Theo dõi trên

Thiện Nghiệp sốt… đất

24/05/2018, 09:08

Bài 2: Hệ lụy khi dân ồ ạt bán đất

BT- Từ đầu năm đến nay, đã có gần 400 giao dịch mua bán đất thành công, nâng tổng số giao địch từ năm 2017 đến giữa tháng 5/2018 là 1.000 trường hợp mua bán đất ở Thiện Nghiệp…

Bán cả đất rẫy

Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin nhiều điểm sốt đất ảo đáng lo ngại như Phú Quốc (Kiên Giang), sân bay Tân Thành (Đồng Nai), Bình Dương, Đà Nẵng… ở trong tỉnh thì có khu vực Hàm Thắng giáp với Phan Thiết. Nếu so sánh các địa phương khác thì khập khiễng, bởi các nơi sốt đất thường là cấp huyện trở lên nhưng nhìn vào cấp xã thì độ giao dịch đất ở Thiện Nghiệp có lẽ là… “khủng nhất”. Thiện nghiệp có tổng diện tích tự nhiên 27.404,05 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 6.280, 36 ha (diện tích đất rừng 2.003,03 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 4.277,33 ha). Diện tích đất phi nông nghiệp 997,59 ha (diện tích đất ở 80,70 ha, đất chuyên dùng 870,32 ha). Tổng diện tích đất thu hồi để làm sân bay Phan Thiết giai đoạn 1 là 543 ha. Thiện Nghiệp được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, đời sống người dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng/năm.

Tuy nằm sát  thủ đô resort Mũi Né  - Hàm Tiến, nhưng người dân nơi đây gần như “không đụng gì đến du lịch”. Sân bay Phan Thiết là niềm hy vọng để Thiện Nghiệp cất cánh nhờ vào du lịch. Tuy nhiên, hiện tượng sốt đất đang khiến người dân ồ ạt rao bán không chỉ đất nền, đất ruộng mà ngay cả đất rẫy đang bị người đân “đẩy đi”. Điều tra riêng của chúng tôi cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn từ Tết Mậu Tuất đến nay, không chỉ lượng giao dịch đất ở kết hợp với đất sản xuất  trên 2 trục đường Hồ Văn Cảnh và tuyến đường sỏi ra Hàm Tiến được mua đi bán lại khá nhiều, mà ngay cả đất rẫy trồng keo lá tràm ở 2 thôn Thiện An và Thiện Sơn, nơi sân bay đang xây dựng cũng được giới đầu tư bất động sản trong nước rót tiền gom đất khá nhiều. Thiện An và Thiện Sơn có diện tích tự nhiên khoảng 4.000 ha, trong đó có 1.000 ha keo lá tràm, nhiều năm nay người dân nơi đây ngoài chăn nuôi bò, heo thì nguồn thu nhập từ keo lá tràm đã giúp tích lũy xây nhà cửa, có của để dành. Tuy nhiên, hiện nay việc bán rẫy keo đang diễn ra ồ ạt nên khoản thu nhập ổn định lâu nay của người dân không còn.

Lúc ở quán cà phê Phượng Hiền, tôi có hỏi “cò” T. quán cà phê có lúc nào đông như vậy không. T. nói hôm nay như vậy là ít khách, có ngày quán chật cứng khách, uống cà phê mà y như đi hội chợ, xe con thì 50 – 60 chiếc đậu dàn hàng như salon trưng bày… Còn với việc mua đất thì “kính thưa các loại”, đất nền, đất rẫy, đất trồng keo lá tràm… nếu “được giá” là khách gom hết!  T. còn kể: Nhiều người buổi sáng vừa “đặt cọc” 1 sào đất mặt tiền ở tuyến đường sỏi từ Thiện Nghiệp đi Hàm Tiến, buổi chiều có người liên lạc trả giá cao hơn từ 200 – 300 triệu đồng là sang tay ngay. Mà chuyện giá đất ở Thiện Nghiệp “lộn xộn” lắm. Trên cùng tuyến đường sỏi, nhưng có khách mua được giá 1,5 tỷ đồng/sào, 1,8 tỷ đồng/sào nhưng chỉ cần xê dịch qua lô khác kế bên thì có người mua 2 tỷ đồng/sào hoặc 2,5 tỷ đồng/sào. Đất rẫy cũng chênh nhau “không biết đâu mà lần”. Có người khoe mua được giá hời 1,7 tỷ đồng/ha, nhưng khi nghe có người mua 300 triệu đồng/1,5 ha thì… ôi thôi! Đức ở đường Thủ Khoa Huân (Phan Thiết) mới kể với tôi vừa “trúng”  5 tỷ đồng nhờ sang tay 10 ha keo lá tràm ở Thiện Nghiệp. Đức nói lời vậy là còn ít, nhiều tay “vô” cả chục tỷ đồng trong ngày mới đáng nể… 

Nỗi lo của địa phương

Thiện Nghiệp có 5 thôn/1.600 hộ, nhưng sốt đất chỉ tập trung ở 2 thôn Thiện An và Thiện Sơn. Trong buổi làm việc với chúng tôi anh Trần Ngọc Hận  - Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết: Thiện Nghiệp  sốt đất bắt đầu từ đầu năm nay, cao điểm là cuối tháng 4 đầu tháng 5, có ngày mấy trăm chiếc xe con chạy rảo khắp làng xem đất, lượng khách đi xe máy cũng khá đông, kèm theo lượng “cò đất” hoạt động tấp nập, bản thân tôi rất lo nên đã báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết thường xuyên để tìm sự giúp đỡ… Trước tình hình bán đất tràn lan, với tư cách là người đứng đầu về mặt chính quyền, anh có suy nghĩ gì? Anh Hận cho biết: Tôi lo lắng cho dân rất nhiều, nếu người dân bán đất bây giờ với giá cao (chưa chắc chắn) mà biết dùng vốn đầu tư vào làm ăn thì tốt, nhưng nếu sử dụng đồng tiền không đúng mục đích thì hậu quả rất khó lường. Bởi bao đời nay người dân Thiện Nghiệp sống nhờ vào làm rẫy và chăn nuôi nhưng khi đất đã bán hết, nghề nghiệp không có rồi tiền tiêu hết thì sẽ rơi vào khó khăn!

Không chỉ anh Hận mà nhiều cán bộ lão thành cách mạng ở Thiện Nghiệp cũng đồng quan điểm, trăn trở với câu hỏi, bán đất sản xuất rồi người dân sống bằng gì? Giá đất ở Thiện Nghiệp hiện nay đã “thật” chưa hay đang là giá ảo? Mặc dù có quen biết một số người kinh doanh bất động sản, nhưng khi nói về giá đất ở Thiện Nghiệp, hầu hết không ai dám khẳng định giá đất nơi đây sẽ dừng lại hay vẫn còn nhảy múa. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định việc đầu cơ đất ở Thiện Nghiệp đang có thật và lời cảnh báo với dân Thiện Nghiệp là hãy tỉnh táo. Phải cân nhắc kỹ và lựa chọn phương án tối ưu nhất khi sử dụng đồng tiền sau bán đất…

 Phóng sự điều tra của TrẦn Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiện Nghiệp sốt… đất