.

                
Đồng bào dân tộc thiểu số thu hoạch bắp    lai.

Đa dạng hóa sinh kế

Bình Thuận có diện tích tự nhiên hơn 7.943 km2, dân số toàn tỉnh 289.685 hộ/1.271.136 khẩu, trong đó ĐBDTTS chiếm trên 8%. Thời gian qua, thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện. Trong đó, ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, nhất là vùng có ĐBDTTS sinh sống. Nửa đầu năm 2018, các huyện trong tỉnh đang triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 2 mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo xã Phan Lâm (Bắc Bình) và thôn 4, xã Đức Bình (Tánh Linh). Trước đó, trong 2 năm (2016 và 2017), tỉnh đã triển khai hỗ trợ trên 5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho trên 1.000 hộ nghèo. Từ số tiền đã hỗ trợ 24.000 giống cây điều ghép cao sản PNI cho gần 140 hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 184 hộ giống bò sinh sản lai sind; gần 300 hộ được hỗ trợ trồng cây bắp lai…

Các mô hình giảm nghèo được triển khai như mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho 48 hộ nghèo tại 3 xã Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ (Hàm Thuận Bắc) với tổng số tiền 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện dự án xây dựng, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn được các cấp các ngành quan tâm. Trong 2 năm 2016-2017, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 41 công trình, trong đó, có 21 công trình giao thông; 2 cầu;  4 công trình thủy lợi; 5 nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng; 8 trường học với tổng giá trị trên 40 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tăng thêm cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế  -xã hội toàn vùng, những khó khăn bức xúc của đồng bào được từng bước giải quyết.

 Tiền đề thoát nghèo

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ dành trên 37,4 tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án của Chương trình  135. Cụ thể, hỗ trợ 8,6 tỷ đồng để thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hơn 27,6 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và 1,2 tỷ đồng để thực hiện tiểu dự án nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở. Song song đó, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt... gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi, chú trọng xây dựng mô hình nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Riêng các thôn, xã không thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, kể từ năm 2017 trở đi không được bố trí vốn thực hiện chương trình, nhưng thực tế các xã, thôn này vẫn còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, cận  nghèo  còn  rất  cao. Đơn cử, xã  Phan  Điền (Bắc Bình) chiếm 38,13%; xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) chiếm 35,12%; xã Gia Huynh (Tánh Linh) chiếm 31,68%. Để giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn không còn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo đà phát triển từ Chương trình 135