Theo dõi trên

Thiệt hại nặng nề do thiên tai: Tập trung khắc phục hậu quả

17/09/2018, 10:00

BT- Từ tháng 7 đến đầu tháng 9/2018, tình hình mưa lũ, lốc xoáy xảy ra diện rộng trên địa bàn nhiều huyện, thị xã, khiến Bình Thuận phải chịu thiệt hại  nặng nề, ảnh hưởng lớn đến tài sản, đời sống và sản xuất của nhân dân các địa phương, nhất là 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh…

 Thiệt hại trên 100 tỷ đồng

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến nay, khu vực các huyện phía Nam tỉnh có mưa kéo dài kết hợp xả nước qua tràn của hồ thủy điện Hàm Thuận gây lũ và ngập lụt trên diện rộng. Tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh liên tục xảy ra mưa kéo dài cùng gió mạnh, cộng thêm việc xả lũ qua tràn của hồ Hàm Thuận, đã gây lũ và ngập lụt ảnh hưởng trên diện rộng tại địa bàn 3 xã của huyện Hàm Thuận Bắc; 12 xã, thị trấn của huyện Tánh Linh và 8 xã, thị trấn của huyện Đức Linh. Tổng diện tích thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là 6.251,3 ha; trong đó chủ yếu là diện tích lúa với tổng giá trị thiệt hại trên 83 tỷ đồng và một số rau màu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày. Ngoài ra, mưa lũ còn làm trôi hư hỏng 138 ha cá nuôi trong ao + sen, với tổng giá trị thiệt hại về thủy sản khoảng 8, 2 tỷ đồng... Theo tổng hợp từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai &TKCN tỉnh, tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh trong tháng 7 và tháng 8 khoảng 101 tỷ đồng.

Bước sang đầu tháng 9, trên địa bàn huyện Đức Linh đã xảy ra trận mưa to đến rất to, gây lũ trên diện rộng, tập trung ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà… Do mưa tập trung trong thời gian ngắn, nước trong các sông, suối đổ về cùng lúc đã gây lũ cục bộ, ngập lụt khu vực dân cư và các khu vực đồng sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ngã đổ gần 2.500 ha diện tích lúa hè thu đang chín và gần 1.000 ha diện tích trồng cây lâu năm (keo lá tràm). Nghiêm trọng hơn, sau trận mưa lớn, cầu Tân Hà 2 trên tuyến tỉnh lộ ĐT 766 qua địa phận xã Tân Hà tại Km21+660 (tuyến đường huyết mạch từ huyện Đức Linh đi ngã ba Ông Đồn) bị sập, hư hỏng...

 Khắc phục hậu quả

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, thời gian qua, các địa phương đã triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó, phòng tránh ngập lụt theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ sản xuất, đời sống nhân dân một cách cụ thể, không chủ quan, bị động, bất ngờ vì thời điểm diễn ra vào ngày nghỉ hàng tuần, giảm tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản các xã ven sông La Ngà. Thông tin về diễn biến thời tiết, mưa, lũ và kế hoạch, lưu lượng xả nước qua tràn hồ thủy điện Hàm Thuận để người dân chủ động theo dõi, có biện pháp triển khai ứng phó, phòng tránh và tận thu nông sản dọc ven sông La Ngà, hạn chế tối đa thiệt hại; nhất là các trà lúa đang trong giai đoạn trổ, chín sắp thu hoạch; triển khai bơm, tiêu thoát lũ cho diện tích lúa con dưới 40 ngày. Đồng thời, UBND tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả sau ngập lụt; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy phục vụ tiêu úng; xử lý môi trường; kiểm tra đồng, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh phát sinh nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra. Tận thu diện tích lúa và hoa màu, giảm tối đa thiệt hại. Các lồng bè nuôi cá (112 lồng) trên sông La Ngà của huyện Tánh Linh và Đức Linh được người dân chăm sóc trở lại.

Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết: Để khắc phục thiệt hại, Ban đã đề nghị các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ, ngập lụt trong thời gian tới tại địa phương, thông tin dự báo, cảnh báo để thông báo cho người dân biết chủ động phương án ứng phó kịp thời. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương kiểm tra, hướng dẫn người dân phun thuốc chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tổ chức phòng trừ dịch bệnh và thu hoạch, tận thu sớm các diện tích lúa chín, bị đổ ngã (nếu còn thu hoạch được) nhằm giảm tối đa thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương huy động tối đa nguồn lực hiện có, triển khai khắc phục ngay thiệt hại về công trình cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi để phục vụ cho việc đi lại và sản xuất nông nghiệp tại các vùng bị ngập lụt vừa qua.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiệt hại nặng nề do thiên tai: Tập trung khắc phục hậu quả