Theo dõi trên

Tổ ấm cho em

28/09/2018, 08:54

BT- Sinh ra ai cũng mong muốn được lành lặn, được khỏe mạnh và phát triển bình thường. Song, cái ước muốn bình dị ấy đôi khi chẳng thể có được, bởi rất nhiều đứa trẻ ngay từ khi lọt lòng mẹ đã mang trong mình những khuyết tật. Các em cũng cần một môi trường để hòa nhập, kết bạn, học tập và vui chơi như bao đứa trẻ khác. Tổ ấm Huynh Đệ là một ngôi trường như thế.

                
Bữa trưa ở Tổ ấm Huynh Đệ.

 Điểm tựa của trẻ khuyết tật

Chúng tôi đến thăm Tổ ấm Huynh Đệ vào một sáng cuối tháng 8 không hẹn trước. Vậy mà khi bước vào cổng đã nghe tiếng các em đang chơi ngoài sân đồng thanh: “Chúng con chào cô ạ...!”, khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Điều cảm động là cứ thấy có người đến thăm là các em ùa ra như bầy ong vỡ tổ, chào hỏi, cười nói ríu rít, có em không nói được chỉ nắm lấy tay chúng tôi áp vào mặt, một số em còn ôm chặt không chịu buông, các em cứ quấn quýt những người khách. Nhìn vào cử chỉ, chúng tôi hiểu các em thiếu thốn tình cảm đến nhường nào...

Gần 14 năm trôi qua, cơ sở khuyết tật Tổ ấm Huynh Đệ đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều trẻ em bị down, tự kỷ, chậm phát triển... Hiện cơ sở đang nuôi dưỡng, giáo dục hơn 120 em khuyết tật từ 2 tuổi rưỡi đến 25 tuổi. Sơ Hoàng Thị Liên – Hiệu trưởng Tổ ấm Huynh Đệ, cho biết Tổ ấm hiện có 6 lớp, mỗi lớp có chương trình học riêng và không phân biệt lứa tuổi. Ngoài dạy các kỹ năng về nhận thức, giao tiếp, học múa, học hát và tham gia hoạt động về thể chất, ở đây các em còn được tập đọc, tập viết. Với mỗi chứng bệnh, trường sẽ có những phương pháp rèn luyện, giáo dục cụ thể. Dưới mái trường này, giáo dục kỹ năng sống được xem là “cái nôi” đưa các em vào đời. Đó là con đường ngắn nhất giúp các em hòa nhập với cộng đồng. Kỹ năng sống với trẻ khuyết tật không phải là cái gì thật cao siêu mà chính là biết chào hỏi, xin phép, xin lỗi, biết cảm ơn và biết tự phục vụ cho bản thân mình.

                
Khánh Ngọc cười tươi trước ống kính.

Khó để có thể hình dung được nếu không có mái trường này, các em sẽ như thế nào khi mà phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các cô, chúng tôi được biết các em không chỉ khuyết tật về thể chất mà còn về tình cảm, có em mồ côi cha mẹ từ nhỏ phải sống với ông bà, có em tuy có cha mẹ nhưng lại bị hắt hủi, bỏ rơi. Chỉ tay về phía Khánh Ngọc, cô bé có khuôn mặt khả ái với nụ cười rất tươi, sơ Liên trầm ngâm: Khánh Ngọc mắc chứng rối loạn tự kỷ, bé sinh ra được vài ngày tuổi thì bị ba mẹ bỏ rơi ngoài công viên, chỉ để lại vỏn vẹn một tờ giấy có viết dòng chữ “Ai bắt gặp em bé này xin hãy nhận nuôi hoặc giúp đỡ đưa đến trung tâm hỗ trợ để bé được sống”. May mắn bé được một cặp vợ chồng tốt bụng phát hiện và đem về nuôi đến nay...

Hiểu được nhiều gia đình không đủ điều kiện để chăm lo trọn vẹn cho các em nên nhà trường không bắt buộc phụ huynh phải đóng một khoản phí nào khi đưa con nhập học, tất cả tùy vào mỗi gia đình. Có gia đình khá hơn thì đóng học phí mỗi tháng 1 triệu đồng, có tháng 500.000 đồng, và ít nhất là 100.000 đồng, đối với những hoàn cảnh quá khó khăn nhà trường sẽ không thu tiền. “Tuy vậy, trường vẫn đảm bảo về cơ sở vật chất, các phòng học chức năng, phòng ăn, phòng ngủ và phòng sinh hoạt. Chỉ mong sao bù đắp, xoa dịu phần nào những khiếm khuyết mà các em phải gánh chịu”, sơ Liên nói thêm.

 Tận tâm với nghề

Chứng kiến cảnh vui chơi, học tập, sinh hoạt tại Tổ ấm, chúng tôi mới thấy được nỗi vất vả của các cô khi đóng vai trò vừa là cô giáo, là mẹ và đôi khi là người bạn. Dạy học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó hơn gấp nhiều lần. Làm việc không lương, điều duy nhất níu chân các cô ở lại chính là sự cảm thông, tình thương vô bờ bến với những đứa trẻ khuyết tật.

