Theo dõi trên

Trỗi dậy đi, Tuy Phong ơi!

05/06/2020, 10:18

BT- Mấy ngày qua, cộng đồng mạng nói nhiều về một bộ phim chuẩn bị “trình làng”. Cái tên rất hot: “Tà Năng - Phan Dũng”. Một cung đường du lịch gây nhiều cảm xúc, được nâng lên tầm nghệ thuật qua con đường dễ đến với lòng người nhất - điện ảnh. Thêm một lần trong triệu triệu lần, “Tuy Phong” với đầy đủ tên đất, tên người, tên cỏ cây lại nhấp nháy trên bản đồ du lịch Việt Nam vẫy chào du khách mọi miền. 

                
   Cung đường Tà Năng - Phan Dũng.

Ở Tuy Phong, nơi nào cũng có cảnh, có vật, có người đủ để lôi cuốn người lạ. Từ trước năm 1975, vùng đất “gió đuổi” này đã nổi tiếng khi có một điểm đến trong tâm linh nhiều người. Giới làm ăn miệt Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sau một năm “hơn – thua, được – mất”, thường tổ chức chuyến du lịch vừa “trả lễ” (sau khi cầu) vừa để xả stress. 3 điểm đến ở Bình Thuận nằm trong cung đường tâm linh ấy là dinh Thầy Thím – chùa Tà Cú và chùa Cổ Thạch (Bình Thạnh).

Thời ấy, với nhiều người, ra đến đây mà không ghé thăm Duồng (Chí Công) tạo dáng bên những vách nhũ đỏ của Gành Son để có một vài “pô” ảnh “để đời” là một sự thiếu sót đáng bị “chê cười” trong những cuộc “chén chú chén anh” bên vỉa hè hay những lúc các chị tại các sạp chợ lúc thưa vắng khách. Ngày ấy, Gành Son đã là một danh thắng của cả nước. Danh thắng ấy đi vào nghệ thuật nhiếp ảnh, là nguồn cảm hứng của bao lớp nghệ sĩ để rồi từ đó, Gành Son “đàng hoàng” có mặt trong bưu thiếp ngang hàng với những “nhà thờ Đức Bà”, “thác Prenn”… trong các sản phẩm đồ lưu niệm được bày bán ở nơi sầm uất bậc nhất mảnh đất phương Nam…

Vài dòng để thấy rằng, du lịch Tuy Phong đã được “cha anh” gầy dựng từ những gì thiên nhiên cho không từ rất lâu. Và sau này, cộng hưởng từ “Nhật thực toàn phần” – Mũi Né - Phan Thiết, từ sự phát triển và hội nhập mạnh mẽ của đất nước, Tuy Phong được biết thêm bởi những điểm đến “có một không hai” như bãiđábảymàu, bãirêu (Bình Thạnh),khu bảo tồn biển Cù Lao Câu có hệ sinh thái san hô vừa đẹp lại vừa quý hiếm, và còn có cả “nhà hộ sinh” cho rùa Thái Bình Dương…

Thăm thú, tắm biển, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn rất riêng ở vùng đất này. Hải sản Bình Thuận không đâu bằng Tuy Phong, nơi hội tụ của 2 dòng hải lưu trên biển Đông mang về vô vàn sinh vật biển “ưu tú nhất”. Đến đây, không cần những con cá thương hiệu, chỉ cần tươi là đủ. Canh chua cá tươi được “nêm nếm” bởi những chiếc lá é trắng, một loại thảo mộc trời ban. É trắng có thể mọc nhiều ở miền Trung nhưng không đâu thơm và nhiều tinh chất dược liệu như Tuy Phong, như lời một chuyên gia của OPC từng đánh giá. 

Với tô canh chua có mùi é trắng, giữa trưa hè, du khách gắp cá bỏ ra dĩa nước mắm truyền thống, dầm vài trái ớt “chim” Bình Thạnh nữa thì chỉ còn biết vỗ đùi đánh đét vì quá… đã. Cao hứng có thể hỏi chuyện thảo mộc, cỏ cây, người dân ở đây sẽ tự hào kể về nơi mình là vùng nguyên liệu cho các hãng dược phẩm lớn khi cung cấp bụt giấm, màng màng ri để có những sản phẩm tân dược chữa bệnh cứu người. Họ cũng có thể “khoe”, nơi mình từng là điểm dừng chân của Bác Hồ trước khi vào Phan Thiết dạy ở Trường Dục Thanh.

