Theo dõi trên

Triển khai Nghị định 155: Đang “án binh bất động”

04/04/2017, 09:14

BT- Nghị định (NĐ) 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2/2017.

                
Rác vẫn là nỗi ám ảnh của người dân.

Nhiều người rất kỳ vọng vào NĐ này và xem đây sẽ là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh nhà “Xanh-Sạch-Đẹp” bởi các chế tài xử phạt “đủ sức” răn đe những hành vi vi phạm. Đặc biệt đối với những hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; vứt, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng…

Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua 2 tháng NĐ 155 có hiệu lực, dường như vẫn chưa có nhiều động thái tích cực từ phía các địa phương, nếu không muốn nói là đang còn “án binh bất động”! Tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn TP. Phan Thiết cũng như một số địa phương lân cận tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định hay các bãi rác “tự phát” từ trước đến nay vẫn… y nguyên. Tại hàng ăn uống vỉa hè vẫn trắng giấy ăn do thực khách bỏ ra. Vừa chạy xe vừa hút thuốc lá, vứt tàn thuốc lá bừa bãi vẫn còn khá nhiều… Một thực trạng nhức nhối khác đó là nhiều người dân vẫn rất “vô tư” ném rác xuống kênh mương. Điển hình nhất là xã Chí Công (huyện Tuy Phong), khi kênh Hiệp Đức trở thành “kênh rác” từ nhiều năm nay, do thói quen vứt rác bừa bãi của nhiều hộ dân sống quanh khu vực này. Nguồn nước trong kênh không được lưu thông, rác bị ứ đầy đã bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa nói đến tình trạng xác súc vật, gia cầm chết cũng bị đẩy hết xuống mương, có nguy cơ phát tán mầm dịch…

Thử tìm hiểu nguyên nhân các quy định của NĐ 155 chậm đi vào cuộc sống, nhiều người cho rằng, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng chưa ý thức được tầm quan trọng, tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường, từ đó chưa tập trung mọi nguồn lực để thực hiện quyết liệt. Mặt khác, nếu nhìn ở khía cạnh từ phía chính quyền địa phương - lực lượng nòng cốt thực thi NĐ này thì hiện chưa được phân công rõ ràng cụ thể, và cũng chưa được hỗ trợ các phương tiện máy móc để có thể thu thập bằng chứng rõ ràng, chứng minh người bị xử phạt có hành vi vi phạm, nhất là chứng minh hình ảnh vi phạm... Do đó, có ý kiến cần huy động sự vào cuộc, giám sát của chính người dân, vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định gửi tới các cơ quan chức năng, từ đó có thể “phạt nguội”. Thậm chí, đối với cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm nhiều lần thì có thể nêu tên ở khu dân cư, ở cơ quan… Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần đưa nội dung vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua, xếp loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Các điểm kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, buộc phải ký cam kết, vận động khách không được xả rác bừa bãi, nếu vi phạm sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra thường xuyên. Phối hợp với các cơ quan báo, đài đăng tải các hình ảnh xả rác bừa bãi để người dân thấy mà không dám vi phạm.

NĐ 155 là điểm tựa pháp lý để hướng tới mục tiêu đô thị văn minh, sạch đẹp, đáp ứng mong muốn của người dân. Do vậy, ngoài chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phù hợp, chuẩn bị nhân lực để thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân... thì vấn đề cốt lõi mà các đơn vị liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện NĐ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Có ý thức được điều này, NĐ mới được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, tránh tình trạng “đâu lại vào đó”.

 MINH Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai Nghị định 155: Đang “án binh bất động”