Trao
Trao “cần câu” cho phụ nữ
BT- Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa
phương được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội liên hiệp phụ
nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh. Năm 2020, cùng với tạo điều kiện để chị em vay vốn
đa dạng sinh kế thì việc kết nối để phụ nữ tiếp cận khoa học kỹ thuật, mạnh dạn
khởi nghiệp đã góp phần giúp phụ nữ tự tin, khẳng định vị thế trên các lĩnh vực.
 |
Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi trồng hoa màu trên đất lúa
kém hiệu quả tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc). |
Hiện thực hóa ý
tưởng khởi nghiệp
Nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức
về chủ trương khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ trong phát
triển kinh tế, năm 2020, các cấp hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thông qua
hội nghị, sinh hoạt chi hội, trang thông tin xã hội. Tổ chức tập huấn nâng cao
kiến thức, hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo nghề và tư vấn cho hợp tác
xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trong đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Từ sản
phẩm khởi nghiệp những năm trước, Hội LHPN đã tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá
sản phẩm thông qua nhiều kênh. Qua hiệu ứng ấy, năm nay có 284 ý tưởng phụ nữ
toàn tỉnh đăng ký khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh. Đáng chú ý, nhiều ý tưởng
hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, ứng dụng khoa học công
nghệ trong sản xuất, mà chủ nhân của nó đa phần là những phụ nữ chất phác, thuần
chất nông dân.
Có thể kể đến dự án làm hàng gia
dụng bằng dây thải nhựa của chị Trần Thị Sáu (xã Vĩnh Tân, Tuy Phong). Vật liệu
làm ra túi nhựa, giỏ xách đều là dây nhựa cột linh kiện thải ra từ nhà máy nhiệt
điện. Việc biến sản phẩm bỏ đi thành một món hàng mới, có giá trị sử dụng lâu
dài đang góp phần thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lon, giảm ô nhiễm không khí
từ đốt dây nhựa, bảo vệ môi trường biển. Hay ý tưởng trồng nấm bào ngư sạch của
chị Võ Thị Nhung (xã Hàm Thạnh, Hàm Thuận Nam), trồng bưởi da xanh của chị Đỗ
Thị Nương (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc)…
Hỗ trợ thêm nhiều
đối tượng
Kinh tế hội viên ổn định là một
trong những điều kiện để cơ sở hội mạnh. Bởi thế các cấp hội tiếp tục huy động
từ ngân hàng, chương trình, dự án giúp trên 60.000 phụ nữ vay, với tổng số vốn
trên 2.400 tỷ đồng. Trong năm thành lập 29 tổ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng với
trên 3.400 thành viên, huy động được 2,3 tỷ đồng giúp nhau phát triển kinh tế
gia đình. Từ đồng vốn ấy, các chị đều sử dụng đúng mục đích vào buôn bán nhỏ,
chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Với phương châm “Trao cần câu thay
cho con cá”, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiện đi sâu vào các mô
hình sinh kế, có sự bám sát theo dõi của cán bộ hội. Trong đó ưu tiên hướng dẫn
hội viên tham gia mô hình kinh tế tập thể nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, liên
kết sản xuất, ổn định thị trường, tạo việc làm. Đến nay hội phối hợp thành lập
thêm 5 hợp tác xã nuôi dê, dịch vụ nông nghiệp, nước mắm/49 thành viên, nâng
tổng số đến nay có 12 hợp tác xã/115 thành viên. 9 tổ hợp tác thu mua, tiêu
thụ trứng vịt; thu mua heo; chăn nuôi heo; sản xuất, tiêu thụ khoai lang; sản
xuất điều, lúa, nếp hương, nâng tổng số đến nay có 37 tổ hợp tác/223 thành
viên... Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp hội phụ nữ đang giúp hội
viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Ghi nhận năm
2020 có 217/831 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa
chiều, đạt 144,7% chỉ tiêu đề ra.
Thục Anh