Là dân phượt, sáng sáng rong rủi bất cứ nơi đâu cho dù Hòa Phú, Hòa Minh, Chí Công hay ra tới Phước Thể nhưng nếu không tấp xe vào lề đường, kéo cái ghế gỗ con cao 5 tấc ngồi lên rồi nhìn tay các bà, các chị đổ bánh căn, bánh xèo thì chưa đủ đẳng đáng mặt dân rong rủi trên các cung đường. Còn nếu cho rằng đã thưởng thức bánh căn Phan Rang, bánh xèo Phan Thiết nhưng chưa một lần cầm đũa khuấy bát nước cá con con chờ người đổ, cậy từ khuôn cái bánh xèo trắng ngà, lừng thơm, bỏ vào bát thì chưa thể “vỗ ngực” rằng, sành các món ăn từ “gạo nướng” vùng cực namtrung bộ. Thử một cái sẽ muốn cái nữa. Hết bánh xèo đến bánh căn, hết bánh căn muốn ăn bánh hỏi, xong bánh hỏi thì rang ngốn cái bánh nghệ… Các loại bánh này ít nhất phải thử một lần trong đời khi đến Tuy Phong. Sang sang chút thì bánh xèo đầy ắp những điệp, dòm, mực tươi roi rói; hay bánh căn đổ chung với trứng gà, trứng vịt sống. Nhìn cái bánh căn phồng lên vàng ươm màu trứng như đóa hoa vạn thọ ngày xuân là đủ thấy lòng phơi phới. Giản dị hơn chút là những rê bánh hỏi, bánh nghệ chỉ với những cọng hành. Nhưng dù là bánh gì thì tất cả đều được ăn với nước cá kho rất loãng. Cá được kéo từ những mẻ lưới rê ven bờ. Nhỏ nhỏ như lòng tong vùng sông Hậu nhưng cực kỳ ngọt nước. “Mỗi lần ra đây, tôi phải ăn một trong những thứ bánh đó cho bằng được. Và luôn tiếc rằng, mình không có đủ thời gian để thưởng thức hết. Chỉ với các món ăn sáng thôi đã lôi cuốn vô cùng”, Trần Văn Thịnh, một thanh niên chuyên phượt ở TP. Hồ Chí Minh thổ lộ. Nuốt nước bọt, mắt mơ màng, anh tiếp: “Một người bạn ở Phan Rí Cửa của tôi chỉ cách ăn. Khi xong miếng bánh cuối cùng, đừng vội buông đũa mà hãy cầm cái tô đưa lên miệng húp cho sạch nước cá và vụn bánh trong ấy. Nó ngọt hết biết. Chưa ăn kiểu này, bạn chưa biết ăn bánh căn, bánh xèo Tuy Phong”. 

Bấy nhiêu đó thôi đủ thấy, Tuy Phong có quá nhiều thuận lợi để du lịch phát triển mạnh. Thế nhưng khi trao đổi với một vị lãnh đạo ở đây, ông này than vãn: “Du lịch Tuy Phong còn nhiều việc phải làm lắm. Nhiều dự án được chấp thuận lâu rồi mà giờ vẫn còn dự với án thôi”. Dự án được khởi động sẽ mang lại lợi ích ở thì tương lai. Còn nếu vẫn giậm chân thì đó là bối cảnh chung. Không thể trông vào đó như một cứu cánh trong khi “trong tay” có quá nhiều điều kiện. Yếu tố chính chúng ta phải phát huy hết tiềm năng.

Và mới đây cái tên Phan Dũng là từ khóa hot hơn bao giờ hết. Một vùng đất “hóc bò tó” ngày nào chẳng mấy người biết đến giờ trở thành “Cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam”. Cung đường đó được nâng lên một cấp nữa khi bước vào thế giới điện ảnh qua phim Tà Năng – Phan Dũng (đạo diễn Trần Hữu Tấn, sắp được công chiếu).

Cộng đồng mạng là nơi quảng bá hiệu quả nhất, ít tốn kém và có thể nói là không tốn kém gì – người háo hức, kẻ tranh luận về tính nhân văn của phim làm cho độ “hot” ngày càng tăng. Chỉ cần gõ cụm từ “Tà Năng – Phan Dũng” trên công cụ Google chỉ trong vòng 46 giây đã có kết quả 13.400.000 kết quả, cao hơn gấp 3 lần từ khóa “Langbiang”, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Lâm Đồng. Lợi thế đến thế là cùng!

Trời cho, đất cho và cả người cho đấy! Còn chần chờ gì nữa mà không trỗi dậy đi, Tuy Phong ơi!

Hà Nam Phong



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trỗi dậy đi, Tuy Phong ơi!