Theo dõi trên

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

01/06/2017, 08:27

BT- Đề án thưc hiện chính sách chi trả môi trường rừng (DVMTR) đến nay đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó, nhằm xác định đối tượng cung ứng và đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng; xác định ranh giới diện tích rừng, loại rừng…của từng chủ rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các đối tượng sử dụng môi trường rừng làm cơ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tính toán giá trị chi trả cho các chủ rừng trong khu vực.

                
   Tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR    tại xã Đông Giang - Hàm Thuận Bắc.

Quản lý bảo vệ và phát triển rừng

Bình Thuận là một trong những tỉnh có diện tích rừng tương đối lớn khoảng gần 320.000 ha; trong đó, rừng tự nhiên là gần 287.000 ha, rừng trồng trên 23.800 ha. Từ trước đến nay,nhà nước đã có các chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, Bình Thuận đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho các hộ dân sống gần rừng…

Qua 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã huy động được nguồn thu từ 3 công trình thủy điện và 4 công ty cấp nước có nằm trong lưu vực sử dụng DVMTR để phân bổ kinh phí cho 14 đơn vị chủ rừng tiến hành hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 1.287 hộ/53.207 ha (chiếm khoảng 40% diện tích giao khoán toàn tỉnh). Hầu hết những hộ nhận khoán là đồng bào dân tộc thiểu số sống bằng nghề làm rẫy, thu hái lâm sản… Đây là những hộ dân có thu nhập bấp bênh nên với diện tích giao khoán bình quân 35 ha/hộ và định mức chi 200.000 đ/ha/năm thì mỗi hộ nhận khoán thu nhập khoảng 580.000 đồng/tháng, góp phần giải quyết khó khăn trong cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc, khuyến khích bảo vệ rừng tốt hơn. 

Tạo sự đồng thuận

Mới đây, để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định tại Nghị định 99 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Theo Viện sinh thái rừng và môi trường (đơn vị thực hiện đề án), trên địa bàn tỉnh với lợi thế về rừng, đồi cát, đường biển dài và đẹp nên có hàng trăm khu du lịch đã và đang hoạt động, có hàng trăm dự án đang được xây dựng và quy hoạch. Tuy nhiên, hiện tỉnh chỉ có 3 khu du lịch sinh thái có sử dụng DVMTR là Khu du lịch cáp treo Tà Cú, khu du lịch Thác Bà - Núi Ông và Khu du lịch Lê Hồng Phong.

Nhằm triển khai có hiệu quả đề án, tại lễ công bố đề án mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đã yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR và Quyết định phê duyệt Đề án thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc ngành huy động, quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định pháp luật. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện huy động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR theo đúng quy định. Các đơn vị sử dụng DVMTR phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tổ chức triển khai thực hiện việc xác định số tiền phải chi trả DVMTR để ký hợp đồng chi trả và trích nộp theo đúng quy định. Những trường hợp vi phạm như: không ký hợp đồng, không thực hiện việc kê khai, không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền sử dụng DVMTR phải chịu xử lý theo quy định. 

    
      Theo đơn vị thực hiện đề án, dự trù kinh phí thu được từ DVMTR là nhà   máy thủy điện số tiền DVMTR dự kiến thu 17,5 tỷ đồng đến 29,2 tỷ đồng.   Nhà máy sản xuất nước sạch số tiền DVMT dự kiến thu từ 2,5 tỷ đồng đến   4,2 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh du lịch số tiền DVMT dự kiến thu từ   660 triệu đồng đến trên 1,3  tỷ đồng…

K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng