Theo dõi trên

Thời điểm tăng tốc của vùng đất năng động

14/08/2020, 08:18

BT- Không chỉ vì Đức Linh vốn đang định hình những lợi thế khác mới nảy sinh so với vùng sát bên thuộc Đồng Nai như giá thuê đất thấp hơn, tiền lương tối thiểu lao động theo vùng cũng có sự chênh lệch nhất định... mà yếu tố mang tính quyết định thời điểm tăng tốc của vùng đất năng động này, là sự chung sức, chung lòng với tất cả quyết tâm của toàn Đảng bộ.

                
   Quang cảnh Cụm công nghiệp xã Đông Hà.    Ảnh: N.Lân

Vượt qua cú sốc thị trường

Chưa bao giờ, người ta cảm nhận rõ ràng 2 mặt của vùng chuyên canh, vùng chăn nuôi như ở Đức Linh trong mấy năm qua. Nếu trước kia, mủ cao su được ví như vàng trắng thì thời gian qua, đã rớt giá và dồn ứ, gây áp lực cho nông dân và các công ty, cơ sở chế biến. Tương tự, các hộ dân, trang trại chăn nuôi heo trước đó cứ theo đà thuận lợi xuất hiện thì cũng đến thời điểm vùng chăn nuôi ấy rơi vào lặng lẽ. Rồi điều, tiêu, giá cả cứ nóng lạnh bất thường... Vì thế, có cảnh lúc được mùa, được giá, cả xóm, thôn vui như hội hè, vì thu nhập ngang triệu phú, tỷ phú thì cũng có lúc cả vùng buồn hiu hắt, vì nông sản, vật nuôi không bán được.

 Để đối phó thị trường và cũng để ổn định đời sống, người dân Đức Linh đã nghĩ ra mô hình rất phù hợp với nơi có tiếng đất rộng, đó là xây dựng vườn, chuồng tổng hợp. Có nghĩa một khu vườn có quy hoạch, bố trí trồng nhiều loại cây, con khác nhau để nếu cây này có giá cao sẽ bù cho cây đang có giá thấp hay con nuôi này đang mất giá thì có con nuôi khác được giá bù vào. Thành ra, kinh tế nông nghiệp Đức Linh bỗng đa dạng, trù phú. Điều đó nếu thu nhỏ tương tự như việc 5 năm qua, dân chuyển đổi cây trồng tại hơn 8.500 ha đất lúa không hiệu quả vậy. Sau khi thay lúa bằng bắp, đậu, sắn, dưa hấu, trồng dâu nuôi tằm... thì cũng trên vùng đất đó nhưng cho doanh thu từ 110 - 130 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 45 - 50 triệu đồng/ha/năm. Về phía hệ thống chính trị, trước sự bất ổn giá cả ấy đã mời gọi nhiều hơn và những liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân cũng bắt đầu xuất hiện. Theo thời gian, những mối liên kết ấy khắng khít hơn, khi cùng khai thác sự màu mỡ của các cánh đồng ven sông La Ngà với diện tích mở rộng dần, có liên kết lên đến cả ngàn ha. Như liên kết sản xuất lúa nếp, đến nay đã lên hơn 1.500 ha/năm, sau 4 năm gầy dựng. Như liên kết sản xuất lúa giống hiện đã lên hơn 200 ha...

Ở khía cạnh khác, không biết có phải vì “cú sốc thị trường” không nhưng người dân Đức Linh đã và đang quan tâm mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, khi toàn huyện đang có 20 HTX với tổng vốn điều lệ 44.950 triệu đồng. Trong đó, có một số HTX chọn sản xuất những cây trồng mới mà thị trường đang ưa chuộng như bưởi da xanh, chuối kết mô; có 30% HTX đã tổ chức được các liên kết sản xuất với nông dân đạt hiệu quả.  Chưa hết, ngoài 2 thị trấn vốn có, những nơi hội tụ điều kiện cho thương mại, dịch vụ phát triển như tại 15/16 chợ đã đạt chuẩn nông thôn mới, tại vùng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp... thì số người dân chuyển sang phi nông cũng nhiều, như thể để bớt rủi ro hơn. Đó là lý do hộ kinh doanh cá thể tại Đức Linh đã lên hơn 6.800 hộ hoạt động trên các lĩnh vực với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Tương tự, doanh nghiệp xuất hiện với số lượng tăng gấp 2 lần với số vốn cũng tăng 2,1 lần so với năm 2015, khi hiện tại có gần 300 doanh nghiệp với tổng vốn kinh doanh trên 1.205,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 634,6 tỷ đồng; hàng năm thu vượt kế hoạch tỉnh giao từ 7 - 10%. Và cũng nhờ vậy, lao động có việc làm hàng năm lên đến 4.000 người cùng với thu nhập bình quân đầu người của người dân Đức Linh năm 2019 đạt ở 39 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015.  

