Theo dõi trên

Tiêm vắc xin sởi đủ liều, tránh nguy cơ lây lan bệnh

25/02/2019, 08:49

BT- Một trong những mối đe dọa lây lan, bùng phát bệnh sởi trong năm 2019 là do quên tiêm vắc xin hoặc không chịu tiêm vắc xin… Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình bệnh sởi có chiều hướng tăng cao so cùng kỳ năm trước.

Tăng nhanh, lan rộng

Một trong những kế hoạch hành động 10 năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là loại trừ bệnh sởi, rubella ở 5 khu vực vào năm 2020, nhưng tiến trình này có lẽ bị tụt lại. Thời gian gần đây, bệnh sởi đã và đang quay lại các quốc gia sắp loại trừ căn bệnh này và tình hình dịch sởi đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Nguyên nhân, nhiều cha mẹ đặt niềm tin sai lệch vào trang mạng xã hội có nguồn tin thiếu chính xác, chạy theo phong trào tẩy chay vắc xin (chống tiêm vắc xin) và lưỡng lự, không đưa trẻ tiêm phòng; dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc xin giảm. Một khi tỷ lệ tiêm vắc xin giảm, thì nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng. Đó là thông tin trên trang Bloomberg vừa mới đăng tải. [1]

Cũng trên trang tin này, ước tính 90% những người đến gần với người mắc sởi sẽ bị nhiễm bệnh, trừ khi được tiêm phòng hoặc có miễn dịch tự nhiên. Vi rút sởi có thể sống trong môi trường không khí khoảng 2 tiếng đồng hồ ngay khi người mắc bệnh hắt hơi, nhảy mũi. Gần 1 thập kỷ qua, tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi của toàn cầu đạt 85% thay vì ở mức gần 95% để bệnh không lây lan. Vì thế, các chuyên gia đang lo ngại nguy cơ lây nhiễm. WHO nhận định một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019 là do dự tiêm vắc xin, tiêm vắc xin muộn hoặc từ chối tiêm vắc xin. [2]

Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc sởi, nằm rải rác khắp 43 tỉnh, thành, không có trường hợp tử vong. TP. HCM, Bình Dương… có số mắc khá cao. Cùng thời gian này, Bình Thuận có 13 ca mắc sởi, trong đó có 9 ca dương tính với vi rút sởi, 4 ca có triệu chứng lâm sàng; trong lúc năm 2018 hoàn toàn không ghi nhận số ca mắc bệnh này. Số ca mắc tập trung ở 4 huyện, thành phố gồm Tánh Linh, Phan Thiết, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Trong khi đó, cả năm 2018, ghi nhận chỉ 41 ca mắc sởi thì có 7 ca dương tính. Qua số liệu trên cho thấy số ca mắc sởi của 2 tháng đầu năm 2019 tại tỉnh tăng cao.

Tiêm vắc xin là phòng ngừa

Bác sĩ Trần Thiện Nghĩa (Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Số trẻ  mắc bệnh sởi (từ 1 tháng tuổi - 15 tuổi) đầu năm tăng cao là do không tiêm ngừa sởi hoặc số mũi tiêm sởi không đầy đủ. 2 mũi tiêm sởi rơi vào trẻ 9 và 18 tháng tuổi, thường bố mẹ quên hoặc không quan tâm do đi làm xa mặc dù trạm y tế có gửi giấy mời tiêm tới nhà. Tuy nhiên, so sánh số ca mắc với các tỉnh phía Nam, thì số ca mắc sởi tại tỉnh tương đối thấp hơn nhiều.

Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh sởi lây qua đường hô hấp nên không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi, để không mắc bệnh sởi thì phải tiêm vắc xin. Nếu không tiêm vắc xin, chẳng may mắc bệnh thì chi phí điều trị bệnh sẽ tăng cao gấp nhiều lần so với việc tiêm vắc xin sởi miễn phí. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dự kiến tháng 3/2019, hơn 74.000 trẻ từ 1 - 5 tuổi trên toàn tỉnh sẽ được tiêm sởi bổ sung. Hiện nay, Viện Pasteur Nha Trang chưa chuyển vắc xin sởi. 

[1] và [2]: dịch từ nguồn https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-0212/widening-anti-vaccine-movement-paves-way-for-measlescomeback?

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin sởi đủ liều, tránh nguy cơ lây lan bệnh