Một cô giáo tâm sự, hầu hết các em đều không thể tự ý thức để vệ sinh cá nhân, ngoài việc truyền dạy kiến thức, các cô phải kiêm luôn nhiệm vụ vệ sinh, chăm sóc cho các em từ cái ăn, cái mặc. Bản năng của trẻ chậm phát triển trí tuệ biểu hiện rất mãnh liệt, không biết phân biệt đúng sai và không kiểm soát được hành vi của mình, nên các cô phải luôn luôn theo sát, thay nhau túc trực.

Dù quy định của trường chỉ nhận học sinh dưới 25 tuổi nhưng ở đây vẫn có 2 trường hợp ngoại lệ, tuy 2 em đã ngoài 30, cơ thể cao lớn về mặt sinh học nhưng não bộ vẫn như trẻ con, các cô phải hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất trong quá trình sống. Vất vả là thế nhưng nếu từ chối không nhận, các cô lo ngại khi các em trở về gia đình, không ai quản lý sẽ dễ bỏ đi lang thang, khó tránh khỏi bị kẻ xấu lợi dụng. 

 Nơi tình người đong đầy

Trước khi ra về, chúng tôi dạo một vòng tham quan bếp ăn của các em. Bữa trưa hôm nay các em được ăn món cháo gà, bữa ăn với nhiều cung bậc cảm xúc, mỗi em có một trạng thái khác nhau, em thì trầm ngâm chỉ biết cắm cúi ăn, có em chỉ cười và cười. Hỏi ra mới biết, vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, các em sẽ được ăn ngon hơn thường ngày. Bữa ăn do chị Nguyễn Thị Thúy Trinh, công tác tại Tổ Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa tỉnh đứng ra kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trinh cho biết, cách đây một năm khi đến thăm Tổ ấm, nhìn thấy bữa ăn của các em đơn giản nên nảy sinh ý định thực hiện chương trình “món ngon mỗi tuần” với mục đích giúp các em có thêm bữa ăn ngon, bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng.

Thông qua mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân đã biết đến Tổ ấm Huynh Đệ để đóng góp, gây quỹ giúp bếp ăn hoạt động, hỗ trợ cho các em 2 buổi trong tuần. Bếp ăn do đích thân chị Trinh đi chợ chọn mua những thực phẩm tươi sạch. Từ thịt, cá, rau hay bún chị cũng chọn những nơi đàng hoàng, uy tín mới đặt hàng. Thực đơn cũng được đổi liên tục như tuần này nấu hủ tiếu mì, tuần sau nấu bún riêu cua rồi bánh canh, bún thịt nướng... Mỗi bữa ăn gói ghém trong khoảng chi phí từ 600.000 – 700.000 đồng. “Hôm nào có bữa ăn ngon, các con nghe mùi thức ăn từ bếp là nhanh chân dọn bàn sẵn và đứng đợi, nhìn các con hớn hở và ăn nhiều là niềm hạnh phúc, cũng là nguồn động lực lớn để chúng tôi tiếp tục duy trì bếp ăn”, chị Trinh vui vẻ cho biết. Với vai trò là “cầu nối” giúp các nhà hảo tâm đến với Tổ ấm Huynh Đệ, vào các dịp quốc tế thiếu nhi hay Tết Trung thu, chị Trinh còn vận động mua thêm kẹo, bánh và sữa làm quà trao cho các em ở Tổ ấm để các em không cảm thấy thiệt thòi. Mỗi bữa ăn, mỗi phần quà tuy có giá trị không lớn nhưng luôn đong đầy sự ấm áp, tình thương và lòng nhân ái giữa con người với con người.

Rời Tổ ấm, in hằn trong tâm trí tôi là ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ, là âm thanh không đồng đều của các em khi tập đọc bài “Cảm ơn”. Nơi đó có bóng dáng của các cô đang từng ngày miệt mài, âm thầm chắp những đôi cánh tương lai, trao cho các em và cả chúng ta niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

    
  

  Đôi nét về   Tổ ấm Huynh Đệ

    Năm 1991,   cơ sở khuyết tật thuộc Trường Khiếm thính Hừng Đông đóng tại phường Hưng   Long, TP. Phan Thiết. Đến cuối năm 2004, do số lượng các em học sinh gia   tăng nên cơ sở tách ra riêng và đặt tên là Tổ ấm Huynh Đệ. Hiện Tổ ấm đã   dời sang cơ sở mới tại địa chỉ F1.21 - 31 trên đường Nguyễn Thị Định,   phường Phú Tài, TP. Phan Thiết. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng   trăm em nhỏ lớn lên từ mái trường này. Nhiều em trong số đó giờ đã   trưởng thành, có công ăn việc làm, lập gia đình và sống hạnh phúc.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ ấm cho em