Theo dõi trên

Thoát chết hy hữu khi bị điện giật ngưng tim

15/05/2018, 08:32 - Lượt đọc: 96

BT- Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh  vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp nạn nhân bị tai nạn điện giật làm ngưng tim…

                
Anh Lê Thanh Phúc đã hồi tỉnh.    

Thoát chết hy hữu

Người nhà của anh Lê Thanh Phúc (SN 1997, ngụ phường Phú Trinh – TP. Phan Thiết) cho biết, trong lúc làm la-phông trần nhà, do điện rò rỉ nên Phúc bị điện giật té xuống nền nhà và được mọi người đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh lúc 8 giờ 40 phút ngày 8/5 trong tình trạng nguy kịch... Theo bác sĩ Lê Ngọc Hiệp – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện tỉnh, lúc tiếp nhận nạn nhân đã ngưng thở hoàn toàn và chấn thương nặng vùng mặt do té từ trên cao xuống. Kíp trực đánh giá đây là trường hợp tai nạn lao động rất nguy cấp, nên tiến hành ép tim, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, đánh sốc điện tim ngoài lồng ngực và thực hiện nhiều thao tác kỹ thuật phức tạp khác với nỗ lực hồi phục tim cho nạn nhân. Với những nỗ lực của đội ngũ y tế, sau 10 phút nhịp tim của nạn nhân đã đập trở lại. Sau đó, Phúc được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, tiếp tục được các bác sĩ tại đây hồi sức tích cực và cho thở máy… Hôm sau Phúc bắt đầu hồi tỉnh, hiện tại sức khỏe của anh ổn định và ăn uống bình thường. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp thoát chết cực kỳ hy hữu, nhờ xử trí kịp thời và phối hợp tốt của đội ngũ y bác sĩ Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực chống độc.

 Cách xử trí khi bị điện giật

Gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra nhiều vụ bị điện giật và đa phần các trường hợp đều tử vong, nếu may mắn sống sót thì cũng bị thương tật suốt đời. Hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ việc đau lòng xảy ra đối với em K.T.M.D (17 tuổi, ngụ thôn 3, xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc), học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Linh. Tai nạn xảy ra hồi tháng 5/2017, khi D đang phơi đồ trên hàng rào lưới B40 thì bất ngờ bị điện giật tử vong. Bác sĩ Vũ Cao Thiện – Trưởng Phòng Tổng hợp Bệnh viện tỉnh cho biết: “Hầu hết những ca bị điện giật khó cứu sống, khi bệnh nhân đưa đến bệnh viện đều đã tử vong. Trường hợp của Phúc chỉ cần cấp cứu trễ 2 phút thì khó mà khỏi”. Hiện nay, người dân chưa có kiến thức về sơ cấp cứu cho những người bị tai nạn về điện, nên tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là những trường hợp bệnh nhân phải di chuyển quãng đường xa mới đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Thiện cho biết thêm: “Khi phát hiện có người bị điện giật, lập tức  cách ly người bị nạn với nguồn điện, đồng thời tiến hành ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ cho nạn nhân, thực hiện hô hấp nhân tạo và nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất”.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoát chết hy hữu khi bị điện giật ngưng tim