Theo dõi trên

Tiếp bước chặng đường vẻ vang

25/08/2020, 09:59

BT- 73 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ Hàm Thuận (5/12/1947 - 5/12/2020), mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện và sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân, vùng chiến trường ác liệt năm xưa nay đã khởi sắc, đổi thay nhanh chóng. Bước chuyển mình của vùng quê anh hùng, giàu truyền thống cách mạng đã, đang và sẽ tiến nhanh, vững vàng trên con đường đổi mới...

                
      
   Đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ    Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngồi bên phải)    cùng lãnh đạo tỉnh về thăm gia đình chính sách tại xã anh hùng Hàm    Liêm. Ảnh: Đ.Hòa

Anh hùng thời chiến 

Chúng tôi về thăm huyện Hàm Thuận Bắc vào những ngày giữa tháng 8. Vùng đất anh hùng, một thời chìm trong lửa đạn bây giờ khoác áo mới, dấu vết chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhường chỗ cho những vườn thanh long tươi tốt. Khu công sở hành chính, trường học, bệnh viện khang trang, những con đường trải nhựa, bê tông hai bên được trồng cây xanh tốt len lỏi đến từng nhà...Tuy nhiên, lịch sử và trong mỗi con người nơi đây vẫn ghi nhớ, những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược, trên mảnh đất Hàm Thuận đã có những cuộc đấu tranh của các sĩ phu yêu nước tập hợp hàng ngàn thanh niên Hàm Thuận gia nhập nghĩa quân chống Pháp. Kể từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hàm Thuận đã có những nhóm cộng sản đầu tiên đến hoạt động xây dựng các tổ chức quần chúng và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Từ nhóm đảng viên đầu tiên đã thành lập tổ Đảng của phủ Hàm Thuận và hình thành 3 chi bộ, sau đó tổ chức Đảng ở Hàm Thuận phát triển rộng khắp, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc kháng chiến, ngày 5/12/1947, tại Rẫy Thơm - Tùy Hòa (Hàm Đức), đồng chí Nguyễn Đức Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ Hàm Thuận. Hội nghị bầu đồng chí Phan Tấn Trình làm Bí thư Huyện ủy. Kể từ đó Hàm Thuận chính thức có Đảng bộ huyện. Sự lãnh đạo của Đảng từ đó được tăng cường mạnh mẽ và rộng khắp.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Hàm Thuận có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, bởi địa thế bao quanh trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận - nơi đầu não của địch, đồng thời là nơi cung cấp nhân tài vật lực cho tỉnh và Khu 6. Với vị trí ấy, Hàm Thuận trở thành chiến trường nóng bỏng, nhất là vùng Tam Giác và khu Lê Hồng Phong - nơi địch ra sức xóa trắng phong trào. Từ khi Đảng bộ huyện Hàm Thuận được thành lập, phong trào cách mạng huyện nhà có sự chuyển biến về chất. Huyện ủy Hàm Thuận chấp hành và vận dụng đường lối của cấp trên sát với điều kiện thực tiễn của huyện. Đồng thời sớm xây dựng và phát triển vững chắc thế trận lòng dân. Mỗi phong trào của Đảng phát động đều được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Khi Đảng phát động đấu tranh vũ trang thì mọi tầng lớp nhân dân đứng lên hưởng ứng mạnh mẽ, đưa cuộc kháng chiến từ nhỏ đến lớn, càng đánh càng mạnh cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, quê hương, đất nước được giải phóng.  

Đổi thay trên vùng cách mạng

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, huyện Hàm Thuận phải đối mặt với không ít khó khăn thử thách. Cơ sở vật chất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn thiếu thốn. Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận bắt tay vào xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. 73 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ Hàm Thuận (nay là Đảng bộ Hàm Thuận Bắc) và nhân dân huyện nhà tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, chung sức chung lòng vượt qua bao khó khăn. Để đến hôm nay gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt trong những năm trở lại đây, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết toàn dân, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Người dân Hàm Thuận Bắc đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa… Do đó, hiệu suất, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tăng lên. Đáng chú ý là huyện đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở hạ tầng các xã nông thôn mới được đầu tư khá đồng bộ, bảo đảm đạt các tiêu chí; phong trào làm giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, kinh tế trang trại có bước phát triển, quy mô tăng hơn trước, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương. Song song, huyện còn quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ vậy, tình hình các mặt có cải thiện hơn trước, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. 

Đồng chí Ung Văn Tám, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Hướng về Đại hội đại biểu lần thứ XII của huyện, tự hào về quá khứ, vui mừng trước hiện tại, nhận rõ những khó khăn thử thách phía trước, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ ra sức lãnh đạo Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, luôn kiên định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, động viên tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và hiệu quả. Từ đó, đưa huyện Hàm Thuận Bắc sớm tiến lên giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. 

    
      Ngày 30/12/1982 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 204 chia tách   huyện Hàm Thuận thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Từ ngày   thành lập đến năm 1982, Đảng bộ Hàm Thuận trải qua 5 kỳ đại hội và từ   sau 1982 đến nay, Đảng bộ Hàm Thuận Bắc trải qua 11 kỳ đại hội. Mỗi   nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đều kế thừa và vận dụng những kinh   nghiệm được đúc kết trong hai cuộc chiến tranh, đề ra những chủ trương   thích hợp với từng thời kỳ.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp bước chặng đường vẻ vang