                
   Thu hoạch mít. Ảnh: N.Lân

Tự tạo thời cơ

Con số trên trong 5 năm nữa, Đức Linh xác định sẽ nâng lên 68,5 triệu đồng/người/ năm. Điều đó không đơn giản nhưng xét trong điều kiện hiện tại của Đức Linh là có thể. Trước hết, 100% chỉ tiêu trong 5 năm qua, Đức Linh đều thực hiện đạt và vượt, nhất là với khu vực nông thôn thì 11/11 xã đã đạt xã nông thôn mới để cuối năm nay, Đức Linh được công nhận là huyện nông thôn mới. Hơn thế, qua đó, còn xuất hiện những tín hiệu dự báo nơi đây không lâu nữa sẽ là một vùng kinh tế năng động của tỉnh. Không chỉ vì vị trí Đức Linh nằm sát vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khi chỉ cách Đồng Nai 1 bước chân, cách TP. Hồ Chí Minh 130 km, cùng lợi thế khác là 2 tuyến cao tốc: Long Thành – Dầu Giây, Phan Thiết – Dầu Giây khởi công vào cuối năm nay sẽ rút ngắn đường đi cho các nhà đầu tư. Thêm nữa, không chỉ vì Đức Linh vốn đang định hình những lợi thế khác mới nảy sinh so với Đồng Nai như giá thuê đất thấp hơn nhất định, tiền lương tối thiểu lao động theo vùng cũng có sự chênh lệch thu hút; như hiện tại Đức Linh đang có hơn 60 doanh nghiệp đăng ký, khảo sát đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó có 25 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn thực hiện trên 2.000 tỷ đồng. Mà còn vì Đức Linh đã chuẩn bị tất cả các điều kiện liên quan đến thu hút và giữ chân nhà đầu tư như quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, đầu tư hạ tầng cũng như cải cách thủ tục hành chính...

Nổi bật như giao thông, đến nay, 100% số xã có hệ thống giao thông đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn huyện được cứng hóa đạt trên 85%. Bên cạnh là đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực khác, trong đó có liên quan đến 3 cụm công nghiệp ở Sùng Nhơn, Mê Pu, Võ Xu hiện đã lấp đầy đạt từ 60 – 80% diện tích và 3 cụm công nghiệp mới ở Đông Hà đang hình thành. Vì vậy, đã góp phần đẩy tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội nhiệm kỳ qua đạt 12.868 tỷ đồng, tăng 1,91 lần so giai đoạn trước. 

Điều đáng mừng khác, 3 cụm công nghiệp ở Đông Hà mới khởi công năm ngoái, do tư nhân đầu tư lại ở vùng giáp ranh Đồng Nai nên các lợi thế nói trên sẽ tạo ra cuộc đua tranh đầu tư rất rõ tại đây và khả năng lấp đầy sẽ nhanh, dù diện tích của 3 cụm lên đến 200 ha. Hiện tại, nơi đây đã có 7 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng theo đúng hướng là sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Vì vậy, xác định cơ cấu tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp hợp lý trong 5 năm tới, ngay bây giờ đã thấy rất rõ.

Theo báo cáo chính trị của Đảng bộ Đức Linh, bên cạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm thì khâu đột phá, huyện chọn 2 lĩnh vực gồm nông nghiệp và cán bộ. Đột phá thứ 1 là thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung triển khai xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.000 ha trong 3.000 ha của “Đề án phân tích tính chất lý, hóa của đất để bố trí vùng lúa chất lượng cao và vùng chuyển đổi cây trồng cạn đến năm 2025 tầm nhìn 2030” gắn với liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Qua nội dung cho thấy có liên quan trực tiếp đến mục tiêu phấn đấu xây dựng 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu xây dựng đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Và đột phá thứ 2 là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong huyện. Đây là điều quyết định cho mọi mặt phát triển của vùng năng động, nhất là Đức Linh đã và đang hợp nhất các cơ quan bên Đảng và chính quyền, trong đó mô hìnhbí thưhuyện ủy kiêmchủ tịch UBND huyện thực hiện 2 năm qua, đã thu về những thành quả bước đầu.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời điểm tăng tốc của vùng đất năng động